Quyết tâm theo đuổi ngành Khoa học Máy tính, Trần Việt Hoàng - sinh viên Đại học Fulbright Việt Nam - đặt mục tiêu mang đến nhiều tác động tích cực lẫn sản phẩm hỗ trợ nhóm yếu thế.
Năm lên 10 tuổi, Trần Việt Hoàng (Can Lộc, Hà Tĩnh) mất đi ánh sáng đôi mắt vì một căn bệnh. Cậu học sinh lớp 4 khi ấy phải bắt đầu mọi thứ ở một vạch xuất phát khác và nhìn thế giới qua đôi bàn tay với bảng chữ nổi Braille.
12 năm sau, bằng nghị lực, sự kiên trì cùng khả năng thiên phú về toán học, Trần Việt Hoàng tìm thấy niềm đam mê lập trình khi theo học tại Đại học Fulbright Việt Nam. Lễ tốt nghiệp diễn ra vào tháng 6 và Việt Hoàng đã kịp có công việc toàn thời gian khiến anh hài lòng tại một công ty có tiếng trong lĩnh vực tư vấn và phát triển phần mềm tại Việt Nam. Nhìn lại hành trình gắn bó ở Fulbright, Việt Hoàng gọi đây là “một cuộc phiêu lưu hạnh phúc”.
Lấy động lực từ câu chuyện của chính mình, Việt Hoàng cùng bạn học phát triển nhiều dự án hướng đến cộng đồng, trước hết là hỗ trợ người khiếm thị trong sinh hoạt và cuộc sống thường nhật.
“Tôi muốn chia sẻ để mọi người có cái nhìn khác về những điều - có thể nho nhỏ thôi - mà một người khiếm thị có thể làm. Từ đấy, hy vọng mọi người hiểu hơn về người khiếm thị nói chung, xóa bỏ bớt khoảng cách giữa suy nghĩ với thực tế về người khiếm thị”, Việt Hoàng khẳng định.
Trước khi nhập học vào Fulbright vào mùa thu năm 2020, Việt Hoàng phải vượt qua thử thách đầu tiên: Tiếng Anh. Học tập trong môi trường hoàn toàn sử dụng tiếng Anh tại Fulbright, nền tảng ngoại ngữ ban đầu của Hoàng khá yếu, chưa có nhiều cơ hội cải thiện khi còn ở trung học.
“Tôi đã nghĩ có phần ngây thơ rằng nếu mỗi ngày học 50 từ, thì sau vài tháng sẽ có được vài nghìn từ vựng và nói tiếng Anh thành thạo. Suy nghĩ đó không hoàn toàn đúng, việc học rất áp lực, không chỉ liên quan đến từ vựng mà còn nghe, nói, đọc, viết và phát âm”, Hoàng nhớ lại.
Kết hợp việc học tại trung tâm và tự học hơn 10 giờ mỗi ngày, Việt Hoàng được trợ giúp của các bạn peer mentor (cố vấn đồng đẳng) bộ phận Learning Support (Hỗ trợ học tập) từ Fulbright cho các kỹ năng đọc, nói, viết... Nam sinh cũng kết hợp thực hành nói tiếng Anh khi dọn đến ở một homestay có nhiều người nước ngoài lưu trú.
“Tôi đặt quyết tâm phải nói tiếng Anh ngay cả trong sinh hoạt thường ngày, nếu không sẽ bị phạt. Chỉ ở homestay một tháng nhưng áp lực là rất lớn vì tôi kỳ vọng vào bản thân rất nhiều”, Hoàng chia sẻ.
Từ việc chỉ chập chững với tiếng Anh, Hoàng đạt chuẩn đầu vào của Fulbright sau một năm tự học, cậu sinh viên khi đó cũng có những chiến lược riêng để theo kịp tiến độ bài vở trên lớp. Với mỗi môn học, Hoàng luôn chuẩn bị sẵn bằng cách xin tài liệu để nghiên cứu trước. “Khi hiểu được kiến thức, mình có thể truyền đạt lại qua ngôn ngữ”, Hoàng chia sẻ bí quyết.
Niềm say mê với tri thức của Việt Hoàng như “cá gặp nước” khi được theo học ở Fulbright. Ở ngôi trường theo đuổi triết lý giáo dục khai phóng, tất cả môn học đều mang tính liên ngành. Trong năm đầu tiên, sinh viên phải hoàn thành những môn nền tảng bao gồm kiến thức cơ bản của các nhóm ngành. Sau khi nắm vững kiến thức nền tảng, khám phá đa dạng bộ môn, sinh viên được xác định chuyên ngành vào cuối năm hai, đầu năm ba.
Trước khi vào Fulbright, Việt Hoàng yêu thích Y học cổ truyền, sau đó, chàng trai trẻ tìm thấy niềm vui ở ngành Tâm lý học. Song, đến lúc xác định chuyên ngành, Hoàng lại rẽ sang một hướng mới ít ai ngờ là theo đuổi ngành Khoa học Máy tính (CS).
Kể về quyết định có phần đi ngược nhiều dự định trước đó, Hoàng chia sẻ anh bắt đầu thích CS thời điểm tiếp cận môn học “Lý luận định lượng cho thời đại số” (Quantitative Reasoning for Digital Age). Từ sự yêu thích khi được khám phá những kỹ năng mới, phát huy thế mạnh tư duy logic, Hoàng chuyển hướng đam mê và dành sự đầu tư dài hạn nghiêm túc cho việc học lập trình.
Anh quả quyết: “CS không chỉ là một lựa chọn nghề nghiệp mà còn là công cụ mạnh mẽ để tạo ra sự thay đổi tích cực trong cộng đồng”.
Nhận xét về cậu học trò bản lĩnh và luôn có tinh thần cầu tiến, TS Huỳnh Thế Đăng - Giảng viên Khoa học Máy tính - nhìn nhận thế mạnh của Việt Hoàng là nắm bắt tốt các khái niệm phức tạp, áp dụng chúng vào thực tế một cách hiệu quả ở các môn học liên quan đến AI và khoa học dữ liệu. Không chỉ có đam mê, Việt Hoàng cũng có tố chất trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến lập trình và thuật toán.
“Tôi cho rằng điểm đáng quý và ấn tượng nhất của Hoàng chính là tính kiên trì và sự say mê học hỏi. Các môn học liên quan đến AI thường rất phức tạp đối với sinh viên nói chung, bởi chúng đòi hỏi nhiều kiến thức về toán học, lập trình và tư duy logic. Tuy nhiên, Hoàng đã chứng minh rằng việc tiếp cận và nắm bắt những kiến thức như vậy không nên bị giới hạn bởi bất kỳ điều gì”, TS Huỳnh Thế Đăng nói thêm.
Khi được hỏi về những khó khăn trong quá trình học tập, cậu sinh viên chuyên ngành CS cho rằng việc tiếp cận tài liệu lâu hơn mọi người là một rào cản. Thay vì chỉ cần 5 phút để đọc hiểu một tài liệu phù hợp, có lần Hoàng mất đến 2 tiếng để tìm nguồn tài liệu có hỗ trợ cho người khiếm thị tiếp cận.
“Những thử thách giúp tôi rèn luyện thêm ý chí. Khi bước vào môi trường mới, những mục tiêu tôi từng dễ dàng đạt được giờ trở nên khó khăn hơn. Thực tế bản thân chưa đủ khả năng để học thật xuất sắc vì phải thích nghi khiến tôi buồn. Nhưng rồi tôi nhận ra không nhất thiết phải giỏi nhất, quan trọng là mình phải cố gắng nhất”, Hoàng khẳng định.
Suốt 4 năm tại Fulbright, Việt Hoàng bắt đầu với những môn học nền tảng ở cả khoa học xã hội lẫn khoa học tự nhiên, rồi dấn thân sâu hơn ở thế mạnh chuyên ngành. Quá trình học tập của cậu sinh viên ngành CS cũng mang nhiều cảm hứng, “nở rộ” những ý tưởng cống hiến xã hội thông qua nhiều dự án phát triển cộng đồng, mà nổi bật là nhiều chương trình dành cho người khiếm thị.
Học tập trong môi trường giáo dục khai phóng, không chỉ nhận được sự giúp đỡ trực tiếp từ bạn bè, thầy cô mà với Việt Hoàng, những buổi trò chuyện, cuộc hội thoại trao đổi thông tin hay các chương trình do sinh viên thực hiện cũng tạo nên nhiều thay đổi, cảm hứng. Mỗi môn học sẽ giúp sinh viên khám phá từng khía cạnh mới từ khả năng của bản thân, từ đó tìm được chuyên ngành phù hợp.
“Fulbright đã giúp tôi tự tin hơn rất nhiều so với ngày xưa, để nhận ra rằng bản thân có rất nhiều thế mạnh mà trước đây không nghĩ là mình có. Môi trường ở Fulbright cho phép tôi thoải mái thể hiện bản thân, là chính mình mà không sợ bị phán xét hay chịu những áp lực tiêu cực. Từ thầy cô, bạn bè, mọi người đều tận tình, chào đón mọi sự khác biệt của nhau và tinh thần ấy chảy quanh mình”, Việt Hoàng tâm sự.
Học tập trong môi trường giáo dục thiết thực - nơi mà dự án xã hội là một phần của việc học thay vì hoạt động ngoại khóa, kiến tạo giải pháp có giá trị thực tiễn, Việt Hoàng bắt đầu với việc tham gia nhiều chương trình hỗ trợ xã hội.
Trong đó, thời gian tham gia dự án “In The Light Việt Nam” - giúp giúp cung cấp thông tin về các chương trình học, các công nghệ cho người khiếm thị đã tạo động lực cũng như cảm hứng để Việt Hoàng xây dựng chương trình của riêng mình.
