Nhiều đề án tuyển sinh của các trường đại học (ĐH) năm 2019 công bố trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT có nhiều nội dung khai báo không trung thực về các điều kiện xác định chỉ tiêu như giảng viên cơ hữu, diện tích sàn xây dựng quy mô. Trong đó, tình trạng khai gian giảng viên cơ hữu là vấn đề nhức nhối nhất hiện nay.
Mượn tên
Trong đề án tuyển sinh năm 2019 mà ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (HUFLIT) gửi lên Bộ GD&ĐT, chúng tôi phát hiện hàng loạt giảng viên cơ hữu đang làm công chức Nhà nước hoặc cơ hữu ở trường khác.
Cụ thể, thạc sĩ M.C.T. hiện là giảng viên cơ hữu tại CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng nhưng cũng có tên trong danh sách giảng viên cơ hữu ngành Công nghệ Thông tin (CNTT) của HUFLIT. Trong khi đó, ông T. cho biết: “Mình chưa giảng dạy tại trường HUFLIT bao giờ và cũng thấy lạ khi biết mình trở thành giảng viên cơ hữu của trường này”.
Sinh viên nộp đơn xét tuyển tại một trường đại học ngoài công lập. Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng. |
Một tiến sĩ khác của ĐH CNTT (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng bất ngờ được đưa vào danh sách giảng viên cơ hữu ngành CNTT của HUFLIT. Trao đổi với chúng tôi, tiến sĩ này cho rằng: “Tôi hiện là cán bộ ở khoa nên không thể là giảng viên cơ hữu của HUFLIT. Cách đây chục năm, tôi có tham gia giảng dạy nhưng giờ thì không còn dạy nữa”.
Một trường hợp khác là TS Đặng Đức Hoàng, Trưởng phòng Giáo dục quận 11, TP.HCM, cũng trở thành giảng viên cơ hữu ngành Quản trị Kinh doanh của HUFLIT. Trong khi đó, ông Hoàng cho biết ông có bằng thạc sĩ ngành tiếng Anh và lấy bằng tiến sĩ Ngôn ngữ học, tham gia dạy thỉnh giảng (thứ bảy và chủ nhật) môn tiếng Anh chuyên ngành tại HUFLIT. Trước thông tin mình có tên trong danh sách giảng viên cơ hữu của HUFLIT, ông cũng khá bất ngờ và cho rằng “chắc có sự nhầm lẫn”.
TS Đ.X.L. cũng được đưa vào giảng viên cơ hữu ngành Khoa học Môi trường của ĐH Lạc Hồng. Trong khi đó, người này cho rằng trước đây khi còn làm thanh tra của Bộ GD&ĐT, ông cũng chỉ dạy thỉnh giảng thôi chứ không phải giảng viên cơ hữu. Hiện nay, ông đã về làm tại ĐH CNTT Gia Định. ĐH Lạc Hồng có đề nghị làm giảng viên cơ hữu nhưng ông không nhận lời.
Còn TS N.L.V. kể khi chưa nghỉ hưu tại một đơn vị Nhà nước, ông được mời giảng dạy tại ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Ngân hàng TP.HCM... thế nhưng tên ông vẫn được rất nhiều trường “đặt” vào làm giảng viên cơ hữu. Khi phát hiện, ông yêu cầu xóa tên nhưng có trường vẫn không gạch bỏ mà “đàm phán” sẵn sàng trả 6-10 triệu đồng/tháng để họ đủ điều kiện tuyển sinh.
Khó kiểm soát
Theo Thông tư 01-2019 của Bộ GD&ĐT về xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên, trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ có quy định về giảng viên cơ hữu trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh rất rõ ràng.
Điều 4 quy định rất rõ: “Giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục tư thục là người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn 3 năm hoặc hợp đồng không xác định thời hạn theo Luật Lao động, không là công chức hoặc viên chức Nhà nước, không đang làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên với đơn vị sử dụng lao động khác; do cơ sở giáo dục trả lương và chi trả các khoản khác thuộc chế độ, chính sách đối với người lao động theo các quy định hiện hành”.
Như vậy, việc các trường tự ý đưa tên người khác không có hợp đồng lao động, đang là cơ hữu, công chức viên chức tại một trường khác thành người cơ hữu của trường mình là hoàn toàn sai so với quy định của pháp luật. Thậm chí, có trường còn chơi chiêu đăng thông tin tuyển dụng giảng viên tiến sĩ, thạc sĩ nhưng không tuyển dụng mà âm thầm lấy hồ sơ của người ta để khai gian thành giảng viên cơ hữu.
PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, khẳng định thực trạng mượn danh giảng viên ở trường khác (phần lớn là giảng viên trường công lập) để làm giảng viên cơ hữu ở nhiều trường tư thục rất phổ biến.
Khi còn phụ trách Trung tâm Kiểm định Chất lượng của ĐH Quốc gia TP.HCM (từ năm 2016 đến 2018), khi kiểm định chất lượng nhiều trường, ông phát hiện báo cáo của một số trường chênh lệch khác nhau về giảng viên, cơ sở vật chất, diện tích sàn xây dựng... Nhiều trường báo cáo giảng viên cơ hữu lên đến hàng nghìn nhưng thực tế khi yêu cầu minh chứng bằng hợp đồng, sổ bảo hiểm... thì giảm xuống còn mấy trăm.
Nguyên một vụ trưởng của Bộ GD&ĐT tiết lộ: “Tình trạng khai gian, mượn danh các giảng viên ở trường khác diễn ra rất nhiều năm. Thời tôi làm, có tình trạng vài chục giảng viên trình độ tiến sĩ xuất hiện ở hàng trăm trường.
Tuy nhiên, việc kiểm tra xác minh rất khó và phức tạp, hơn nữa thời gian cũng không có. Chỉ trường nào chịu làm đúng luật kiểm tra thuế thu nhập, bảo hiểm, ngày tháng năm sinh, số chứng minh thư... trước khi đưa vào cơ hữu thì mới 'lòi' ra được”.