Tín ngưỡng phồn thực thờ cơ quan sinh dục của nam lẫn nữ (linga và yoni) cũng như hành vi giao phối. Tín ngưỡng này xuất phát từ niềm tin nếu con người làm mẫu thì thiên nhiên sẽ theo đó mà đơm hoa kết trái, sinh sôi nảy nở.
Ở cuốn Tín ngưỡng phồn thực trong lễ hội dân gian người Việt ở châu thổ Bắc Bộ, tác giả Vũ Anh Tú từng nói: “...Qua dòng thời gian hàng chục thế kỷ đắp bồi, cho đến nay, nó (tín ngưỡng phồn thực-PV) vẫn tỏ rõ sức sống lâu bền, chìm sâu trong tâm thức của dân tộc, khắc họa trong đó những dấu ấn không thể phai mờ với những hệ thống biểu tượng rất đa dạng và đậm đà bản sắc nhưng không dễ gì nhận biết đối với con người đương đại”.
Quả thật, dấu vết của tín ngưỡng phồn thực vẫn ẩn hiện ở nhiều vật dụng, món ăn quen thuộc ngày nay mà ít ai biết đến.
Gốc rễ
Tiến sĩ Bùi Trân Phượng (nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa, chuyên gia giáo dục, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen) từng ví thời gian trải dài từ quá khứ đến hiện tại giống như một cái cây tỏa nhiều nhánh, gồm 7 giai đoạn nổi bật: trước Bắc thuộc, Bắc thuộc (thế kỷ I TCN đến thế kỷ X), Ngô - Đinh - Lê (thế kỷ X), Lý - Trần (cuối thế kỷ XIV), Lê - Nguyễn (thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XIX), Pháp thuộc (giữa thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX) và năm 1945 đến nay.
Mỗi giai đoạn ứng với một hoặc một số hệ tư tưởng bao trùm mọi mặt đời sống, lần lượt là: Phật giáo - Tín ngưỡng dân gian (giai đoạn 1), Nho giáo - Phật giáo - Lão giáo - Tín ngưỡng dân gian (giai đoạn 2, 3, 4), Độc tôn Tống nho (giai đoạn 5), Ảnh hưởng văn hóa phương Tây (giai đoạn 6) và cuối cùng là Chủ nghĩa Mác-Lênin (giai đoạn 7).
Theo tiến sĩ Phượng, đây là những giai đoạn lịch sử mà hầu hết mọi người đã biết thông qua báo đài, sách vở. Chúng được ví như “bề nổi" - từ gốc, thân lên đến ngọn - của cái cây thời gian.
Tuy nhiên, bà cho rằng hiếm ai, kể cả trí thức Việt Nam và giảng viên đại học, biết rõ điều nằm ở rễ cây (“bề chìm”). Giai đoạn này có thể xảy ra vài nghìn năm trước Công nguyên, trong khi hiểu biết của mọi người thường dừng ở vài trăm năm trước Công nguyên.
Văn minh Đông Nam Á bao gồm nhiều thành tố, nổi bật là nền văn minh nông nghiệp. Ảnh: Unsplash. |
Đáp án chính là văn minh Đông Nam Á - cội nguồn sâu xa, bền vững của dân tộc.
Văn minh Đông Nam Á gồm nhiều thành tố, nổi bật là nền văn minh nông nghiệp như chúng ta biết ngày nay. Đối với phương Đông lẫn phương Tây, kể từ khi nông nghiệp định cư (ở một chỗ canh tác, không du canh du cư-PV) xuất hiện, chế độ mẫu hệ chuyển dần sang chế độ phụ hệ vì đất đai của thế hệ này được truyền cho thế hệ sau, do đó người cha phải đảm bảo người con kế thừa tài sản là con trai ruột.
Dẫu vậy, phụ nữ vẫn chiếm vai trò chính yếu trong sản xuất nông nghiệp vì quy trình trồng lúa nước đòi hỏi lao động thủ công. “Khi phụ nữ trực tiếp tạo ra cái ăn hàng ngày, họ không thể bị gạt sang một bên. Đó là lý do di sản mẫu hệ luôn tồn tại và được coi trọng”, bà Phượng khẳng định.
