Ý tưởng ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quảng cáo của Mango bị cho là sai lầm. Ảnh: Mango. |
Thương hiệu thời trang Mango đang phải đối mặt với làn sóng chỉ trích vì thực hiện quảng cáo sử dụng người mẫu AI. Chiến dịch truyền thông của nhãn hàng dấy lên vấn đề về tiêu chuẩn đạo đức.
Theo chia sẻ của Toni Ruiz, CEO Mango, việc ứng dụng AI góp phần tạo ra nội dung nhanh hơn. Tuy nhiên, nhiều khách hàng lập tức kêu gọi tẩy chay thương hiệu, ngừng mua sắm khi bắt gặp người mẫu kỹ thuật số trong quảng cáo.
Quảng cáo sử dụng người mẫu AI của Mango dấy lên vấn đề về đạo đức, độ tin cậy và tính chân thực. Ảnh: Mango. |
Tranh cãi về vấn đề đạo đức của quảng cáo
Marcos Angelides, đồng Giám đốc điều hành của công ty truyền thông Spark Foundry có trụ sở tại Mỹ, tạo ra cuộc tranh cãi xung quanh quảng cáo sử dụng người mẫu AI của Mango thông qua một clip phân tích. Thậm chí, Angelides còn bổ sung hashtag #falseadvertising (tạm dịch: “quảng cáo sai sự thật”) vào clip phân tích này.
Ông chỉ ra vùng xám trong việc ứng dụng AI tạo sinh vào hoạt động quảng cáo, tiếp thị. Cụ thể, nếu một thương hiệu mỹ phẩm sử dụng lông mi giả trong chiến dịch truyền thông sản phẩm mascara, họ sẽ gặp rắc rối.
Tuy nhiên, nếu nhãn hàng pizza sử dụng keo để khiến phô mai trông dai, dẻo hơn, họ không gặp phản ứng gì. Theo Marcos Angelides, đây là bộ quy tắc thiếu nhất quán trong lĩnh vực truyền thông.
Chuyên gia quảng cáo này cũng cho biết AI có khả năng thay thế số lượng lớn nhân sự trong lĩnh vực truyền thông, sớm tái định nghĩa ngành công nghiệp này.
Vấn đề đạo đức trong quảng cáo của Mango cũng cần được xem xét một cách kỹ lưỡng.
“Liệu AI chỉ là công cụ sáng tạo tương tự photoshop hay góp phần tạo ra quảng cáo sai sự thật? Trên thực tế, cả người mẫu và trang phục mà họ mặc đều không tồn tại”, Angelides đặt câu hỏi.
Khách hàng kêu gọi tẩy chay Mango cho đến khi thương hiệu dừng ứng dụng AI vào khâu tiếp thị. Ảnh: Mango. |
Khách hàng kêu gọi tẩy chay
Bên cạnh vấn đề đạo đức, tính chân thực và độ tin cậy của những hình ảnh tiếp thị này cũng khiến khách hàng lo lắng.
“Tôi xem hình ảnh quảng cáo khi đặt hàng trực tuyến để biết rằng trang phục thực tế phù hợp với dáng người nào, có vừa vặn với mình không.
Song, quảng cáo AI không thể đáp ứng nhu cầu này. Những hình ảnh đó hoàn toàn vô dụng, là ý tưởng sai lầm của nhãn hàng”, một người tiêu dùng để lại bình luận.
Một khách hàng cũng dự đoán rằng sản phẩm thực tế đến tay có thể hoàn toàn khác với hình ảnh tiếp thị và tưởng tượng của người dùng. Vì thế, Mango có khả năng đối mặt với nhiều khiếu nại khi ứng dụng AI vào khâu tiếp thị.
Một số khách hàng lên tiếng yêu cầu thương hiệu thời trang này tôn trọng người tiêu dùng. Trong khi đó, những người khác cho biết quyết định ngừng mua sắm cho đến khi Mango dừng toàn bộ quảng cáo sử dụng người mẫu AI, quyết liệt kêu gọi tẩy chay.
Trong một cuộc khảo sát do McKinsey công bố vào tháng 11/2023, 75% giám đốc điều hành trong ngành may mặc coi AI là ưu tiên hàng đầu vào năm 2024. Hơn 25% cho biết đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào khâu sáng tạo và trình diễn.
Theo tổ chức người mẫu phi lợi nhuận Model Alliance, việc giảm thiểu số lượng người mẫu cũng kéo theo nhiều hệ luỵ khác. Cụ thể, các chuyên gia trang điểm và làm tóc cũng có khả năng bị cắt giảm.
Sara Ziff, nhà sáng lập Model Alliance, cho rằng công nghệ mới nổi có thể tạo ra nhiều hậu quả khó lường. Tổ chức của Sara Ziff đã thúc đẩy các nhà lập pháp New York (Mỹ) ban hành điều luật bảo vệ lao động trong bối cảnh AI phát triển nhanh chóng.
Xu hướng thời trang bền vững tăng dần qua các năm
Bắt đầu từ khoảng năm 2014, số lượt tìm kiếm “quần áo giá rẻ” bắt đầu giảm mạnh, trong khi cùng thời điểm này, số lượt tìm kiếm “quần áo bền vững” tăng mạnh. Trong cuốn Thế giới không rác thải, tác giả Ron Gonen cho rằng sự chú ý vào xu hướng phát triển bền vững trong ngành thời trang đang tăng đột phá dưới sự mở đường của những nhà tiên phong trong lĩnh vực thời trang bền vững như Stella McCartney, Eileen Fisher và Yvon Chouinard của Patagonia.