Bức tranh do 4 thành viên The Beatles vẽ ở Nhật Bản năm 1966. Ảnh: Christie's. |
Mùa hè năm 1966, The Beatles dừng chân tại Tokyo (Nhật Bản) trong chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới. Trong thời gian nghỉ ngơi tại khách sạn, nhóm nhạc rock đến từ Anh đã vẽ bức họa Images of a Woman.
Các chuyên gia tin rằng đây là tác phẩm nghệ thuật duy nhất do cả 4 thành viên The Beatles cùng thực hiện. Kiệt tác này sẽ được bán tại nhà đấu giá Christie's ở New York (Mỹ) vào ngày 1/2/2024 sắp tới.
Casey Rogers, chuyên gia tư vấn của Christie's, ước tính Images of a Woman sẽ mang về khoảng 400.000 đến 600.000 USD. Theo cô, thật hiếm để tìm thấy tác phẩm hội họa nào do một ban nhạc lẫy lừng nhất thế giới cùng vẽ nên. Hơn nữa, tổng thể bức tranh là những cách kể chuyện tuyệt vời của cả 4 thành viên.
"Bức tranh là kết tinh của một khoảnh khắc kỳ diệu trong lịch sử Beatles. Đây là kỷ vật, là một tác phẩm nghệ thuật. Có lẽ tác phẩm này sẽ thu hút được rất nhiều nhà sưu tầm quan tâm”, Rogers nói với CNN.
The Beatles là một trong những nhóm nhạc nổi tiếng và ảnh hưởng nhất trong lịch sử âm nhạc. Ảnh: The Beatles. |
Images of a Woman được tạo ra thế nào?
Theo nhà bán đấu giá Christie's, câu chuyện bắt đầu vào năm 1966, khi The Beatles dành khoảng 100 giờ ở Nhật Bản cho chuyến lưu diễn của họ. Một người hâm mộ đã tặng các nghệ sĩ một số đồ dùng nghệ thuật như màu vẽ, cọ, giấy vẽ...
4 thành viên cao hứng, ngồi quanh một chiếc bàn với tờ giấy trắng đặt giữa và một chiếc đèn nhỏ. Mỗi thành viên Beatles vẽ những thứ gì đó khác nhau ở một góc tranh. Không gian khi đó vang lên các bản ghi âm cho album Revolver mà họ sắp phát hành.
Nhiếp ảnh gia Robert Whitaker có mặt vào thời điểm đó để ghi lại cảnh cả nhóm cùng vẽ tranh.
"Tôi chưa bao giờ thấy họ bình tĩnh hay hài lòng hơn khoảnh khắc này", ông nhận xét.
The Beatles không xa lạ gì với nghệ thuật thị giác (visual art). Dù gì, Lennon từng theo học trường nghệ thuật và McCartney đã qua lớp nghệ thuật. George Harrison và Ringo Starr cũng vẽ tranh thường xuyên và “có nhiều tài năng”.
Mỗi góc của bức tranh đều phản ánh dấu ấn cá nhân, với rất nhiều hình dạng, màu sắc và thậm chí là cả các loại sơn được sử dụng.
Harrison sử dụng các nét vẽ tối và trông giận dữ. Góc vẽ của ông cũng có xu hướng lan rộng ra. Trong khi đó, góc của Starr nhỏ hơn và mang phong cách hoạt hình.
Lennon và McCartney đều vẽ chủ yếu bằng acrylic, trong khi Harrison và Starr dựa dẫm nhiều hơn vào màu nước.
Và ở trung tâm, nơi từng đặt chiếc đèn, là chữ ký của 4 thành viên.
John Lennon và Paul McCartney trong phòng khách sạn ở Tokyo (Nhật Bản). Ảnh: SHIMPEI ASAI. |
Sức hấp dẫn lâu dài của The Beatles
Theo Christie's, The Beatles chưa bao giờ đặt tên chính thức cho bức tranh của họ.
Tuy nhiên, tác phẩm được biết đến với cái tên Images of a Woman vào cuối những năm 1980, khi một nhà báo Nhật Bản nghĩ rằng McCartney có lẽ đã vẽ một bộ phận sinh dục nữ ở trong góc tranh của mình.
“Nghệ thuật phụ thuộc vào con mắt người nhìn, phải không? Thật thú vị khi bức tranh có thể được hiểu theo các góc độ khác nhau và từ đó sẽ tiếp tục có những cách diễn giải khác nhau", chuyên gia Rogers nói.
Sau khi hoàn thành vào năm 1966, bức tranh đã được mua lại bởi Tetsuaburo Shimoyama, một giám đốc điều hành có tiếng trong ngành giải trí Nhật Bản, đồng thời là chủ tịch câu lạc bộ người hâm mộ Beatles ở Tokyo.
Năm 1989, Takao Nishino, chủ cửa hàng băng đĩa, trở thành người sở hữu tiếp theo. Đến năm 2012, The Atlantic đưa tin Nishino sẽ bán đấu giá tác phẩm nghệ thật này sau nhiều năm cất giữ.
“Ban đầu, tôi nghĩ tốt nhất nên lưu giữ bức tranh này như một phần di sản văn hóa của Nhật Bản. Bức tranh chưa bao giờ rời khỏi đất nước chúng tôi trong 46 năm qua. Nhưng The Beatles đã và vẫn luôn là hiện tượng toàn cầu, và tôi muốn chia sẻ điều đó”, ông Nishino nói.
The Beatles tại cuộc họp báo về chuyến lưu diễn của nhóm nhạc tại Tokyo (Nhật Bản). Ảnh: SHIMPEI ASAI. |
“Beatlemania”, thuật ngữ miêu tả hội chứng phát cuồng vì The Beatle, vẫn tiếp tục diễn ra trong nhiều thập kỷ kể từ khi ban nhạc tan rã.
“Sự quan tâm của công chúng đến âm nhạc, cuộc sống của các thành viên và những đóng góp của họ cho văn hóa đại chúng đã đóng một vai trò quan trọng trong sức hấp dẫn lâu dài của The Beatles", chuyên gia Rogers nhận định.
Cô cho rằng bức tranh do 4 thành viên vẽ nên được xếp vào những tác phẩm quý hiếm, có tầm quan trọng lịch sử.
Bức tranh của The Beatles sẽ được bán đấu giá cùng với các kỷ vật liên quan đến âm nhạc và các tác phẩm của nhiều nghệ sĩ âm nhạc khác.
“Tôi nghĩ Images of a Woman thực sự đã phản ánh 100 giờ họ đã trải qua cùng nhau… Có lẽ đó là một trong những lần cuối cùng họ ngồi lại với nhau, để suy ngẫm" Rogers nói.
Chia sẻ với Znews, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.