Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Boys Over Flowers' Mỹ: Phim chuyển thể tệ nhất mọi thời đại

Cùng nhìn lại hành trình "chết yểu" của "Boys Before Friends" ("Boys Over Flowers" bản Mỹ), bộ phim chuyển thể được các fan khẳng định là vô duyên nhất mọi thời đại.

Sau hơn nửa năm chật vật khởi động dự án, cuối cùng tập đầu tiên của Boys Before Friends (tên chính thức của Boys Over Flowers bản Mỹ) cũng đã chính thức ra mắt khán giả vào ngày 25/12/2013 vừa qua.

Tuy nhiên, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng đến nay, tác phẩm này không chỉ trở thành nỗi thất vọng to lớn đối với các fan ruột của manga gốc mà còn nghiễm nhiên giật vô số "giải thưởng" từ cộng đồng mạng như: phim chuyển thể khủng khiếp nhất, tệ hại nhất, thiếu chuyên nghiệp nhất... mọi thời đại.

Đây quả là một cú ngã khá đau dành cho ê-kíp sản xuất bởi cần phải khẳng định rằng, Hana Yori Dango (tên tiếng Anh: Boys Over Flowers) là một bộ truyện tranh cực kỳ nổi tiếng tại thị trường châu Á, cũng như sở hữu lượng fan khá đông đảo tại ngay trên đất Mỹ. Song trái với mọi kỳ vọng lẫn tưởng tượng của những người lạc quan nhất, Boys Before Friends hiện chỉ được nhớ đến với lượng "gạch đá" kỷ lục, scandal thay diễn viên như thay áo và một câu chuyện hỗn độn.

Cùng phân tích những lý do khiến cho bộ phim chuyển thể này bị thất bại ê chề như vậy.

Công ty sản xuất và đội ngũ PR quá nghiệp dư

Nhìn vào quá trình sản xuất của Boys Before Friends, cụm từ có thể miêu tả súc tích nhất chính là: ăn xin. Thật vậy, dự án này được thông báo với người hâm mộ lần đầu tiên chỉ bằng một chương trình gây quỹ trực tuyến với mục tiêu 250.000 USD (~ 5,3 tỷ VND) để trả một nửa thù lao còn thiếu. Nếu đem so với những phiên bản Hàn, Nhật, Trung, Đài trước đó thì đây quả là con số khiêm tốn đến mức buồn cười.

Đó là còn chưa kể sau khi đã chính thức về tay "tiểu gia" WillKinn Media, Boys Before Friends vẫn tiếp tục trưng bài ca "quyên góp" ngay trên trang chủ. Với nguồn vốn đầu tư eo hẹp đến thế, liệu những hứa hẹn về "thế giới thượng lưu hào nhoáng của các gia tộc hàng đầu trên đất Mỹ" liệu có thể được tái hiện? Dĩ nhiên hẳn ai cũng đoán được câu trả lời.

Về khâu quảng bá tên tuổi, Boys Before Friends tiếp tục nhận thêm điểm trừ với những lý do vô cùng xác đáng: thông tin phim chỉ xuất hiện rải rác trên một số trang mạng về phim Hàn của Mỹ, các diễn viên đã vô danh lại cực kỳ bí ẩn (vì chẳng ai biết họ đến từ đâu, có năng lực sở trường gì), không có họp báo giới thiệu/ra mắt truyền thông. Những điểm trừ này đã báo hiệu trước một tương lai vô cùng mong manh cho Boys Over Flowers bản Mỹ.

Casting như đi chợ, thay diễn viên như thay áo

Nếu phải chỉ ra điểm bất ổn nhất ở quá trình tiền sản xuất của bộ phim này thì đó chính là khâu casting. Những người đứng đầu dự án phim quá liều mạng hoặc dũng cảm khi họ đuổi từ nam thứ cho tới cả hai diễn viên chính, bất chấp phim đang quay dang dở.

Claude Racine là nữ chính được... 1 tập rưỡi.

Lý do khiến cho các diễn viên buộc phải khăn gói ra đi có nhiều phiên bản. Song sau cuộc tranh cãi mới nhất đầu tuần trước, có vẻ như Joseph Almani vai Liam Montgomery và Dawn Morrow vai Zoey Taylor đã bị sa thải sau khi để lộ bản sao hợp đồng.

Dawn Morrow (trái) là gương mặt nữ chính thứ 3 của BOF Mỹ.

Như vậy là sau đúng 4 tập, cặp đôi trung tâm của Boys Before Friends đã bị thay thế một cách tức tưởi bởi 2 gương mặt mới (cũng vẫn tiếp tục vô danh) là Rose và Kevin. Đáng nói hơn, Dawn Morrow còn là nữ chính thứ 3 của Boys Before Friends, sau khi Riley Rae Baker rút lui ngay trước khi quay và Claude Racine xuất hiện trong... 1 tập rưỡi đầu tiên. Nếu cứ tiếp diễn như vậy, rất có thể đến tập cuối, khán giả cũng chẳng thể nhớ được bất kỳ nhân vật nào.

Quay phim như quay clip âm nhạc

Nếu 2 yếu tố đầu tiên có thể đổ cho việc ít kinh nghiệm thì với lý do thứ 3 này, những người dễ tính nhất cũng phải nổi giận. Trên thế giới, đã từng xuất hiện MV ca nhạc quay dựng với phong cách phim truyền hình, song theo chiều ngược lại thì có lẽ chỉ xuất hiện ở duy nhất bản Mỹ của Boys Over Flowers.

Chỉ cần có chút kiến thức sơ đẳng về phim ảnh, khán giả đều có thể nhận thấy việc quay và dựng phim được tiến hành cực kỳ cẩu thả. Nhiều góc máy hẹp, thừa, lộn xộn và vô hồn được lặp đi lặp lại với tần suất vài phút/lần khiến mọi người đều cảm thấy bị tra tấn khi xem.

Thảm họa tạo hình

Xem xong tập 1 của Boys Before Friends, hẳn nhiều người sẽ tự nhủ: "Phải chăng đoàn phim nghèo tới mức không có tiền sắm trang phục và chăm chút tạo hình cho các diễn viên?". Bởi trái với sự choáng ngợp khi bước vào thế giới đại gia của bản Nhật, Hàn hay Trung, toàn bộ bối cảnh và khí chất của các nhân vật trong bản Mỹ chỉ đem lại cảm giác tầm thường, xoàng xĩnh cho khán giả. Thậm chí nếu đem so với Vườn sao băng - phiên bản Đài thời kỳ "nghèo khó" cách đây hơn 10 năm thì Boys Before Friends vẫn còn cần "cắp tráp" đi học hỏi thêm.

Diễn xuất tệ đồng đều của dàn diễn viên

Điểm trừ cuối cùng và cũng là dấu chấm hết cho sự kiên nhẫn của những người xem trụ lại đến cùng với Boys Before Friends chính là khả năng diễn xuất tệ của toàn bộ ê-kíp diễn viên đoàn phim. Vẻ mặt vô hồn, lời thoại gượng gạo, diễn biến tâm lý có vấn đề... từng đó hẳn đã quá đủ để các fan ruột của bộ truyện tranh này đánh giá đây là phim chuyển thể "vô duyên" nhất mọi thời đại.

http://kenh14.vn/cine/boys-over-flowers-my-phim-chuyen-the-vo-duyen-nhat-moi-thoi-dai-20140126085250276.chn

Theo Pháp Luật Xã Hội

Bạn có thể quan tâm