Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bốn 'Không' trong vụ xử siêu lừa Huyền Như

Trong quá trình xét xử vụ án Vietinbank và Huyền Như, đến nay việc xét hỏi tại Tòa, đặc biệt là phần xét hỏi của luật sư, ngoài số tiền thất thoát đã rõ, cho thấy nhiều cái không.

Nạn nhân không hay biết

Cho dù có làm việc thông qua Huyền Như hay không, cho dù có hưởng lãi suất vượt trần hay không, cho dù nguồn gốc tiền có nhiều tranh cãi, hầu hết các công ty, ngân hàng, cá nhân được cáo trạng nêu là bị Huyền Như chiếm đoạt tiền đều chuyển tiền của họ vào tài khoản của chính mình tại Ngân hàng Công Thương. Xấp xỉ 3.400 tỷ đồng đã được Huyền Như rút ra bằng chứng từ giả từ Ngân hàng Công thương, nhưng Ngân hàng Công thương khẳng định Huyền Như không chiếm đoạt tiền của mình.

Trong quá trình điều tra, truy tố, các tổ chức, cá nhân này mặc dù có thể có làm việc với cơ quan điều tra, nhưng không ai được thông báo về kết quả điều tra theo quy định.

Chỉ đến khi nhận được thông báo của Tòa là nguyên đơn, người bị hại, tức bị Huyền Như chiếm đoạt tiền thì họ mới biết mình bị gán là nạn nhân, tá hỏa cùng từ chối vai trò này và yêu cầu Ngân hàng Công Thương phải trả tiền.

Đứng trước yêu cầu của các tổ chức, cá nhân gửi tiền, đứng trước các chất vấn của các luật sư đòi hỏi xác định trách nhiệm của Ngân hàng Công thương, trước đòi hỏi của công luận, đòi hỏi của những người đang gửi tiền khác, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Công thương đã công bố: tiền gửi của các khách hàng trong vụ án đã không vào hệ thống của Ngân hàng Công thương, mà rẽ sang đường khác, Ngân hàng Công thương không có liên quan và không chịu trách nhiệm.

Tại phiên tòa ngày 10/01, luật sư Lưu Văn Tám đã đề nghị Hội đồng xét xử xác định lại thông tin này, vì trong hồ sơ rất nhiều khoản tiền gửi chuyển vào tài khoản của khách hàng tại Ngân hàng Công thương, đã có xác nhận, sao kê tài khoản của Ngân hàng, đã được xác định trong quá trình điều tra.

Nhiều luật sư cho biết, nếu ông Phạm Huy Hùng nói đúng, thì hầu hết hồ sơ vụ án là sai, hoặc bị giả mạo.

Tại phiên xét xử, Huỳnh Thị Huyền Như luôn miệng lặp đi lặp lại "điệp khúc": Không nghe, không rõ, không nhớ, không trả lời

Tại phần xét hỏi của các luật sư trong hai ngày 9-10/01, có rất nhiều câu hỏi được đặt ra với vị đại diện của Ngân hàng Công thương, tuy nhiên hầu hết các câu hỏi đã không được trả lời.

Tương tự như Ngân hàng Công thương, khi nhận được các câu hỏi của các luật sư nhằm xác định trách nhiệm của Ngân hàng Công thương, xác định trách nhiệm của Huyền Như thì câu trả lời đều là: Không nghe thấy; Không rõ câu hỏi; Không nhớ; Không trả lời. Kể cả những câu hỏi rất đơn giản về nhiệm vụ, trách nhiệm của mình, về hồ sơ vay vốn …

Viện kiểm sát không xét hỏi

Với một vụ án phức tạp, quan trọng, được nhân dân, công luận quan tâm như vậy, Viện kiểm sát đã không tham gia phần xét hỏi.

Theo nhiều luật sư, với vụ án có hàng chục bị cáo, hàng chục đương sự, 5.000 tỷ đồng với cả ngàn giao dịch, tiền do phạm tội mà có chưa được xác định rõ, số liệu nhầm lẫn nhiều; đồng thời việc xét hỏi của Hội đồng xét xử chưa làm rõ nhiều vấn đề.

Không phải trả lời trực tiếp, Vietinbank được ưu ái?

Là tâm điểm trong vụ án này, nhưng đại diện Ngân hàng Công thương không phải trả lời trực tiếp các câu hỏi của các luật sư. Chủ tọa Nguyễn Đức Sáu kiên quyết từ chối khi các luật sư yêu cầu đại diện Ngân hàng Công thương phải trả lời trực tiếp các câu hỏi theo luật định.

Hàng chục câu hỏi của các luật sư được đặt ra với Ngân hàng Công thương đã đi vào hư không khi vị này trả lời chung tất cả các câu hỏi bằng một bài phát biểu. Hầu hết các luật sư đều không thấy câu trả lời trong bài phát biểu này.

Bất ngờ nhất, trước khi phát biểu, vị đại diện Ngân hàng Công thương nêu: tôi là đại diện Ngân hàng Công thương, nhưng tôi phát biểu tại tòa với tư cách cá nhân, để tránh nhầm lẫn như một số tổ chức, cá nhân đã nhầm lẫn tư cách của Huyền Như ?!

Sau khi luật sư Nguyễn Huy Thiệp nêu vị này tự xưng là đại diện, các luật sư khác phản đối, vị này lúng túng, vội vàng xác nhận lại mình là đại diện Ngân hàng Công thương.

Luật sư không được tiếp tục sao chụp hồ sơ

Hồ sơ vụ án có hơn 70.000 trang bút lục, mục lục hồ sơ đã hơn 1.000 trang. Ngân hàng Nam Việt, đơn vị cũng bị cáo trạng kết luận bị Huyền Như chiếm đoạt 200 tỷ, trước khi xét xử chỉ có 14 ngày mới biết mình là Nguyên đơn dân sự, tất tả đi tìm luật sư.

Luật sư Trần Đức Hùng làm thủ tục ngay, xin sao chụp hồ sơ ngay để bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng Nam Việt. Tòa chỉ cho chụp hồ sơ trong 1,5 ngày, sau đó, dù còn thời gian, luật sư Hùng đã không được tiếp tục sao chụp hồ sơ.

Có ý kiến ngay tại phần thủ tục, nhưng luật sư Hùng đã bị Hội đồng xét xử bác đề nghị hoãn phiên tòa vì lý do: Chụp hồ sơ là việc của luật sư.

Không thu hồi hết tài sản, tiền phạm tội mà có

Số tiền có thể mất trắng, không thu hồi trong vụ án được hiện là 3.300 tỷ, tiền chiếm đoạt hầu hết có địa chỉ sử dụng rõ ràng, nhưng việc thu hồi đã không được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát thực hiện theo đúng luật định.

Trong quá trình xét hỏi tại tòa, Hội đồng xét xử không làm rõ về việc tiền do phạm tội mà có đã được sử dụng như thế nào, chuyển đi đâu.

Không hoãn, không triệu tập thêm

Ngay phần thủ tục phiên tòa, vì nhiều lý do, nhiều luật sư, đương sự đã đề nghị hoãn phiên tòa, đặc biệt là Ngân hàng Công thương bị đòi tiền nhưng lại tham gia tố tụng với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan do được nhận tiền từ Huyền Như.

Các luật sư cũng yêu cầu triệu tập nhiều người làm chứng, người có liên quan, triệu tập Chủ tịch, Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng Ngân hàng Công thương … ra tòa. Hội dồng xét xử không chấp nhận, nêu sẽ triệu tập khi cần thiết.

Cho đến nay, rất nhiều vấn đề đặt ra phải triệu tập thêm nhân chứng, người có liên quan để làm rõ, nhưng Hội đồng xét xử cũng không triệu tập.

Không xem xét phát biểu của Chủ tịch Vietinbank trên báo

Trả lời kiến nghị của luật sư Lưu Văn Tám, chủ tọa phiên tòa nêu, không xem xét ý kiến của lãnh đạo Ngân hàng Công thương phát biểu trên báo mạng.Liệu dư luận có thể hy vọng vào kết quả phiên tòa?

http://baodatviet.vn/phap-luat/phap-dinh/vietinbank-va-huyen-nhu-dong-thanh-4-khong-2364281/

Theo Đất Việt

Bạn có thể quan tâm