Nếu trong TP.HCM, thị trường âm nhạc sôi động với cơn bão MV, game show ca nhạc, "đặc sản” của Hà Nội là live show, live concert. Nhiều nghệ sĩ lớn, ngôi sao hạng A đều chọn sân khấu thủ đô để làm đêm nhạc riêng.
Khán giả Hà Nội vốn có thói quen nghe nhạc trong không gian nhà hát. Tuy vậy, xu hướng âm nhạc cũng có sự thay đổi qua từng năm. Nếu năm 2017, những đêm nhạc Bolero bùng nổ, năm nay, thị trường live show phát triển đa dạng hơn, trong đó có không ít đêm nhạc đỏ bán vé.
Danh ca Chế Linh không có live show riêng tại Hà Nội vào năm 2018. |
Đêm nhạc Bolero ít hơn năm 2017
Nhạc Bolero từng bùng nổ trên sân khấu Hà Nội với những live show được tổ chức liên tiếp. Riêng năm 2017 có hàng chục đêm nhạc Bolero được tổ chức, từ show diễn cá nhân của ca sĩ đến chương trình tôn vinh tác giả - tác phẩm.
Trong đó, có thể kể đến như live show của Lam Phương, Chế Linh, Ngọc Sơn, Lệ Quyên, Đàm Vĩnh Hưng. Trong đó, có nghệ sĩ có tới 2 đêm nhạc riêng trong năm. Trước Tết Âm lịch năm 2018, Hà Nội còn có thêm đêm nhạc Bolero của Như Quỳnh.
Thế nhưng, năm nay thị trường đêm nhạc tại Hà Nội đã có nhiều thay đổi. Sân khấu thủ đô năm nay thưa dần những live show nhạc Bolero.
Chế Linh năm nay chưa có đêm nhạc nào dù những năm trước đó, ông có những chương trình liên tiếp. Những đêm nhạc tôn vinh nhạc sĩ – tác giả Bolero cũng vắng bóng.
So với hàng chục đêm nhạc được tổ chức vào những năm trước, năm 2018 có lẽ chỉ có live show Tuấn Vũ là được truyền thông và công chúng quan tâm hơn cả. Đêm nhạc đánh dấu sự trở lại của danh ca hải ngoại sau nhiều năm nên cũng nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả yêu thích nhạc Bolero.
NSND Quang Thọ hát trong live show của 3 học trò Trọng Tấn - Đăng Dương - Việt Hoàn. |
Nhạc đỏ bất ngờ “cháy vé”?
Trong khi Bolero bớt "hot" hơn, nhạc đỏ cũng đang có sự thay đổi. Nếu năm 2017 chỉ có 2 đêm nhạc đỏ được tổ chức là live show chung Trọng Tấn - Anh Thơ và live concert của Đăng Dương, năm 2018 có khá nhiều đêm nhạc đỏ được tổ chức, trong đó không thể không kể đến như live show kỷ niệm 50 ca hát của NSND Quang Thọ, đêm nhạc Đường chúng ta đi của bộ ba Trọng Tấn – Đăng Dương – Việt Hoàn và live show đầu tiên trong sự nghiệp của Lan Anh.
Tất cả đều là những chương trình đã diễn ra. Và theo quan sát của phóng viên, việc tiếp cận thị trường khán giả của những live show này tương đối khả quan. Trong đó, live show Trọng Tấn – Đăng Dương – Việt Hoàn kín đặc khán giả, thậm chí được thông báo là “cháy vé”.
Ca sĩ Lan Anh - giọng ca số 1 của nhạc Opera thậm chí đã làm hai đêm vào tháng 11 vừa qua tại Nhà hát Lớn. Cả hai đêm nhận được những phản hồi tích cực, và không gian nhà hát đều kín chỗ.
Cuối tháng 12 tới đây, Hà Nội tiếp tục có một đêm nhạc đỏ là live show kỷ niệm 10 năm ca hát của Vũ Thắng Lợi với các khách mời là Trọng Tấn, Uyên Linh, Lan Anh. Vũ Thắng Lợi vẫn được xem là giọng ca thổi một màu sắc mới vào nhạc đỏ. Hiện, anh cũng là một ca sĩ nhạc đỏ khá đắt show trên thị trường.
Vũ Thắng Lợi được cho là giọng ca thổi một hơi thở mới vào các ca khúc cách mạng. |
Về sức hút bất ngờ của nhạc đỏ trong năm 2018, bà Đoàn Thúy Phương, nhà sản xuất live show Quang Thọ và đêm nhạc Trọng Tấn – Đăng Dương – Việt Hoàn cho rằng thời nào cũng vậy, âm nhạc nói chung và dòng nhạc chính thống chính vẫn là nguồn cổ vũ tinh thần lớn lao cho con người hướng về tổ quốc, tự hào dân tộc.
“Nhiều ý kiến cho rằng, chính thống cũng có nghĩa là dòng nhạc kỷ niệm của các sự kiện ‘cúng cụ’ , kén khán giả và khó bán vé. Nhưng đêm nhạc tam ca Đường chúng ta đi rõ ràng cháy vé từ sớm đã chứng minh định kiến đó là sai. Chúng tôi muốn chứng mình rằng, âm nhạc không có ranh giới và định kiến, rào cản. Những cống hiến không mệt mỏi của các nghệ sĩ, những tiếng hát không tuổi và dòng nhạc chính thống luôn có sức hút qua năm tháng”, nhà sản xuất khẳng định.
Lan Anh làm hai đêm nhạc vào tháng 11 tại Nhà hát Lớn, cả hai đêm đều kín khán giả. |
Trong khi đó, ca sĩ Lan Anh lại có lý giải mang tính chuyên môn hơn. Giọng ca thính phòng cho rằng, nhạc đỏ tiếp cận được hơn với thị trường một phần là vì các nghệ sĩ đã dám thử thách, làm mới dòng nhạc này.
“Trước đây mọi người nghĩ là nhạc đỏ cứng nhắc, hát hô hào thôi, do vậy chưa cảm nhận được hết cái hay, cái đẹp. Nhưng bây giờ chúng tôi hát với hơi thở mới, thổi cảm xúc mới”, nữ ca sĩ nhấn mạnh.
Lan Anh cho rằng các đêm nhạc đỏ hiện nay cũng khá đầu tư, ca khúc gần như đều được phối mới lại thay vì “để nguyên như cũ”.
“Trước đây là tinh thần kháng chiến hừng hực, nhưng bây giờ các giám đốc âm nhạc sẽ hòa âm kiểu khác để ca khúc sống trong một màu sắc mới. Nếu trước đây là Trường Sơn máu lửa, hào hùng thì giờ cũng vẫn ca khúc đó, nhưng lại như dải lụa bay trên dãy Trường Sơn, nhẹ như dòng suối chảy. Với nghệ thuật, tôi quan niệm, nếu không sáng tạo thì sẽ dậm chân tại chỗ, và khán giả sẽ không đón nhận”, nữ ca sĩ khẳng định.