'Boxing girl' Khả Ngân xin chữ ông đồ đầu xuân
An Japan và "boxing girl" Khả Ngân cùng tới phố ông đồ ở hai miền, xin chữ cầu may mắn, bình an trong năm Quý Tỵ 2013.
Xin chữ nho đã trở thành một thói quen truyền thống của người dân Việt Nam mỗi độ xuân về. Với mong muốn trong năm mới cuộc sống của mình và gia đình sẽ thật vui vẻ, nhiều tài lộc đúng như ý nghĩa của chữ mà mình xin được, hầu như người dân nào cũng dành thời gian tới xin chữ của ông đồ. Đây được xem là một nét đẹp văn hóa của người dân Việt.
Năm nay, thời tiết hai miền vô cùng thuận lợi để mọi người du xuân, dạo chơi Tết và nhất là tới phố ông đồ để xin chữ đầu năm. Rất tình cờ, chúng tôi đã bắt gặp hai cô nàng cực xinh xắn và khá quen mặt với giới trẻ 2 miền cũng tới xin chữ, đó là An Japan và Khả Ngân.
Hà Nội
Địa điểm đầu tiên và cũng rất lý tưởng mà người dân Thủ Đô nghĩ tới đó chính là Văn Miếu - trường đại học đầu tiên của nước ta. Vào những ngày Tết, các ông đồ thường tới đây viết chữ nho. Dần dần, số lượng ông đồ tới đây ngày một nhiều và người ta quen miệng gọi con phố này bằng cái tên dễ thương “phố ông đồ”.
Cô bạn An Japan cũng háo hức dạo chơi trên phố ngày đầu năm. Cô nàng đã chọn xin chữ “Phúc” với hy vọng trong năm tới, cuộc sống của gia đình sẽ thật an lành, viên mãn. An Japan chia sẻ từ khi còn là một cô nhóc, Tết năm nào cô cũng được mẹ đưa đi Văn Miếu để cầu nguyện sẽ được học hành giỏi giang.
Cô bạn "diện" màu đỏ rực rỡ cho ngày đầu năm mới.
An Japan có có hội thử viết chữ nho.
Quang cảnh phố ông đồ trong những ngày này cũng rất tấp nập. Có lẽ chỉ ở đây và chỉ vào thời điểm này, người ta mới có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh một ông đồ già, mặc áo the khăn xếp ngồi thong tha viết chữ nho với mực tàu, giấy đỏ bên hoa đào. Điều đó gợi cho người ta chút hoài niệm về một Hà Nội cổ kính của nhiều năm về trước.
Giờ đây, những người biết viết chữ nho cũng nhiều hơn. Không chỉ có những người già như trước nữa mà có rất nhiều người trẻ cũng có thể làm được việc này và được gọi là “thầy đồ”. Để có được chữ mang về nhà treo hay bày lên ban thờ, người ta phải trả một số tiền nhỏ, tùy vào từng loại giấy và nét chữ khác nhau.
Màu đỏ của giấy the làm rực rỡ cả một con phố.
Những lời chúc phúc trong năm mới.
TP Hồ Chí Minh
Tại TP Hồ Chí Minh, địa điểm được nhiều người biết đến khi nhắc đến viết thư pháp, xin chữ, đó là khu viết thư pháp ở Nhà văn hóa Thanh Niên. Khả Ngân tâm sự: "Trước giờ Khả Ngân không biết nhiều lắm về tục xin chữ đầu năm của người Việt Nam, nên chưa bao giờ được thử cảm giác này. Nhưng năm nay sau khi được tìm hiểu về phong tục vô cùng ý nghĩa này của người dân Việt Nam, Ngân đã vào xin thử một câu để mừng năm mới"
Do mới đi xin chữ lần đầu nên Khả Ngân hơi ngập ngừng khi chọn chữ để xin. Sau một hồi đắn đo suy nghĩ, Khả Ngân đã xin câu "Mừng xuân Quý Tỵ" để lấy may mắn trong năm sau, không những cho bản thân mình mà còn cho mọi người nữa.
"Hóa ra đi xin chữ cũng có nhiều cái thú vị và ý nghĩa ghê. Mình thấy cũng có rất nhiều bạn teen ra đây xin chữ. Đa số các bạn xin chữ Nhẫn, Tâm, hay Thảo hoặc Thọ để về biếu bố mẹ, ông bà. Thử một lần rồi Ngân mới biết việc này ý nghĩa vô cùng mà trước giờ mình không để ý đến. Sang năm thế nào Ngân cũng tiếp tục đi xin chữ để cầu mong một năm đầy suôn sẻ" - Khả Ngân chia sẻ.
Đây cũng là lần đầu tiên Khả Ngân được thấy tận mắt ông đồ viết chữ bằng cọ như thế này.
Khả Ngân khoe chữ vừa xin được trong năm nay.
Sau khi đi xin chữ, Khả Ngân còn tranh thủ dạo một vòng Sài Gòn ngày Tết.
Theo Kênh 14/TTVN