Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đồng phạm của 'siêu lừa' Huyền Như kêu oan

Trước vành móng ngựa, nhiều bị cáo là đồng phạm của Huyền Như kêu oan và cho rằng chính họ cũng là nạn nhân của “siêu lừa”.

Sáng nay, 8/1, phiên tòa xét xử “đại án” lừa đảo hơn 4.000 tỷ tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi các đồng phạm của bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như. 

Bị cáo Phạm Thị Tuyết Anh (nguyên giao dịch viên phòng giao dịch Điện Biên Phủ - VietinBank) - người giúp Như chiếm đoạt hơn 254 tỷ đồng - khai Như là người trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn mình. Bị cáo không trực tiếp gặp khách hàng mà chỉ làm thủ tục giải ngân theo sự chỉ đạo từ cấp trên, cụ thể là từ Như (Như lúc này giữ chức trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ). Bị cáo không hề biết mình đã phạm tội cho đến khi bị cơ quan điều tra mời lên làm việc mới biết mình đã giúp sức cho Như lừa đảo số tiền lớn. 

"Bị cáo thấy rất ân hận về hành vi mà mình đã gây ra", Tuyết Anh nói.

Các bị cáo tại phiên xử sáng 8/1.

Bùi Ngọc Quyên (nguyên Phó Phòng giao dịch Điện Biên Phủ) khai lúc đó Như có ảnh hưởng rất lớn không chỉ ở phòng giao dịch Điện Biên Phủ mà ở toàn hệ thống VietinBank do là người trực tiếp mang nhiều hợp đồng, khách hàng lớn cho ngân hàng. “Mặc dù giữ chức phó phòng nhưng bị cáo ko tham gia thực hiện việc cho vay, người duyệt hồ sơ chính là chị Như. Vì thế trong cáo trạng truy tố bị cáo là người thực hện cho vay là chưa đúng với thực tế, mong HĐXX xem xét”, Quyên khai.

Sau đó bị cáo này phân trần tiếp: “Bị cáo phát hiện trong một số hồ sơ chưa có chữ kí của khách hàng và có thắc mắc nhưng chị Như bảo đây là khách hàng lớn, có uy tín. Từ đó bị cáo nghĩ nên thực hiện linh hoạt cho khách hàng vì mục tiêu chung cho ngân hàng chứ không hề biết mình đã giúp Như thực hiện hành vi lừa đảo”.

Còn Đoàn Lê Du (nguyên Trưởng phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng của VietinBank) thì thừa nhận mình có nhiều thiếu sót và vi phạm nghiêm trọng quy định cho vay. Theo quy định thì phải có đầy đủ hồ sơ hợp lệ, tài sản thế chấp có chữ kí của người vay thì mới giải ngân. Khi Huyền Như gặp và đặt vấn đề cho khách hàng vay với tài sản thế chấp là thẻ tiết kiệm nhưng cô không có hồ sơ mà chỉ nói miệng là khách hàng bổ sung sau, thế nhưng Du vẫn chỉ đạo nhân viên giải ngân giúp Huyền Như chiếm đoạt gần 240 tỷ đồng.

Huyền Như xuất hiện trẻ trung tại phiên tòa.

“Nghe Như nói đây là khách VIP của ngân hàng nên bị cáo mới quyết định giải ngân khi chưa tiếp nhận đầy đủ hồ sơ, mong HĐXX xem xét cho bị cáo”, Du lí nhí.

Vũ Nguyễn Xuân Tiên (nguyên Phó Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng thuộc VietinBank) thì cho rằng: “Khi cho vay bị cáo đều phê duyệt hồ sơ đầy đủ mới quyết định giải ngân. Vì thế, khi Như mang hồ sơ của khách hàng, bị cáo kiểm tra thấy đúng với quy định thì mới cho vay chứ không hề biết những hồ sơ này do Như làm giả".

Còn bị cáo Huỳnh Hữu Danh - nguyên nhân viên Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), chi nhánh TPHCM, thì khai: “Do trước đây chị Như từng vay tiền của VIB, chính bị cáo là người làm hồ sơ xin vay cho chị với tài sản thế chấp là tài khoản gửi tại VietinBank chi nhánh Nhà Bè. Vì thế khi thấy người của chị Như cầm hồ sơ đến xin vay bị cáo tưởng là nhân viên chi nhánh Nhà Bè nên mới tin tưởng duyệt chi. Bị cáo thấy mình cũng có một phần lỗi trong vụ việc nhưng mọi chuyện nằm ngoài suy nghĩ của mình. Bị cáo không hề biết rằng Như đang lừa đảo, thực ra bị cáo cũng là một nạn nhân của Như mà thôi”.

Danh đã duyệt cho Như vay tổng cộng 480,3 tỷ đồng.

Còn Hồ Hải Sỹ (nguyên Phó Phòng giao dịch Võ Văn Tần thuộc VietinBank chi nhánh Nhà Bè) nói mình có duyệt hồ sơ xin vay của 2 khách hàng là Nguyễn Thị Bé Năm và Dương Thị Nguyệt nhưng không gặp trực tiếp khách hàng. Sỹ chỉ nghe Lương Thị Việt Yên (trưởng phòng giao dịch Võ Văn Tần) nói đây là 2 khách hàng tiềm năng, họ không đến giao dịch nhưng đã thỏa thuận trước với Võ Anh Tuấn (Phó Giám đốc VietinBank chi nhánh Nhà Bè, đồng phạm tích cực của Huyền Như). 

“Vì muốn làm đẹp lòng lãnh đạo, bị cáo đã bỏ qua để giải quyết hồ sơ nhanh”, Sỹ thừa nhận.

Khắc Thành

Bạn có thể quan tâm