"Breadcrumber" là những người thích tán tỉnh đối phương, nhưng không muốn nghiêm túc với mối quan hệ. Ảnh minh họa: Timur Weber/Pexels. |
Với sự bùng nổ của các ứng dụng và xu hướng hẹn hò, nhiều khái niệm mới chỉ tình trạng mối quan hệ được ra đời, có thể kể đến như "ghosting" (ngó lơ), "cuffing" (bị ràng buộc bởi tình cảm), "gaslighting" (thao túng) và các loại cờ đỏ (red flag), cờ xanh (green flag)...
Ngoài các từ kể trên, "breadcrumbing" (rắc bánh mì) cũng khá phổ biến trên mạng xã hội. Dưới đây, Brides và Insider giải thích kỹ hơn về khái niệm này cùng cách nhận biết.
"Breadcrumbing" cũng là một hành vi thao túng cảm xúc. Ảnh minh họa: RDNE Stock Project/Pexels. |
"Breadcrumbing" là gì?
"Breadcrumbing" (rải bánh mì) là hành động "ban phát" thời gian, sự quan tâm, tình cảm để thu hút nửa kia và duy trì sự chú ý của họ.
Những nỗ lực này thường chỉ mang tính chơi đùa, không tốn nhiều công sức nên không đủ để khiến đối phương cảm thấy thoải mái và tin rằng mối quan hệ đang phát triển.
Những đối tượng này thích tỏ ra mập mờ và không có hành động, cam kết cụ thể. Ảnh minh họa: Taha Samet Arlsan/Pexels. |
Dấu hiệu
Hành động không đi đôi với lời nói: Những "breadcrumber" có thể chỉ nói suông, chứ không thực sự thực hiện điều họ hứa.
Ví dụ, họ có thể nói rằng muốn có một mối quan hệ lâu dài, thế nhưng không bao giờ dành thời gian cho đối phương hoặc lập các kế hoạch có nửa kia.
Không nhất quán: Với kiểu thao túng này, một người có thể dành vừa đủ thời gian của mình cho đối tượng hẹn hò để khiến họ nghĩ rằng mình đang được quan tâm. Sau đó, họ dường như biến mất, đẩy nửa kia ra xa và lại quan tâm trở lại khi cảm thấy có thể mất một đối tác tiềm năng.
Tán tỉnh, nhưng không hẹn hò: Người thực hiện hành vi "breadcrumbing" có thể thường xuyên gửi tin nhắn tán tỉnh nhưng không muốn hẹn hò ngoài đời. Khi được yêu cầu, họ sẽ đưa ra những lời bào chữa, câu trả lời mơ hồ hoặc từ chối thẳng thừng.
Không chia sẻ nhiều về cuộc sống cá nhân: Những đối tượng này có xu hướng giữ bí mật về cuộc sống cá nhân. Điều này khiến nửa kia cảm thấy như họ đang che giấu điều gì đó. Họ có thể chia sẻ một số điều nhỏ nhặt về cuộc sống của mình để thu hút đối phương, nhưng không quá sâu sắc và cởi mở.
Không kết nối ở mức độ sâu sắc: Vì không có ý định phát triển mối quan hệ, những "breadcrumber" không cố gắng dành thời gian để kết nối với nửa kia ở mức độ sâu hơn. Do đó, người còn lại sẽ cảm thấy bản thân đầu tư rất nhiều để cố gắng duy trì tình cảm nhưng không được đáp lại.
Khiến đối phương cảm thấy tự ti: Làm quen với mẫu người thích ban phát tình cảm giống như đang ngồi trên tàu lượn siêu tốc. Họ có thể tán tỉnh và dành nhiều lời khen ngợi, nhưng cũng có thể hạ thấp đối phương bằng cách so sánh họ với người yêu cũ.
Mỗi người nên đánh giá lại mối quan hệ dựa trên nhu cầu của bản thân. Ảnh minh họa: Hong Son/Pexels. |
Cách đối phó
Xem xét nhu cầu của bản thân: Mỗi người trong chúng ta không nên hạ thấp nhu cầu, tiêu chuẩn của bản thân để duy trì mối quan hệ. Điều này không lành mạnh hoặc bền vững về lâu dài, và chỉ khiến bản thân cảm thấy thất vọng.
Đánh giá lại mối quan hệ: Hãy xem xét kỹ mối quan hệ và quyết định xem nó có đáng để tiếp tục phát triển hay không.
Mỗi người nên chia sẻ với đối phương về những điều mình kỳ vọng và không thể chấp nhận. Nếu họ không thể đáp ứng, hãy cân nhắc việc chấm dứt mối quan hệ.
Gen Z quan tâm đến thế giới nội tâm nhiều hơn trước
Nguyễn Đoàn Minh Thư, tác giả của cuốn sách Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều là một người trẻ, một Gen Z sinh năm 2000. Cô tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Tâm lý tại Đại học East Anglia và hiện làm thực tập sinh tư vấn tâm lý cho Bộ Y tế Anh (National Health Service). Nói với Zing, Minh Thư cho biết câu chuyện được viết từ chính trải nghiệm của cô và nhấn mạnh mỗi người chỉ có thể cảm thấy hạnh phúc và bình yên khi hiểu chính mình.