Dựa vào ảnh hưởng của triết lý âm - dương (mẹ - cha/nữ - nam) lên sự sinh sôi của vạn vật, cộng với tâm lý trông cậy năng lực siêu nhiên để mùa màng bội thụ, nhà nông xưa đặc biệt coi trọng nghi thức thờ cúng thiên nhiên. Thiên nhiên ở đây bao gồm thời tiết và sự vật xung quanh (hòn đá, cái cây…) - những yếu tố quyết định kết quả của mùa vụ năm mới.
Tín ngưỡng phồn thực cũng ra đời từ đó, thể hiện việc làm nông phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên như câu ca dao: “...Trông trời, trông đất, trông mây/Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm”.
Bị kìm hãm
Trước Nho giáo, Phật giáo là tôn giáo quan trọng ở Việt Nam. PGS.TS Trần Lê Bảo của Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nhận thấy Phật giáo là một trong những tinh hoa văn hóa tinh thần của Ấn Độ, quy tụ hàng triệu tín đồ và ảnh hưởng sâu rộng đến khắp nơi trên thế giới, bao gồm Việt Nam.
Nước ta nằm trong khu vực giao thoa giữa văn hóa Ấn Độ và văn hóa Trung Quốc (Indochine) nên sớm tiếp nhận Phật giáo. Cả nước có đến 75% người dân chịu sự giáo dục hoặc ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo, 60% người dân theo đạo Phật.
Triết lý cơ bản của Phật giáo là “diệt dục để diệt khổ”, nghĩa là con người cần tu luyện để không còn ham muốn trần tục và khổ sở vì những ham muốn ấy.
Triết lý cơ bản của Phật giáo mâu thuẫn với tín ngưỡng phồn thực. Ảnh: Unsplash. |
Trong số các dục vọng, tiến sĩ Bùi Trân Phượng cho rằng tình dục là ham muốn khó kiềm chế nhất. Như vậy, triết lý diệt dục của Phật giáo không ủng hộ tục thờ hành vi giao phối của tín ngưỡng phồn thực. Do đó, tín ngưỡng này ít nhiều bị kìm hãm khi Phật giáo đạt cực thịnh ở Việt Nam, song nó chưa bao giờ bị triệt tiêu.
Sau đó, tín ngưỡng phồn thực tiếp tục mâu thuẫn với tư tưởng Nho giáo - “nam nữ thụ thụ bất thân”. Theo quan niệm xưa, đàn ông và phụ nữ không được trao - nhận đồ vật trực tiếp mà phải thông qua đồ vật trung gian.
Đàn ông vô tình chạm vào tay phụ nữ sẽ bị coi là thất lễ, còn phụ nữ bị giáng tội thất tiết nặng nề. Chưa kể, những hoạt động tiếp xúc cơ thể như múa, giao phối… trong tín ngưỡng phồn thực càng bị Nho giáo kịch liệt phản đối.
Tuy nhiên, tiến sĩ Phượng cho biết cả Phật giáo lẫn Nho giáo cuối cùng đã thỏa hiệp với tín ngưỡng phồn thực, bởi nét văn hóa này thuộc về đời sống nhân dân. Từ đó, vị thần liên quan đến hành vi tình dục được phong là “Dâm thần” để nhân dân đường hoàng chính chính thờ cúng, nhưng các hoạt động trong khuôn khổ tín ngưỡng phải được tiến hành kín đào vào nửa đêm (tục hèm).
Sản phẩm thời hiện đại
Tín ngưỡng phồn thực không chỉ hiển hiện trên những bảo vật được trưng bày tại bảo tàng như trống đồng, thạp đồng Đào Thịnh… mà còn thấp thoáng bóng dáng trong một số vật dụng quen thuộc được nông dân sử dụng đến bây giờ. Điển hình là cối xay thóc, cối giã gạo.
Trước hết, trống đồng và thạp đồng Đào Thịnh là hai bảo vật quốc gia thể hiện yếu tố phồn thực rõ nét. Cuốn Trong cõi của sử gia Trần Quốc Vượng mô tả mặt trống loại 1 hậu ký (ví dụ: trống Hữu Chung) và trống loại 2, loại 3... có gắn tượng cóc, đặc biệt cóc võng (cõng) nhau. Giáo sư Vượng cho rằng đây là ý tưởng phồn thực, bên cạnh mục đích cầu mưa theo sự tích Con cóc là cậu ông trời.
Hiện tượng cóc cõng nhau vào nhà khá hiếm, thường chỉ xuất hiện ở một cặp cóc (một đực và một cái). Hình ảnh này chứa ẩn ý về hạnh phúc, tình cảm vợ chồng gắn kết.
