Sáng 3/8, theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Bộ Y tế sẽ sớm cấp phép, đưa thuốc Remdesivir vào phác đồ điều trị. Cơ quan này giao Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cùng các chuyên gia nghiên cứu, đưa ra hướng dẫn.
Tuy nhiên, ông Sơn lưu ý người dân tuyệt đối không săn lùng và tự ý sử dụng thuốc này. Chỉ định, liều lượng dùng Remdesivir trên các bệnh nhân phải do bác sĩ tại cơ sở điều trị quyết định.
Trước đó, Tập đoàn Vingroup đàm phán thành công đơn hàng gồm 500.000 lọ Remdesivir. Đơn hàng do Công ty dược phẩm Cipla, Ấn Độ sản xuất, dưới sự cho phép Gilead Sciences, Mỹ. Đơn hàng sẽ được chuyển về Việt Nam ngay trong tháng 8 để kịp thời trao tặng cho Bộ Y tế.
Tại cuộc họp trực tuyến chống dịch Covid-19 ngày 2/8, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh ngay khi về Việt Nam, Remdesivir sẽ được sử dụng cho các bệnh nhân Covid-19 thể trung bình trở lên.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết thông qua các nguồn tặng, viện trợ, một số bệnh nhân Covid-19 ở nước ta đã được sử dụng Remdesivir. Kết quả cho thấy loại thuốc này giúp bệnh nhân giảm lượng virus nhanh.
Thuốc Remdesivir sẽ sớm được cấp phép điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam. Ảnh minh họa: Reuters. |
Remdesivir được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt từ cuối tháng 10/2020 để điều trị bệnh nhân Covid-19. Hiện hơn 50 quốc gia cũng sử dụng thuốc này trong phác đồ điều trị.
Vào tháng 6/2020, Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ công bố kết quả cho thấy các bệnh nhân sử dụng Remdesivir hồi phục nhanh hơn khoảng 4 ngày so với những người không dùng thuốc.
Giá mỗi lọ thuốc Remdesivir khoảng 390 USD, trung bình mỗi bệnh nhân có liệu trình điều trị khoảng 5 ngày.
Thuốc được sử dụng trên những bệnh nhân Covid-19 thể trung bình và nặng bị viêm phổi cần hỗ trợ oxy. Châu Âu cho phép sử dụng cho trẻ từ trên 12 tuổi.
Ngoài ra, sắp tới Việt Nam nhập thêm một số thuốc có tác dụng hỗ trợ điều trị Covid-19.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.