Không ít tác phẩm hội họa tạo ra sự tranh cãi với nhiều lý do khác nhau. Trong số đó, có lẽ Salvator Mundi là cái tên nổi tiếng hơn cả sau khi được bán với giá 450 triệu USD, con số kỷ lục đối với một bức tranh từng được đem ra đấu giá.
Mức giá không tưởng sau hành trình lưu lạc
Salvator Mundi có nghĩa “đấng cứu thế” theo tiếng Latin, được cho là một tác phẩm bị thất lạc của danh họa Leonardo da Vinci.
Vào năm 2017, nhà đấu giá Christie's bán bức tranh cho Thái tử Saudi Arabia, Hoàng thân Sheikh Mohammed bin Salman Al Saud, với mức giá khó tin 450 triệu USD.
Một trong những lý do giúp Salvator Mundi có giá trị cao như vậy là vì bức tranh đã biến mất suốt 200 năm, trước khi được phát hiện lại vào năm 2005, trong trạng thái hư hỏng nặng và cần được phục hồi.
Bức tranh được trả mức giá cao chưa từng thấy cho một tác phẩm nghệ thuật trong cuộc đấu giá. |
Hai nhà sưu tầm ở New York tìm thấy bức tranh. Họ trả 1.175 USD tại một cuộc đấu giá nghệ thuật ít tên tuổi ở New Orleans, sau đó nhờ nhà phục chế nghệ thuật nổi tiếng Dianne Modestini xem xét.
Ban đầu, Salvator Mundi được cho là bức tranh của một họa sĩ vô danh, vẽ theo phong cách của danh họa người Ý. Tuy nhiên, sau khi loại bỏ vết bẩn hàng trăm năm, Modestini nhận ra đây có khả năng là tác phẩm được thực hiện bởi Leonardo.
Kể từ khi được phát hiện trở lại, Salvator Mundi đã đổi chủ nhiều lần. Vào năm 2013, tỷ phú người Nga mua tác phẩm này với giá 127,5 triệu USD, con số đủ biến bức tranh trở thành tâm điểm chú ý trong giới nghệ thuật.
Thương vụ trị giá 450 triệu USD vào năm 2017 tạo ra chủ đề bàn luận trên khắp thế giới về giá trị thực sự của tác phẩm nghệ thuật.
Mức giá khó tin này đặt ra câu hỏi về tác động của thương mại hoá đối với thế giới nghệ thuật và liệu nghệ thuật có phải là một khoản đầu tư để sinh lợi (như bất động sản, chứng khoán) hay không?
Salvator Mundi hiện thuộc sở hữu của Thái tử Saudi Arabia. Ảnh: Geoff Pugh/REX/Shutterstock. |
Tranh cãi về nguồn gốc
Việc xác định Salvator Mundi là một tác phẩm bị thất lạc của Leonardo da Vinci sau đó được định giá ở mức cao ngất ngưỡng làm dấy lên tranh luận gay gắt giữa các nhà sử học và chuyên gia nghệ thuật.
Trong khi một số chuyên gia tin rằng chính Leonardo da Vinci đã tạo nên tác phẩm nghệ thuật bí ẩn này thì những người khác nghi ngờ Salvator Mundi có sự tham gia của nhiều người và danh họa chỉ đóng góp một phần.
Tranh cãi xung quanh tác giả thật sự cũng làm nảy sinh câu hỏi về giá trị bức tranh. 450 triệu USD là một con số quá lớn so với một tác phẩm nghệ thuật chịu nhiều hư hại theo thời gian, có nhiều phần không nguyên vẹn.
Không dừng lại ở mặt giá trị thị trường, những gì xuất hiện trên Salvator Mundi còn chứa đựng bí ẩn chưa có lời giải và khiến cho giới nghiên cứu nghệ thuật bối rối.
Bàn tay nâng quả cầu thủy tinh là một trong những điểm bất thường về bức tranh. Ảnh: Wikimedia. |
Từ giai đoạn phục chế bức tranh với tình trạng khung gỗ hư hại nhiều phần, Dianne Modestini đã nhận thấy lớp sơn quá dày, trong khi những phần khác dường như chưa hoàn thiện hoặc bị mất. Sau nỗ lực khôi phục nguyên trạng, Salvator Mundi vẫn trông khá kỳ lạ và chứa đựng nhiều chi tiết bí ẩn.
Khuôn mặt của Chúa Giêsu, tâm điểm của tác phẩm, thể hiện sự khó hiểu, các đường nét có vẻ yếu ớt. Bức tranh chắc chắn không truyền cảm hứng cho sự chiêm ngưỡng hay ngưỡng mộ giống như các tác phẩm khác của Leonardo.
Theo nhà phê bình nghệ thuật Jerry Saltz, bố cục trực diện trong Salvator Mundi không giống với bất kỳ tác phẩm nào khác của danh họa người Ý. Ở những bức tranh khác của ông, nhân vật luôn có tư thế phức tạp và sống động hơn nhiều.
Michael Daley, Giám đốc ArtWatch UK, lại lưu ý đến cách thể hiện ‘thiếu thuyết phục’ của quả cầu trong tay Chúa Giêsu.
Nếu nó được làm bằng thủy tinh đặc thì sẽ làm méo hình ảnh phản chiếu người cầm. Một nghệ sĩ nổi tiếng với những nghiên cứu khoa học sâu rộng như Leonardo da Vinci chắc chắn biết về loại hiện tượng quang học này.
Việc lập kỷ lục giá bán với một tác phẩm nghệ thuật có nguồn gốc chưa rõ ràng và chứa đựng các chi tiết khó hiểu là một trong những lý do khiến tranh cãi diễn ra xung quanh Salvator Mundi.
Các bí ẩn về Salvator Mundi cũng được khám phá sâu hơn trong các tác phẩm khác như quyển sách The Last Leonardo: The Secret Lives of the World’s Most Expensive Painting (2019) và bộ phim tài liệu The Lost Leonardo (2021).
'Giải oan' cho Gen Z
Tác giả của cuốn sách "Gen Z, Explained: The Art of Living in a Digital Age" (tạm dịch: Giải mã Gen Z: Nghệ thuật sống trong kỷ nguyên số) tin rằng đây là thế hệ lạc quan, có suy nghĩ nghiêm túc dù là người đang đi học, đi làm hay đã có gia đình. Nhóm tác giả cũng bác bỏ tuyên bố rằng thế hệ Z đang trưởng thành quá chậm hoặc thiếu kỹ năng tư duy phản biện. Họ nhận thấy thế hệ này đang phải chịu quá nhiều phán xét tiêu cực.