Ý tưởng về lớp học dạy lập trình cho người khiếm thị cũng chớm nở khi Hoàng tham gia lớp học về đạo đức. Nam sinh cùng nhóm bạn đã thực hiện dự án giúp những người khiếm thị Việt Nam đăng ký học, hiểu rõ hơn về lập trình. Một số học viên đã tiếp tục theo đuổi ngành lập trình tại đại học, đây là kết quả quý giá và chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc với Việt Hoàng. Không chỉ mang đến cơ hội tìm kiếm tri thức cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, Fulbright cũng thúc đẩy tinh thần khao khát học tập và cống hiến thực tiễn của sinh viên. Định hướng lấy con người làm trọng tâm được thể hiện ở từng môn học cũng giúp sinh viên nâng cao năng lực quan sát và giải quyết các vấn đề.
Những kiến thức, tư duy mà Việt Hoàng học tập đã được nam sinh ứng dụng triệt để vào dự án HNVision - hỗ trợ người khiếm thị sử dụng các thiết bị gia dụng thông qua phần mềm. Ý tưởng xuất phát từ một lần Việt Hoàng nhờ bạn hướng dẫn cách sử dụng lò vi sóng và máy giặt. Xuất phát từ chính nhu cầu bản thân, Việt Hoàng và Trần Nguyễn Hoàn Nhi - đã bắt tay thực hiện HNVision.
Ứng dụng này sẽ quét camera và hướng dẫn trực tiếp bằng cách đọc to những gì có trên bảng điều khiển, hướng dẫn từng bước để người khiếm thị có thể thao tác đơn giản trên thiết bị.
Môi trường học lý tưởng đã giúp dự án của Hoàng và Hoàn Nhi nhận được học bổng từ Community Change Maker’s Scholarship của Tập đoàn Temasek. Hiện, dự án HNVision đã hoàn tất việc thiết lập server để có thể bắt đầu chạy đào tạo các mô hình AI. Bộ đôi đang cùng viết phần mềm ứng dụng và tiến hành đào tạo các model.
Chia sẻ về người bạn đồng hành trong dự án, Trần Nguyễn Hoàn Nhi bày tỏ ấn tượng với sự kiên nhẫn và trí tuệ của Việt Hoàng.
“Anh Việt Hoàng phải dựa vào trình đọc màn hình để có thể thao tác trên máy tính, chưa kể đến việc anh phải viết code chỉ bằng cách nghe đọc từng ký tự khi nhập lệnh. Tuy vậy, mình chưa bao giờ thấy Việt Hoàng mất kiên nhẫn, ngược lại anh rất cẩn trọng và tỉ mỉ làm việc để đảm bảo không mắc sai sót nào”, Hoàn Nhi chia sẻ.
Trước HNVision, Việt Hoàng từng hỗ trợ bạn học khác kiểm tra tính khả dụng và tư vấn một số tính năng cho IDE - nền tảng giúp người khiếm thị viết code thuận tiện hơn. Hay trong thời gian học Software Development tại Fulbright, Hoàng và các bạn đã cùng tạo ra ứng dụng OneX để hỗ trợ sinh viên đọc tài liệu nhanh hơn.
“Nhiều dự án tôi thực hiện xuất phát từ nhu cầu của bản thân để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống thường nhật. Đó là cách trường hướng dẫn cho sinh viên tư duy giải quyết vấn đề. Song song với đó, tôi cũng học được cách tư duy logic, tư duy đa chiều, để giải pháp tìm được có thể mang đến hiệu quả tốt nhất”, Việt Hoàng hào hứng.
Vừa qua, Việt Hoàng và các bạn cùng khóa đã trở thành những tân cử nhân của Fulbright với rất nhiều dự định ở phía trước. Hoàng muốn tiếp tục theo đuổi đam mê nghề nghiệp với mạng lưới trí tuệ nhân tạo, data science đồng thời thử sức ở lĩnh vực mới là sáng tạo nội dung.
“Tôi đặt mục tiêu tiếp tục học lên thạc sĩ ngành AI, tập trung vào khoa học máy tính hoặc khoa học dữ liệu. Một trong những bài học quý giá mà Fulbright dạy tôi chính là tinh thần kiến tạo và không ngừng học hỏi. Càng học càng thấy mình còn rất nhiều thứ chưa biết, nên tôi phải có một tinh thần cực kỳ vững vàng để tiếp tục học, tiếp tục đón nhận kiến thức mới”, Việt Hoàng hào hứng.
Tại Fulbright, sinh viên được khuyến khích phát triển toàn diện thông qua việc chấp nhận sự khác biệt, xây dựng mối quan hệ, khám phá đam mê mới, tham gia vào văn hóa khởi nghiệp và phát triển ý tưởng trong không gian sáng tạo.
Hãy cùng tìm hiểu trải nghiệm Đại học tại Fulbright tại: https://fulbright.edu.vn/vi/tai-sao-chon-fulbright/