Dưới đây là một số cách giúp giảm tác dụng phụ của nhóm thuốc này.
Tác dụng phụ thường gặp của thuốc hạ mỡ máu
Đau cơ
Đau cơ liên quan đến thuốc hạ mỡ máu thường xảy ra trong vòng vài tháng đầu sau khi người bệnh bắt đầu dùng thuốc hoặc tăng liều. Các triệu chứng bao gồm: Đau cơ, yếu cơ, nhức mỏi các khớp… Nhiều trường hợp cơn đau có thể khiến người bệnh khó thực hiện các hoạt động bình thường.
Nên: Người bệnh nên nghỉ ngơi, có chế ăn uống lành mạnh, tập luyện phù hợp. Cần trao đổi với bác sĩ để có cách xử trí hợp lý nếu tình trạng đau cơ làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
Ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa
Các thuốc hạ mỡ máu có thể khiến người dùng bị rối loạn tiêu hóa như khó tiêu, táo bón, đau bụng, đầy bụng, chán ăn…
Nên: Cố gắng ăn các bữa ăn nhỏ hơn, ăn thực phẩm giàu chất xơ như trái cây tươi, rau, ngũ cốc, uống nhiều nước, tập thể dục thường xuyên... Nếu các triệu chứng tiêu hóa không hết hoặc làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ.
Ảnh hưởng đến hệ thần kinh
Khi dùng thuốc hạ mỡ máu nhóm statin, một số người có thể bị giảm trí nhớ, nhầm lẫn, phù mạch thần kinh, chuột rút, bệnh lý thần kinh ngoại biên,...
Nên: Các tác dụng phụ này sẽ hết khi ngừng dùng thuốc hoặc đổi sang loại thuốc khác. Lưu ý, không nên tự ý ngừng dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
Tăng đường huyết
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, sử dụng statin làm tăng lượng đường trong máu. Điều này khiến những người sử dụng statin có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường loại 2 cao hơn.
Nên: Cần cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ khi dùng statin, bởi statin vẫn được khuyến nghị cho những người có cholesterol trong máu cao và ngăn ngừa đau tim ở những người bị đái tháo đường. Do đó, nên trao đổi với bác sĩ để có được lựa chọn tốt nhất.
Tổn thương gan
Mặc dù các vấn đề về gan rất hiếm gặp, tuy nhiên một số trường hợp có thể tăng mức độ enzyme trong gan (các enzyme này báo hiệu tình trạng viêm).
![]() |
Cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ trước khi dùng thuốc hạ mỡ máu. |
Nên: Nếu mức tăng enzym nhẹ, có thể tiếp tục dùng statin. Nếu mức tăng nghiêm trọng, cần đổi một loại statin khác. Trong trường hợp người bệnh cảm thấy mệt mỏi hoặc yếu bất thường, chán ăn, đau bụng trên, nước tiểu sẫm màu, vàng da hoặc vàng mắt… cần báo ngay cho bác sĩ để xử trí kịp thời.
Cách tốt nhất giảm tác dụng phụ của thuốc hạ mỡ máu
Để làm giảm các tác dụng phụ do thuốc hạ mỡ máu gây ra, cần thực hiện:
- Nghỉ ngơi: Sau khi dùng thuốc hạ mỡ máu, người bệnh nên nghỉ ngơi để giảm các cơn đau nhức.
- Chuyển sang một loại thuốc khác: Nếu gặp các tác dụng phụ, có thể chuyển sang một loại thuốc có tác dụng tương tự, ít tác dụng phụ khó chịu hơn.
- Thay đổi liều dùng: Liều thấp hơn có thể làm giảm một số tác dụng phụ khi dùng thuốc hạ mỡ máu.
- Có thể tạm dừng dùng statin, điều này có thể giúp bạn biết được liệu thuốc có phải là nguyên nhân gây đau cơ hay các tác dụng phụ khác không.
- Tập thể dục thường xuyên: Thực hiện các bài tập phù hợp với thể trạng của từng người cũng giúp giảm các tác dụng phụ của thuốc hạ mỡ máu.
- Dùng thực phẩm bổ sung: Nghiên cứu cho thấy, việc dùng thực phẩm bổ sung coenzyme Q10 có thể giúp ngăn ngừa tác dụng phụ của statin ở một số người. Tuy nhiên, nên trao đổi với bác sĩ trước khi thực phẩm bổ sung để tránh những tương tác có thể xảy ra.
Lưu ý khi dùng thuốc hạ mỡ máu
Để dùng thuốc an toàn, hiệu quả, người bệnh cần tuân thủ:
- Cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro:Mặc dù tác dụng phụ của các thuốc hạ mỡ máu có thể gây khó chịu, tuy nhiên cần cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro của thuốc hạ mỡ máu trước khi quyết định ngừng dùng thuốc. Thuốc hạ mỡ máu có thể làm giảm nguy cơ đau tim, đột quỵ và mang lại nhiều lợi ích khác, trong khi đó nguy cơ tác dụng phụ đe dọa tính mạng từ statin là rất thấp.
- Không phải bất cứ ai khi dùng thuốc điều trị mỡ máu cao cũng gặp các tác dụng phụ kể trên. Những người có nguy cơ cao gặp tác dụng phụ là: Uống nhiều loại thuốc giảm cholesterol một lần, nữ giới, người có bệnh thận hoặc gan, người trên 65 tuổi, người uống quá nhiều rượu,...
- Người bệnh tuyệt đối không được ngừng dùng thuốc statin khi chưa có ý kiến của bác sĩ, kể cả khi gặp các tác dụng phụ gây khó chịu.
- Do các thuốc hạ mỡ máu đều có tác dụng phụ nên người bị mỡ máu cao mức độ nhẹ không nên tự ý mua thuốc về dùng mà cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
- Việc điều trị mỡ máu cao tốt nhất chính là kết hợp giữa dùng thuốc với chế độ ăn uống lành mạnh và tuân thủ một chế độ luyện tập khoa học.
- Bệnh nhân cũng nên khám sức khỏe định kỳ để theo dõi sát sao tình tình sức khỏe của bản thân và kịp thời có phương án điều trị khi cần thiết.
Hồi ký "Hồng Sơn 'Công Chúa' - Quái kiệt sân cỏ trong màu áo lính" kể chuyện đời, chuyện nghề thăng trầm nhiều vinh quang nhưng cũng lắm thách thức của cầu thủ vàng làng bóng đá Việt Nam.