Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bom tấn Disney: Ăn khách, tiên phong nhưng vẫn gây tranh cãi

Không chỉ thu về hàng tỷ USD, giành được hàng loạt giải thưởng lớn, hãng Disney trong năm qua còn góp sức vào các cuộc cách mạng tại Hollywood.

Cuối năm 2017, Star Wars: The Last Jedi đã soán ngôi Beauty and the Beast để trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất trong năm 2017. Đến nay, The Last Jedi đã kiếm được tới gần 1,3 tỷ USD trên thị trường toàn cầu.

Star Wars đánh bại Beauty and the Beast, nhưng đó là chiến thắng chung của Disney. Thành công của Star Wars đã khép lại một năm ngọt ngào của Disney khi hãng vừa kiếm được bộn tiền và các bộ phim đều được giới phê bình cũng như khán giả đánh giá cao.

Một nửa các phim ăn khách nhất là của Disney

Nhìn vào bảng tổng kết 10 bộ phim đạt doanh thu cao nhất năm 2017 do IMDb công bố, người hâm mộ dễ dàng nhận ra có tới 5 bộ phim là do Disney phát hành.

Star Wars: The Last Jedi xếp đầu bảng, tiếp theo là Beauty and the Beast (1,263 tỷ USD), xếp thứ 7 và 8 lần lượt là Guardians of the Galaxy Vol.2 (863 triệu USD), Thor: Ragnarok (851 triệu USD), và chốt sổ là Pirates of the Caribbean: Dead men tell no tales (794 triệu USD).

Phim anh Disney trong nam 2017 anh 1
Star Wars: The Last Jedi, phim ăn khách nhất năm 2017.

Đấy là còn chưa kể Spider-Man: Homecoming của Sony Pictures, bộ phim có sự tham gia sản xuất của Marvel Studios, công ty con thuộc Walt Disney Studios. Disney dù không được ăn chia tiền bán vé phim tại rạp, nhưng lại được quyền ăn lợi nhuận khi bán các sản phẩm thương mại ăn theo như đồ chơi, game điện tử.

Và với việc Spider-Man năm qua đạt doanh thu tới 880 triệu USD, người ta cũng có thể tưởng tượng Disney đã nắm trong tay một cơ hội kiếm lời khủng khiếp đến mức nào.

Các bom tấn đã giúp Disney, studio phim có tuổi đời gần một thế kỷ, trở thành hãng phim đầu tiên trong lịch sử thu được ít nhất 6 tỷ USD trong 2 năm liên tiếp.

Phim anh Disney trong nam 2017 anh 2
Beauty and The Beast thu hơn 1 tỷ USD

Điều này cũng không khiến nhiều người bất ngờ bởi 5 năm trở lại đây, Disney luôn là cái tên thống trị phòng vé. Thậm chí vào năm 2016, cả 5 phim ăn khách nhất thế giới đều thuộc về hãng này.

Đa phần tác phẩm hái ra tiền cho Disney đều xoay quanh các nhân vật quen thuộc như Jack Sparrow, Thor, Người đẹp và Quái Vật,.. Nhưng không chỉ biết cách tận dụng các nhân vật cũ, Disney còn cho ra đời những nhân vật mới toanh giúp họ chinh phục các giải thưởng lớn nhỏ.

Trailer bộ phim 'Star Wars: Jedi cuối cùng' Phần tám của thương hiệu điện ảnh "Chiến tranh giữa các vì sao", tiếp nối câu chuyện về Rey (Daisy Ridley) và nguồn gốc của cô.

Cuộc chiến Oscar: Hoạt hình Disney chống lại cả thế giới

Đã bao lâu kể từ khi một bộ phim không phải của Disney giành giải phim hoạt hình hay nhất tại lễ trao giải Oscar? Câu trả lời là đã 5 năm nay rồi. Suốt 5 năm nay, lần lượt Brave, Frozen, Big Hero 6, Inside out Zootopia lên ngôi thuyết phục. Chiến thắng của các bộ phim hoạt hình Disney luôn được dự đoán từ trước.

Đầu năm 2017, Zootopia lập cú đúp tại cả Oscar lẫn Quả Cầu Vàng. Điều ấy nhiều khả năng được lập lại với bộ phim Coco, một phim hoạt hình xuất sắc của Pixar, một studio trực thuộc Disney.

Phim anh Disney trong nam 2017 anh 3
Zootopia giành giải Oscar cho phim hoạt hình xuất sắc năm ngoái.

Ra mắt cùng năm với Loving Vincent, một bộ phim hoạt hình kỳ công đã được quan tâm đặc biệt trên các phương tiện truyền thông trong một thời gian dài, nhưng chính Coco với nội dung không quá đột phá, nhưng cảm động và chạm tới trái tim, mới là ứng cử viên nặng ký nhất cho các giải thưởng lớn. Vừa qua, chính Coco đã đánh bại Loving Vincent trong lễ trao giải Quả Cầu Vàng lần thứ 75.

