Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bữa sáng có thật sự quan trọng nhất trong ngày?

Bữa sáng quan trọng khi cung cấp năng lượng cho cơ thể sau một đêm dài nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng về tác động tiêu cực nếu bỏ chúng.

Quan điểm bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày xuất phát từ những năm 1960 khi Adelle Davis, chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ, gợi ý để giữ dáng, chúng ta nên “ăn sáng như một vị vua, ăn trưa như hoàng tử và ăn tối như kẻ ăn xin”.

Tại Việt Nam, các quan điểm dinh dưỡng cũng nhấn mạnh khẩu hiệu “ăn sáng cho mình, ăn trưa cho bạn và ăn tối cho thù”.

Nhận định với Zing, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tái khẳng định bữa sáng rất quan trọng vì chúng cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động sau một đêm dài, từ đó giúp chúng ta tỉnh táo khi làm việc, học tập ở ngày mới.

Nhưng có phải bữa ăn quan trọng nhất?

Theo Medical News Today, vấn đề này vẫn gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Một số nghiên cứu cho rằng bỏ bữa sáng không có hại với sức khỏe. Tuy nhiên, số khác lại cho thấy kết quả ngược lại.

Việc đảm bảo các bữa chính và ăn vặt trong ngày, bao gồm cả bữa sáng, giúp cơ thể có nhiều cơ hội được cung cấp năng lượng cũng như các chất dinh dưỡng cần thiết hơn, qua đó tối ưu những hoạt động sau đó.

Tuy nhiên, khi chúng ta có thể đảm bảo nạp đủ dinh dưỡng từ các bữa ăn khác, bữa sáng có thể không còn là quan trọng nhất.

bua sang quan trong nhat trong ngay anh 1

Bữa sáng quan trọng và có nhiều lợi ích nhưng không bắt buộc nếu đảm bảo tổng năng lượng và chất dinh dưỡng trong ngày. Ảnh minh họa: luisa_brimble.

Dựa trên 14 nghiên cứu quan sát được đăng tải trên trang thông tin y khoa PubMed, Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), những người ăn sáng đủ 7 lần/tuần có thể giảm các nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường, béo phì, cao huyết áp, đột quỵ,...

Nhóm nghiên cứu này chỉ ra những người ăn sáng đầy đủ có khả năng giảm được các nguy cơ mắc bệnh tim mạch và rối loạn chuyển hóa. Tuy nhiên, những nghiên cứu này không thể chứng minh việc bỏ bữa sáng có thể trực tiếp gây ra các bệnh lý trên.

Ngoài ra, phân tích dữ liệu trên 30.000 người ở vùng Bắc Mỹ cũng cho thấy việc bỏ bữa sáng khiến nhóm này thiếu hụt một số chất gồm folate, canxi, sắt, vitamin A, B1, B2, B3, C và D.

Không gây tăng cân hay làm giảm sức khỏe

Một nghiên cứu khác trên Pubmed cho thấy những người ăn đầy đủ hay bỏ bữa sáng đều có tổng năng lượng nạp vào trong ngày gần giống nhau. Nghiên cứu này được thực hiện trong vòng 4 tháng trên 309 người trưởng thành bị thừa cân, béo phì đang cố gắng giảm cân.

Sau khi quá trình này kết thúc, các nhà nghiên cứu kết luận việc ăn sáng không có bất kỳ tác động nào đáng kể đến hiệu quả giảm cân so với nhóm bỏ bữa sáng.

Trong khi đó, về vấn đề sức khỏe tổng quát, một nghiên cứu quan sát trên tạp chí y học Biomed Central năm 2018 cho thấy những người thường xuyên ăn sáng có thói quen quan tâm tới dinh dưỡng tổng thể của mình hơn. Nhóm này cũng thường xuyên tham gia các hoạt động thể chất và quản lý tốt tình trạng stress.

Ngược lại, những người bỏ bữa sáng thường kèm theo thói quen sống không lành mạnh như hút thuốc, hay uống rượu, bia,... Nhóm này cũng có xu hướng ăn nhiều chất béo, thực phẩm chứa cholesterol xấu và nhiều calo hơn.

Những kết quả này phần nào khẳng định thói quen sinh hoạt và lối sống là yếu tố đóng góp trực tiếp vào tình trạng sức khỏe tổng quát của mọi người, dù bỏ bữa sáng hay không.

Vẫn nên ăn sáng nhưng cần cân đối

Từ những kết quả trên, có thể khẳng định việc ăn sáng và lắng nghe cơ thể, nhất là cảm giác đói sau khi thức dậy, rất quan trọng. Tuy nhiên, trong trường hợp quá bận rộn và buộc phải bỏ bữa sáng, chúng ta cũng không nên lo lắng.

Lúc này, điều quan trọng là chúng ta cần đảm bảo cung cấp đầy đủ năng lượng cũng như chất dinh dưỡng vào những bữa ăn khác trong ngày.

bua sang quan trong nhat trong ngay anh 2

Nên lựa chọn các thực phẩm dùng trong bữa sáng theo nguyên tắc dễ tìm, phù hợp túi tiền và phổ biến ở mỗi vùng miền. Ảnh minh họa: jonas_jacobsson.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng cũng cho rằng không nên vì sự quan trọng của bữa sáng mà ăn nhiều hơn vào thời điểm này. Thay vào đó, chúng ta cần phân bổ lượng thức ăn hợp lý trong các bữa, đảm bảo duy trì năng lượng hoạt động xuyên suốt cả ngày.

Dù không gây ra những nguy cơ trước mắt, vị chuyên gia này cho rằng việc bỏ bữa sáng lâu dài cũng ảnh hưởng tới dạ dày, hệ tiêu hóa, sỏi mật,... do năng lượng bị dồn lại vào những bữa còn lại.

Từ đây, bác sĩ Hưng khuyến cáo mọi người nên chia lượng thực phẩm trong ngày thành tối thiểu 3 bữa, duy trì việc phân bổ năng lượng hợp lý, tránh để cơ thể trải qua khoảng thời gian quá lâu thiếu năng lượng.

“Chúng ta có thể tự thiết kế các bữa sáng đơn giản và phù hợp với thời gian cũng như túi tiền của bản thân. Việc lựa chọn thực phẩm cho bữa sáng nên dựa trên nguyên tắc dễ tìm, phổ biến như cơm, bánh mỳ, xôi, phở, sữa,...”, bác sĩ Hưng gợi ý.

Mỳ gói có phải nguyên nhân gây béo phì ở trẻ?

Tình trạng thừa cân, béo phì xảy ra do các yếu tố liên quan vận động, dinh dưỡng. Do đó, việc đổ lỗi cho mỳ gói khiến trẻ tăng cân là quan điểm chưa chính xác.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm