Bức thư cảm động của con gái dành cho ba
Một độc giả giấu tên đã gửi những tâm sự chân thành tới người cha là tài xế, người đã nuôi dưỡng cô nên người, và mong mọi người góp ý để khuyên cha cô bỏ thuốc để giữ sức khỏe.
Tôi đang là Giám đốc một công ty truyền thông. Nhưng bài viết này hoàn toàn không nhằm mục đích PR cá nhân và cũng không dùng kỹ năng nào của một người làm truyền thông. Chỉ đơn thuần với tư cách của đứa con gái kính yêu cha mình tha thiết.
Hàng ngày tôi đọc báo thấy khắp nơi người ta tung hô, ca tụng những vị doanh nhân tài ba, những vị tỷ phú giàu có hay những người tri thức thành đạt. Còn tôi, tôi tôn vinh cha mình, một người bình dị, học thức thấp, nhưng với cá nhân tôi, ông là một người mẫu mực, đáng kính và vĩ đại.
Cha tôi là một tài xế.
Nghề tài xế thời chiến tranh nghe nói được coi trọng lắm. Nhưng thời tôi bắt đầu vào học cấp 2, khi gia đình chuyển từ Hưng Yên lên Hà Nội sinh sống, có lúc cô giáo hỏi “ Bố mẹ các em làm nghề gì? “ hay đại loại thế, tôi có lúc xấu hổ, chẳng dám tự tin để trả lời. Các bạn tôi,bố mẹ chúng là kỹ sư, bác sỹ… Mọi người thường xì xèo nghề tài xế dễ nhiều vợ , nhiều con rơi lắm vì nay đây mai đó. Tôi sợ đến mức mới lớp 3, nhìn thấy ảnh bố tôi gửi về chụp chung với các cô đồng nghiệp mà ngồi gần gần bố. Tôi bôi nhọ hết lên mặt mấy cô đó. Lớp 5, khi tôi lớn hơn, tôi quan sát thấy thứ 7 tuần nào bố tôi cũng từ Hà Nội về thăm mẹ con tôi, đều đặn.
Những năm đầu khi chuyển lên thành phố, gia đình tôi 5 người sống trong phòng 1 khu tập thể cũ kiểu Pháp, rộng chừng 20m2. Mỗi khi đợi mẹ tiếp khách, không có chỗ nằm, em trai tôi phải chui vào tủ quần áo để ngủ . Bữa cơm của nhà tôi rau nhiều hơn thịt. Nhiều đến nỗi mỗi lần mang rau từ tầng 2 xuống vòi nước công cộng ở tầng 1 để rửa, bao giờ cũng phải chia làm 2 lần vì ngại rổ rau to quá sợ hàng xóm cười. Vậy mà không hiểu sao, chúng tôi chẳng bao giờ có cảm giác thấy thiếu thốn.
Bữa sáng của mỗi anh em tôi là 1.000 đồng, đủ để mua 1 gói xôi. Nếu muốn ăn mỳ gói, tôi phải nhịn 1 bữa để dành. Lũ bạn cùng trang lứa, mỗi đứa được 5.000 đồng , đủ để ăn phở. Nhưng không vì thế mà anh em kê ca, than phiền. Bởi chúng tôi biết, bố tôi nhịn ăn sáng.
Thời cấp 2, mỗi mùa hè, cha tôi đi công tác, đều cho tôi đi cùng. Ngồi trên xe, nhìn các cô các chú đồng nghiệp bố bàn tán công việc mà bố im lặng không hiểu gì, nhìn lúc họ mệt họ ngủ, còn bố mệt bố nhai kẹo cao su để cố tỉnh táo lái tiếp, ruột tôi đã bắt đầu đau thắt từ đó.
Mỗi khi cơ quan bố đi picnic, bọn trẻ con các cô các chú cán bộ không hiểu vô tình hay cố ý, chúng khá khó gần với con của lái xe. Đôi khi là một khoảng cách phân biệt vô hình mà chỉ ở vị thế của đứa trẻ như tôi mới hiểu. Tôi thương bố mình những lúc rít điếu thuốc trầm ngâm nhìn vào khoảng không vô định.
Nhiều lần như vậy, tôi đã bắt đầu nghĩ “Bố hãy đợi con trưởng thành, con nhất định sẽ làm bố tự hào vì con của bố ”.
Tôi nhớ mãi hình ảnh có một lần, trời mưa tầm tã, bố tôi trở về nhà trong trạng thái bơ phờ hiếm thấy. Mãi tới tối mẹ tôi mới cho tôi biết là cơ quan bố cắt giảm biên chế, bố là tổ trưởng tổ xe, nhưng do có người ghen ghét nên bỏ phiếu không hay cho bố, nói bố không trách nhiệm. Và có thể bố sẽ phải nghỉ hưu sớm. Tôi lập tức tìm ra số điện thoại của chú giám đốc cơ quan bố là người Anh. Tôi gọi trực tiếp cho chú ấy nói tôi muốn gặp chú ấy. Chú ấy có sẵn lòng nghe con gái của một người “ tâm huyết, cống hiến với nghề hơn 20 năm “ nói cho chú ấy rõ hơn về cha mình không ?! Tôi muốn đề xuất cho chú ấy một giải pháp công bằng để chú ấy có cách đánh giá với kiểu đố kỵ thường gặp ở người Việt. Tôi muốn bố tôi được trong sạch và nghỉ hưu trong thanh thản, chứ không phải lý do chết giẫm, lãng xẹt và đương nhiên là quá lố bịch, dở hơi, sai sự thật kia.
Chú giám đốc ấy không gặp tôi. Nhưng kết quả, bố tôi không phải nghỉ hưu.
Bố tôi tuyệt nhiên không biết về những điều tôi đã làm. Ông tiếp tục kiếm tiền để nuôi dạy anh em tôi.
Anh trai tôi học 2 trường đại học. Mỗi ngày anh đi đi về về khoảng 30km, Năm thứ nhất, anh vẫn đạp xe đi học, tuyệt nhiên không một lời phàn nàn. Năm thứ 2 , bố mua cho anh một chiếc xe dream, sau đó đến tôi, rồi em trai tôi đi chiếc xe ấy.
Tủ quần áo của bố tôi có nhiều chiếc sờn vải và cũ kỹ, có những chiếc cả đến nửa thập kỷ rồi vẫn nằm trong tủ. Tôi thường đứng lặng một hồi lâu khi nhìn thấy chúng. Bố ít mua sắm cho mình, tiền bố để mua balo mới, áo ghile da mới,… cho anh em tôi diện.
Lần nào đi công tác, bố cũng sắm sửa đủ thứ cho gia đình, từ cái nồi cơm điện đến cái thớt, con dao…
Mẹ là người tháo vát và đảm đang, thỉnh thoảng nóng tính lắm. Còn bố lúc nào cũng điềm đạm, ân cần. Tôi năm nay 29 tuổi, chưa một lần nào trong đời tôi thấy bố mẹ tôi cãi vã nhau. Đây chính là tổ ấm và là nguyên nhân để nuôi dưỡng yêu thương trong gia đình tôi.
5 năm trước, ở tuổi 25, khi tôi sang Malaysia làm trưởng đại điện cho một công ty trực thuộc Việt nam Airlines, tôi tích góp một khoản để đưa bố mẹ lần đầu tiên xuất ngoại. Tôi thấy bố mình cười và ánh mắt sáng ngời hạnh phúc. Ở thế giới này, đối với tôi, chỉ cần có thế!
Anh trai tôi làm Cán bộ dự Án cho Tổ chức phi chính phủ, và những người đồng nghiệp của bố lái xe đưa đón anh đi công tác.
Em trai tôi tốt nghiệp từ Trung Quốc trở về, hiện cũng đang làm cho một công ty của Trung Quốc tại Việt Nam.
Cuối năm, cơ quan bố thường tổ chức tiệc tất niên, bố muốn anh em tôi đi cùng. Bố dẫn chúng tôi đi một vòng quanh các bàn và giới thiệu “ Đây là con trai, con gái chú ! ” Lúc đó, tôi thấy họ thường nối tiếp câu chuyện bằng “ À, có phải là em đang làm ở …. Sao giỏi thế?”.
Và đấy là lúc, bố tôi ngẩng cao đầu.
Và đấy là lúc tôi tự tin và ngẩng cao đầu muốn nói với tất cả họ rằng “Bố tôi là người tài xế giỏi nhất! Vì bố đã lái cuộc đời của anh em tôi đi đúng hướng.
…
Cuối tháng này bố tôi về nghỉ hưu. Tôi biết bố sẽ hụt hẫng và buồn vì công việc đang bận rộn quen rồi. Tôi viết câu chuyện về bố mình như một niềm tự hào lớn nhất của cuộc đời tôi vì được là con của bố, vì được bố che chở, nuôi dưỡng nên người. Tất cả thành công hôm nay của chúng tôi là do bố dạy dỗ!
Tôi tự nhủ rằng, tôi sẽ làm điều đặc biệt nhân dịp bố về hưu bằng cách kêu gọi ít nhất 550 người ủng hộ việc bố tôi bỏ thuốc. Sau đó, tôi sẽ cầm bài báo về cho bố đọc như một tâm thư gửi bố và nói với bố rằng “Bố hãy bỏ thuốc vì con và vì 550 người đồng cảm này với con bố nhé!”.
VKO
Theo Infonet