Dường như, ông lớn Disney đang trên bước đường trở thành một “Độc Cô Cầu Bại” của giới làm phim hoạt hình. Và trong các giải thưởng, người ta thậm chí có thể chia các phim được đề cử ra làm hai mục: phim của Disney và phim không phải của Disney. Một mình Disney đang thách đấu cả thế giới.

Nếu Coco giúp Disney lần thứ 6 liên tiếp đăng quang tại Oscar năm nay, đó sẽ là chiến thắng 6-0 cho Disney, chiến thắng với tỉ số một set quần vợt.

Trailer bộ phim 'Coco' Tác phẩm hoạt hình mới của xưởng Pixar lấy cảm hứng từ Lễ hội Người chết của đất nước Mexico.

Tuyển nữ chính châu Á, giao phim triệu đô cho nữ đạo diễn da màu

Lúc sinh thời, người sáng lập ra hãng Disney, ngài Walt Disney, khi tạo nên công viên Disneyland, từng nói một câu nổi tiếng: “Gửi tới tất cả những ai đặt chân tới vùng đất hạnh phúc này lời chào hân hạnh. Disneyland là vùng đất của bạn.”

Quả thực, trong suốt lịch sử, Disney là đế chế đại diện cho những giấc mơ trở thành hiện thực. Bất chấp những lời chỉ trích rằng ẩn sâu dưới vỏ bọc đẹp đẽ của mình, Disney chứa đầy các quan điểm sai lầm về nữ quyền và chủng tộc, khó có thể phủ nhận đó là một trong những hãng phim lớn tiên phong cho sự thay đổi.

Tháng 11 năm 2017, khi hãng công bố người sẽ vào vai nữ chính trong phiên bản live action (người đóng) của Mulan là Lưu Diệc Phi, một diễn viên Trung Quốc 100%, toàn bộ báo chí phương Tây đã vỗ tay hoan hô cho quyết định này.

Nước đi chiến lược của Disney bước đầu được lòng đa phần mọi người. Ở thị trường châu Á, Lưu Diệc Phi là diễn viên có độ nhận biết cao, còn ở thị trường Âu - Mỹ, "thần tiên tỷ tỷ" là một bước ngoặt thay đổi trong ngành công nghiệp điện ảnh.

Phim anh Disney trong nam 2017 anh 4
Lưu Diệc Phi được thế giới ủng hộ khi vào vai Mulan.

Trong suốt một thời gian dài, thế giới đã quá ngán tình trạng “tẩy trắng” (whitewashing) của Hollywood. Các nhân vật không cần biết trong kịch bản là da vàng, da đen, da nâu, hay da đỏ, nhưng cứ lên phim là thường xuyên được diễn bởi các nghệ sĩ da trắng. Từ Tilda Swinton, Emma Stone đến Scarlett Johansson, tất cả đều hứng chịu vô số chỉ trích khi tham gia vào các vai người châu Á.

Không dừng lại ở đó, Disney còn đi xa hơn nữa khi giao bộ phim này cho nữ đạo diễn Niki Caro, đưa Niki trở thành đạo diễn nữ thứ 4 trong lịch sử được làm “chủ tướng” một bộ phim với kinh phí trên 100 triệu USD, góp thêm một nỗ lực biến Hollywood không còn là cỗ máy của những gã đàn ông.

Disney tiếp tục đi đầu cho phong trào bình đẳng giới và bình đẳng sắc tốc tại Mỹ khi giao tác phẩm A Wrinkle in Time với kinh hơn 103 triệu USD cho một nữ đạo diễn gốc Phi, Ava DuVerney.

A Wrinkle in Time được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết best-seller cùng tên của Madeleine L’Engle, và đáng ra nó đã được dựng thành phim từ khi Walt Disney còn sống.

Phim anh Disney trong nam 2017 anh 5
A Wrinkle in Time với nhiều tên tuổi hàng đầu tham gia.

Năm 1963, một cô bé 10 tuổi dự định chuyển một lá thư tới Walt Disney, bày tỏ ước mơ ông đưa cuốn sách đẹp đẽ, chứa chan hy vọng này thành một bộ phim điện ảnh. Nhưng cô bé ấy cuối cùng lại không gửi nó. Và chỉ 3 năm sau, Walt Disney qua đời, khiến giấc mơ của cô buộc lòng dang dở.

54 năm sau, cô bé 10 tuổi ngày nào giờ trở thành một nhà sản xuất, và cô đã tự tay viết tiếp giấc mơ của mình khi cùng hãng Walt Disney, làm ra A Wrinkle in Time. Bộ phim quy tụ các diễn viên là ba biểu tượng nữ quyền hiện đại: Oprah Winfrey, Reese Witherspoon và Mindy Kaling.

Chỉ mới tuần trước, Oprah Winfrey có bài phát biểu tại lễ trao giải Quả Cầu Vàng, truyền cảm hứng tới mức nhiều người, trong đó có Meryl Streep, cho rằng Oprah nên đi tranh cử tổng thống. Nói về tác phẩm sắp tới A Wrinkle in Time, Oprah tin tưởng nó có thể trở thành một tượng đài như The Wizard of Oz thời hiện đại.

Bản thân tiểu thuyết A Wrinkle in Time cũng là một câu chuyện đi trước thời đại, nó xoay quanh cuộc phiêu lưu của Meg Murry, một cô gái ở tuổi thiếu niên phải đi giải cứu cha mình. Đúng, người hùng trong câu chuyện không phải một chàng trai, mà là một cô gái.

Con đường phía trước của Disney còn nhiều thử thách

Tuy nhiên, Disney vẫn còn rất nhiều việc phải làm để tạo ra một cuộc cách mạng triệt để. Trong năm 2017, Disney cũng lên kế hoạch làm phiên bản live action cho tác phẩm kinh điển Aladdin. Nhưng trái với Mulan nhận được nhiều sự ủng hộ, Aladdin lại trở thành đề tài công kích của nhiều người quan tâm đến nhân quyền.

Phim anh Disney trong nam 2017 anh 6
Nữ diễn viên Naomi Scott vướng phải chỉ trích vì đảm nhận vai Jasmine.

Những tranh cãi về Aladdin phải truy vết từ hơn 20 năm trước, khi phiên bản hoạt hình gốc của bộ phim ra đời. Mặc dù là tác phẩm đầu tiên của Disney vượt ra khỏi “vương quốc” của những nàng công chúa da trắng, nhưng Aladdin năm 1992 lại vấp phải nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề “phân biệt chủng tộc”.

Nhà phê bình phim nổi tiếng Roger Ebert chỉ ra rằng mặc dù các nhân vật phụ trong Aladin được phác họa với những đường nét A Rập như mũi khoằm, bờ môi dày, nhưng riêng hai nhân vật chính là Aladdin và công chúa Jasmine lại có đường nét giống hệt như những thiếu niên Mỹ da trắng.

Sự việc trở nên lùm xùm hơn khi lời ca khúc mở đầu là Arabian Nights còn chứa những lời lẽ ám chỉ vùng đất trong phim là một nơi man di mọi rợ. Sau khi bị một tổ chức chống phân biệt chủng tộc lên tiếng, phần lời này mới được đổi lại.

Chính vì vậy, bản live action sẽ ra mắt năm 2019 được kỳ vọng là sự “chuộc tội” của Disney sau những sai lầm năm 1992. Thế nhưng, dường như Disney không những chưa tận dụng được cơ hội mà còn phạm thêm những sai lầm mới.

Phim anh Disney trong nam 2017 anh 7
Mena Massoud trong vai Aladdin.

Mặc dù đã ra tuyên bố tuyển mộ một nam chính có gốc gác Nam Á hoặc A Rập, nhưng sau 4-5 tháng, đại diện của Disney lại “than thở” không tìm thấy gương mặt nào đạt đủ tiêu chí hãng đề ra. Điều đó đã gây tổn thương tới cộng đồng A Rập, bởi vì nói thế thì không khác nào nói rằng người A Rập kém cỏi, thiếu tài năng.

Rồi tưởng như mọi chuyện đã êm xuôi khi Disney lùng được một diễn viên gốc Ai Cập với nước da nâu hoàn hảo là Mena Massoud. Nhưng câu chuyện lại bùng lên một lần nữa khi vai công chúa Jasmine được giao cho Naomi Scott, một diễn viên lai Anh - Ấn, không chút liên quan tới dòng máu A Rập.

Disney lại đi vào vết xe đổ của các hãng phim Hollywood trước đây khi tùy tiện pha trộn các dòng văn hóa khác nhau. Đối với họ, da nâu của Ấn Độ hay da nâu của A Rập cũng như nhau cả.

Chưa hết, bản live action của Disney còn tạo thêm một nhân vật mới toe là Anders, một hoàng tử da trắng. Khán giả không thể hiểu vai diễn đó có thể có vai trò gì hay chỉ là một hành động theo quán tính phân biệt chủng tộc đã ăn sâu vào gốc rễ của các nhà làm phim nước Mỹ?

Cô gái hóa thân thành công chúa Disney phiên bản Ấn Độ

Từ nhỏ, Hamel Patel đã luôn mơ ước có một nàng công chúa Disney mang vẻ đẹp đậm chất quê hương cô - Ấn Độ.

Loạt phim bom tấn không thể bỏ qua trong năm 2018

“Tomb Raider”, “Pacific Rim 2”, “Avengers 3”, “Deadpool 2”, “Jurassic World: Fallen Kingdom”… là những dự án phim giải trí rất được chờ đợi trong năm sau.


Ông trùm biến chuột Mickey thành quái vật thống trị Hollywood

Dưới sự lãnh đạo của CEO Bob Iger, đại gia điện ảnh Walt Disney Company trở thành thế lực thống trị Hollywood, đặc biệt sau thương vụ mua lại 20th Century Fox với giá 52,4 tỷ USD.






Hiền Trang

Ảnh: Disney

Bạn có thể quan tâm