Siêu lừa Huyền Như: Bị cáo không nhớ, không biết, không trả lời
Ngày 10/1, phiên tòa xét xử Huỳnh Thị Huyền Như tiếp tục phần thẩm vấn của luật sư với các bị cáo. Khác với sự thành khẩn khai báo với hội đồng xét xử, Huyền Như không chịu trả lời câu hỏi của các luật sư.
Huyền Như và Võ Anh Tuấn (phải): "Bị cáo không nhớ, không biết và không trả lời". |
Hầu hết, các câu hỏi của luật sư đều xoay quanh về những lần chuyển tiền chênh lệch ngoài hợp đồng. Tuy nhiên, Huyền Như và Võ Anh Tuấn (nguyên giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, đồng phạm tích cực của Huyền Như) đều trả lời: “Đã khai với cơ quan điều tra và trong cáo trạng thể hiện rõ”. Hai người này còn liên tục lắc đầu “vụ án đã xảy ra quá lâu nên không nhớ, không biết”.
Huyền Như còn nói: "Trong một ngày, bị cáo nhận được rất nhiều câu hỏi của luật sư. Nếu cứ bắt bị cáo trả lời hết thì sợ rằng không đủ sức khỏe để tiếp tục dự phiên tòa".
Một bị cáo được về trước chăm mẹ ốm
Phạm Văn Chí (37 tuổi) là bạn học đại học với Huyền Như. Ra trường hai người cùng làm nhân viên cho Vietinbank. Khoảng tháng 8/2008, khi thị trường bất động sản đang sốt, Huyền Như có mượn tiền của Chí để đầu tư kinh doanh.
Vì Chí không có tiền nên Như đã mượn sổ đỏ căn nhà ở phường Tân Thuận, quận 7 của Chí đi thế chấp, vay được 3 tỷ đồng, Sau đó, Như còn hai lần vay của Chí, tổng số tiền gần 18 tỷ đồng. Chí được Như trả lãi gần 5,9 tỷ đồng.
Cáo trạng xác định, đến nay Như đang nợ Chí 12 tỷ cùng căn nhà thế chấp chưa trả lại. Trong vụ án này, Chí cũng bị truy tố về hành vi Cho vay nặng lãi nhưng được tại ngoại.
Tại tòa, Chí cho rằng số tiền phát sinh 5,9 tỷ trong cáo trạng xác định là tiền lãi thực chất là của người khác cho Như vay, Chí chỉ đóng vai trò là người trung gian giới thiệu. Vì thế, cơ quan điều tra kê biên tài sản của Chí là không đúng. Bị cáo này mong HĐXX xem xét trả lại nhà cho mình.
Tại phiên tòa chiều nay, sau khi trả lời các câu hỏi của luật sư bào chữa cho mình, Chí trình bày: “Mẹ bị cáo vì quá lo lắng nên đã đổ bệnh, hiện đang cấp cứu trong bệnh viện. Kính mong hội đồng xem xét cho bị cáo được về trước để chăm sóc mẹ”. Yêu cầu này được chấp nhận.
Bài trả lời “buồn ngủ” của đại diện Vietinbank
Trong phiên xử ngày hôm nay, luật sư Lưu Văn Tám, người bảo vệ quyền lợi cho ngân hàng ACB nói: “Trong một tờ báo mạng ra ngày 9/1/2014, ông Phạm Huy Hùng, chủ tịch HĐQT Vietinbank cho rằng tiền của khách hàng gửi qua Huyền Như không được cập nhật vào hệ thống Vietinbank. Vì thế ngân hàng này vô can đối với thiệt hại của người bị hại và nguyên đơn dân sự trong vụ án”.
Luật sư Tám khẳng định Vietinbank không thể vô can trong vụ án này và yêu cầu triệu tập lãnh đạo để làm rõ vấn đề.
Đại diện Vietinbank. |
Tuy nhiên hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu của luật sư với lý do “đây là tòa án, do đó tất cả tình tiết phải dựa vào hồ sơ vụ án, không phải dựa vào những thông tin trên báo chí”.
Bên cạnh đó, hội đồng xét xử cũng nói các luật sư đặt câu hỏi, đại diện Vietinbank sẽ có trách nhiệm trả lời. Trong hai ngày xét xử, 29/47 luật sư tham gia phần thẩm vấn đều đặt câu hỏi về vai trò, trách nhiệm của Vietinbank trong vụ án.
Tại tòa, người đại diện của Vietinbank trả lời khi không giới thiệu mình tên gì, giữ chức. Ông này nói: "tôi xin trả lời các câu hỏi của luật sư và những người tham gia phiên tòa với tư cách cá nhân, không liên quan gì đến Vietinbank".
Một luật sư nằm ngủ khi nghe trả lời từ phía Vietinbank. |
Vị đại diện đã trả lời các câu hỏi của luật sư bằng... văn bản và đọc Luật tổ chức Tín dụng, Nghị định 64/2001 của Chính phủ, Quyết định 1284 của Ngân hàng Nhà nước...
Bức xúc trước câu trả lời chung chung của đại diện của Vietinbank, rất nhiều luật sư yêu cầu hội đồng xét xử xem lại tư cách của người đàn ông tự xưng là đại diện của Vietinbank và hoãn phiên tòa để triệu tập lãnh đạo ngân hàng Công thương.
Mặc dù phía ngân hàng Công thương chưa giải đáp thỏa đáng những câu hỏi từ phía luật sư, nhưng hội đồng xét xử đã bất ngờ cho kết thúc phần thẩm vấn công khai tại tòa. Thứ 2, ngày 13/1, phiên tòa tiếp tục diễn ra với phần tranh luận.