Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Y tế yêu cầu kiểm tra việc bán mỹ phẩm trên TikTok, Zalo, Youtube

Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tục phát hiện nhiều trường hợp mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc được bày bán trên thị trường.

Một kho hàng không nhãn phụ, không hóa đơn chứng từ, không được khai báo hải quan được phát hiện ở Hải Dương. Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường.

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ sở sản xuất, công bố, nhập khẩu mỹ phẩm, yêu cầu tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm.

Theo ghi nhận từ các đợt kiểm tra gần đây, nhiều tổ chức đã vi phạm quy định khi sản xuất mỹ phẩm tại các cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện; công bố sai công thức hoặc thay đổi thông tin doanh nghiệp mà không báo với cơ quan chức năng. Một số đơn vị không lưu giữ đầy đủ hồ sơ sản phẩm hoặc không thể cung cấp khi bị thanh tra.

Ngoài ra, tình trạng buôn bán mỹ phẩm trôi nổi trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội như Facebook, TikTok, Zalo, YouTube cũng đang diễn ra phổ biến. Trong đó, nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm, có dấu hiệu tiêu thụ sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu và trốn thuế

Đáng lo ngại, không ít sản phẩm được quảng cáo sai lệch về công dụng, gây nhầm lẫn với thuốc, thậm chí sử dụng hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế để tạo sự tin tưởng không đúng bản chất.

Trước tình trạng vi phạm ngày càng phức tạp trong lĩnh vực mỹ phẩm, Cục Quản lý Dược đề nghị các Sở Y tế tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất, kinh doanh và quảng cáo mỹ phẩm sai quy định.

Đồng thời, cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý thị trường, công an và các ban ngành địa phương để kiểm tra hoạt động mua bán mỹ phẩm, đặc biệt trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội như TikTok, Facebook, Zalo, YouTube… nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các sản phẩm giả, không rõ nguồn gốc, chưa được cấp phép lưu hành hoặc quảng cáo sai lệch, gây hiểu nhầm là thuốc.

Toàn bộ mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc, không đạt chất lượng hoặc không an toàn cần bị thu hồi, tiêu hủy. Trường hợp có dấu hiệu tội phạm như quy mô lớn, gây hậu quả nghiêm trọng hay tái phạm, hồ sơ sẽ được chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự theo quy định.

Các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất mỹ phẩm cần nghiêm túc nghiên cứu quy định tại Thông tư số 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế.

Cá nhân, tổ chức không được sản xuất, gia công mỹ phẩm tại các cơ sở sản xuất mỹ phẩm trong nước chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm; sản xuất mỹ phẩm công thức có thành phần theo đúng hồ sơ công bố và theo đúng quy định.

Cơ quan quản lý khẳng định sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, có thể thu hồi, tiêu hủy sản phẩm hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra nếu có dấu hiệu hình sự. Các bên liên quan phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về chất lượng, độ an toàn và hiệu quả của sản phẩm đã lưu hành.

Cuốn sách Ăn gì cho khỏi thần kinh của tác giả Uma Naidoo là cẩm nang về cách lựa chọn, sử dụng và chế biến thực phẩm để hỗ trợ sức khỏe tâm thần. Tác giả là một chuyên gia trong lĩnh vực dinh dưỡng tâm thần học, mang tới kiến thức dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch và đối phó với các bệnh trạng về tâm lý.

Giành sự sống cho bé 7 tháng tuổi bị mắc sởi biến chứng

Bệnh nhi 7 tháng tuổi ở Quảng Ninh nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, ho nhiều, ban đỏ, đi ngoài lỏng nhiều lần gây mất nước, được chẩn đoán viêm phổi biến chứng.

Kỳ Duyên

Bạn có thể quan tâm