Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

TL;DR

Bức tranh dịch tễ phức tạp, cần thần tốc khóa nguồn lây nCoV ở TP.HCM

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng trước diễn biến dịch phức tạp và khác biệt, nếu không quyết liệt, TP.HCM khó kiểm soát được Covid-19 trong 2 tuần.

dich Covid-19 bung phat o TP.HCM anh 1

Gần một tháng bùng phát Covid-19 xuất phát từ điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, tình hình dịch ở TP.HCM còn khá phức tạp. Thành phố bước sang ngày thứ 23 giãn cách xã hội, tuy nhiên, số ca mắc mới trong vòng 2 tuần gần đây vẫn cao.

Hiện TP.HCM vượt Bắc Ninh, trở thành địa phương đứng thứ 2 về số lượng ca mắc Covid-19, chỉ sau Bắc Giang.

Hình thái lây nhiễm khác biệt tại TP.HCM

Chia sẻ với Zing, Phó giáo sư Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế), nhận định đặc điểm dễ nhận thấy trong đợt dịch lần này tại TP.HCM là virus lây lan âm thầm trong cộng đồng, xuất hiện hàng loạt ổ dịch rải rác và được phát hiện qua sàng lọc tại bệnh viện.

Lúc này, những F0 ban đầu đã lây cho nhiều người bên ngoài cộng đồng, tạo thành các chuỗi lây nhiễm khác nhau khiến bức tranh lây nhiễm càng thêm phức tạp.

“Hình thái lây nhiễm SARS-CoV-2 tại TP.HCM điển hình và khác biệt so với hầu hết tỉnh, thành phố bùng phát dịch còn lại của Việt Nam. Đây là đầu mối giao thông, thương mại lớn nhất cả nước nên luôn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh lớn và nguy hiểm. Với hình thái lây nhiễm đa ổ dịch, đa nguồn lây, việc khống chế thành công dịch phụ thuộc rất lớn vào ý thức 5K của người dân và độ phủ vaccine”, PGS Phu nói thêm.

dich Covid-19 bung phat o TP.HCM anh 2

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ, cũng nhận định những ngày qua, số ca mắc trong ngày của TP.HCM tăng liên tục. Trong một tuần gần đây, số ca mắc luôn duy trì ở mức trên 80.

Đây cũng là thời gian chúng ta ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao chưa từng thấy từ khi dịch bùng phát ở TP.HCM. Theo bác sĩ Khanh, hiện tại, tình hình dịch của thành phố này vẫn căng thẳng và bức tranh dịch tễ chồng chéo, phức tạp.

“Không chỉ người dân, đây là điều mà tất cả người trong ngành y tế chúng tôi rất lo lắng. Đến hiện tại, nhiều ca mắc được ghi nhận trong khu cách ly, vùng phong tỏa. Nhưng một khi ngoài cộng đồng vẫn còn nhiều ca nhiễm cần điều tra nguồn lây, lúc đó, chúng ta không thể nào yên tâm được”, ông nhận định.

Những tồn tại cần được khắc phục

Bác sĩ Khanh cho rằng trong giai đoạn hiện nay, các khâu tổ chức lấy mẫu xét nghiệm và tuân thủ quy định giãn cách đã nảy sinh nhiều bất cập.

Vấn đề thứ nhất liên quan chiến lược lấy mẫu xét nghiệm. Ngành y tế đang huy động lực lượng hỗ trợ các địa phương lấy mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, các địa phương chỉ đặt mục tiêu mà chưa có giải pháp cụ thể trong việc kiểm soát người đi lấy mẫu. Điều này gây hiện trạng một số khu vực lấy mẫu tập trung quá đông đúc.

dich Covid-19 bung phat o TP.HCM anh 3

Xuyên đêm lấy 50.000 mẫu xét nghiệm giám sát tại Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7. Ảnh: Phú Khánh/ HCDC.

“Điều đó không chỉ sai về quy định giãn cách mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm chéo từ F0 sang những người trong khuôn viên lấy mẫu. Nguy hiểm hơn, chúng ta đã ghi nhận một số trường hợp nhân viên y tế bị phơi nhiễm nghề nghiệp, có thể do nguyên nhân từ điểm lấy mẫu cộng đồng này”, bác sĩ Khanh nói thêm.

Chuyên gia lấy ví dụ một điểm có 5 F0 trong tổng số 100 người đến lấy mẫu. Nếu không gian không đảm bảo, 5 người này có thể lây nhiễm cho 95 người còn lại mà không được phát hiện qua xét nghiệm lần một.

Theo chuyên gia, giải pháp cho tình huống này là lấy mẫu xét nghiệm cơ động theo từng cụm, hộ gia đình hoặc đại diện một người di chuyển nhiều nhất trong gia đình. Nếu có điều kiện, người dân có thể tự lấy mẫu xét nghiệm tại nhà.

“Lấy mẫu tập trung mà không có ý thức giãn cách, không có người điều hành, sẽ càng tăng thêm nguy cơ lây nhiễm”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.