Trống đồng Ngọc Lũ. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. |
Còn trên mặt thạp đồng Đào Thịnh, giáo sư Vượng cũng chỉ ra 3 cặp trai - gái giao phối được tạo hình bằng thế tượng tròn; trong khi mặt trống Ngọc Lũ khắc chìm hình tượng cách điệu của âm vật và dương vật.
Về cối xay thóc hay cối giã gạo, tiến sĩ Bùi Trân Phượng từng nhắc đến hai câu: “Cảm ơn cái cối cái chày/Đêm khuya giã gạo có mày có tao” - ý muốn gợi tả tâm trạng cô đơn của người vợ khi chồng vắng nhà; đêm xuống vì quá nhớ chồng về mặt quan hệ xác thịt nên đành ra sân giã gạo. Hình ảnh cái cối, cái chày và động tác giã gạo tượng trưng cho hành vi giao phối trong tín ngưỡng phồn thực.
Hay bộ đôi nõ - nường cũng là vật dụng mô tả tương đối chính xác dương vật và âm vật, thường xuất hiện trong lễ “Linh tinh tình phộc” diễn ra ở một số tỉnh phía Bắc. “Linh tinh” là âm thanh của trống, “phộc” ám chỉ hành vi giao phối.
Theo đó, cả nõ và nường đều được sơn màu đỏ, chỉ khác là nõ có hình trụ dài còn nường dẹt hơn và có một lỗ tròn. Khi tiếng trống vang lên, người nam sẽ dùng nõ “phộc” vào nường ba lần. Cả ba lần cắm trúng là báo hiệu mùa màng bội thụ, con cháu đầy làng.
Ngoài những vật dụng trên, hiếm ai biết bánh chưng, bánh dày cúng Tết thời xưa có mối liên hệ mật thiết với tín ngưỡng phồn thực của nền kinh tế lúa nước.
Cuốn Trong cõi một lần nữa đề cập bộ phận sinh dục nam thường được khắc họa bằng hình trụ, chứa yếu tố "động" (trái với yếu tố "tĩnh" của bộ phận sinh dục nữ). Cùng lúc đó, bánh chưng thời xưa không vuông như bây giờ mà có hình thuôn dài (giống bánh tét ngày nay).
Bánh tét thời nay là hình dáng nguyên thủy của bánh chưng thời xưa. Ảnh: foodisafourletterword. |
Mãi đến thế kỷ XVII, quan lại nhà Hậu Lê - vì tôn thờ Nho giáo - nên đã đổi bánh chưng sang hình vuông để biểu thị cho vũ trụ quan theo hình dung của Trung Hoa ("trời tròn, đất vuông" - trời giống như nắp vung đậy lên mặt đất bằng phẳng).
Một nhà nghiên cứu khác là ông Tạ Chí Đại Trường cũng công nhận hình dáng thuôn dài của bánh chưng thời xưa và cho biết lưu dân trong hành trình Nam tiến đã bảo tồn hình dáng này để tạo nên bánh tét ngày nay.
Về bánh dày, hình ảnh hai miếng bánh bằng gạo nếp kẹp miếng chả ở giữa làm liên tưởng đến hành vi giao phối. Ngoài bánh chưng và bánh dày, bánh cuốn, chả lụa cũng là những món ăn phảng phất bóng dáng của tín ngưỡng phồn thực.
Chung quy lại, bánh chưng thời xưa tròn, dài tựa dương vật, như cái chày, cái nõ; bánh dày tròn, dẹt tựa âm vật, như cái cối, cái nường. Theo nhận định của giáo sư Vượng, đó là triết lý nõ - nường, chày - cối, chưng - dày của tín ngưỡng phồn thực dân gian vẫn luôn in dấu trong nếp sống thời đại mới.
Theo Tâm lý học tích cực, khoa học hạnh phúc không phải cái gì cao siêu, to tát. Thực ra, hạnh phúc ở ngay trong bản thân ta, và quanh ta. Lifestyle giới thiệu tác phẩm "100 cách sống hạnh phúc". Cuốn sách là những chỉ dẫn thiết thực để sống hạnh phúc, thông qua thói quen, luyện tập cơ thể, tư tưởng tích cực, hoạch định tương lai và xây dựng các mối quan hệ.