Vấn đề thứ 2 là lây nhiễm trong khu cách ly. Khi số ca mắc cao, số lượng F1 và F2 cũng tăng nhanh chóng. Cách ly F1 không triệt để và nghiêm ngặt sẽ gây tình trạng lây nhiễm chéo giữa người lành và trường hợp mang mầm bệnh.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, giải pháp để kiểm soát tình trạng này là thần tốc xét nghiệm và trả kết quả cho F1. Khi F1 có xét nghiệm lần một âm tính với SARS-CoV-2, ngay lập tức giải tỏa F2.

Theo bác sĩ Khanh, hiện ý thức hợp tác của người dân chưa thật sự tốt. Minh chứng là việc lây nhiễm chéo của nhiều trường hợp là đồng nghiệp, bạn bè, nhất là hàng xóm trong các cụm dịch. Lực lượng chức năng cần có biện pháp răn đe, chế tài nghiêm với trường hợp vi phạm.

“Khi TP.HCM giãn cách xã hội, người dân cũng cần tự giãn cách ngay tại nơi cư trú, nhà giãn cách với nhà, người giãn cách với người, tốt nhất là đóng cửa then cài, hạn chế tiếp xúc, tuân thủ 5K”, chuyên gia nói thêm.

Đồng tình với quan điểm này, PGS Trần Đắc Phu cho rằng TP.HCM cần rút kinh nghiệm trong việc đánh giá nguy cơ dựa trên xét nghiệm, phong tỏa theo khu vực nguy cơ, tránh phong tỏa diện rộng nhưng quản lý bên trong không chặt chẽ.

3 mũi tấn công khóa nguồn lây tại TP.HCM

Theo các chuyên gia, để nhanh chóng chặn đứng nguồn lây nhiễm SARS-CoV-2 tại TP.HCM, ngoài những tồn tại cần thay đổi, thành phố cần đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm bằng cách áp dụng test nhanh, cách ly F1 nguy cơ thấp tại nhà và tiêm vaccine.

“Những biện pháp này thành phố đã và đang triển khai thực hiện, song cần làm nhanh hơn một bước, cao hơn một mức”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.

Trong đó, bác sĩ Khanh nhấn mạnh việc quản lý cách ly F1, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng quá tải khu cách ly và lây nhiễm chéo.

Lực lượng quản lý cần xác định F1 nguy cơ cao được cách ly tập trung. Những F1 có nguy cơ thấp có thể cân nhắc cho cách ly tại nhà.

“Cách ly F1 quan trọng nhất là làm càng nhanh càng tốt. Chúng ta có thể áp dụng cách ly F1 tại nhà với điều kiện có phòng riêng, gắn camera, đặc biệt là vai trò quản lý của địa phương. Ngoài ra, F1 cách ly tại nhà cần cam kết chịu trách nhiệm hình sự nếu vi phạm quy định cách ly”, ông nói thêm.

Ngoài ra, chuyên gia này nhấn mạnh về nguyên tắc, khi ngành y tế còn kiểm soát được F0, việc cần làm là xét nghiệm truy vết, cách ly tuyệt đối F1 và không để dịch lây lan thêm cho người có nguy cơ.

Khi không thể kiểm soát F0, điều cần làm xét nghiệm nhanh, đẩy nhanh độ phủ vaccine và quan trọng nhất là không để virus tấn công vào người có nguy cơ, yếu thế (người lớn tuổi, có bệnh nền, hệ miễn dịch kém). Thành phố nên ưu tiên tiêm vaccine cho các trường hợp này để giảm quá tải tỷ lệ bệnh nặng.

“Nếu làm đúng và kiên quyết trong khoảng 2 tuần, thành phố có thể kiểm soát được tình hình”, bác sĩ Khanh nhận định.

Từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM ghi nhận tổng cộng 1.971 ca mắc Covid-19, với hơn 27 chuỗi lây nhiễm lớn, cao thứ 2 cả nước, sau Bắc Giang. Sau khi kiểm soát được ổ dịch liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, gần đây, các ca mắc mới đều là người tiếp xúc của những chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây.

Sáng 19/6, TP.HCM bước vào đợt tiêm chủng vaccine Covid-19 lớn nhất lịch sử. Trong chiến dịch này, gần một triệu người thuộc nhóm ưu tiên tại TP.HCM được tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca.

Từ 0h ngày 20/6, TP.HCM thực hiện Chỉ thị 10. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) khuyến cáo người dân cần tuân thủ đúng các quy định theo chỉ thị này, chỉ ra khỏi nhà khi thực sự cần thiết; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh theo thông điệp 5K của Bộ Y tế khi ra khỏi nhà, hạn chế các tiếp xúc không cần thiết và chủ động liên hệ với các cơ sở y tế gần nhất để được trợ giúp.

Hai biện pháp giúp TP.HCM chặn đứng nguồn lây Covid-19

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị TP.HCM cần nâng cao năng lực xét nghiệm với công suất 500.000 mẫu gộp mỗi ngày và huy động tổng lực triển khai chiến dịch tiêm chủng.

Dịch Covid-19

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm