Phúc Nguyên từng gap-year và trải nghiệm ở nước ngoài trước khi chính thức lên đại học. Ảnh: NVCC. |
Ở tuổi 18, ngay trước kỳ thi đại học, Nguyễn Bá Phúc Nguyên quyết định dừng chân. Lúc đó, nam sinh cảm thấy việc học thật nhàm chán.
Sau khi gap-year một năm để tự học mọi kiến thức theo cách của mình, Nguyên đến Nhật Bản làm thực tập sinh rồi lại về Việt Nam theo đuổi ngành Tâm lý học tại Đại học Fulbright Việt Nam và còn trở thành sinh viên đại diện của ngành.
Tự học lại theo cách của mình
Một tháng trước kỳ thi đại học, Phúc Nguyên quyết định gap-year một năm, tạm giác kế hoạch thi lên đại học để theo đuổi kế hoạch mới. Trong suốt một năm đó, nam sinh tự tìm cách trải nghiệm những môn học cũ theo cách riêng và sở thích của bản thân.
Khi con trai bỏ ngang kỳ thi đại học, bố mẹ Phúc Nguyên khá lo lắng vì con mình đang theo đuổi con đường “phi truyền thống”. Nhưng may mắn, nam sinh vẫn được gia đình ủng hộ và tạo điều kiện để được tự học, tự trải nghiệm theo cách riêng của mình.
Chia sẻ với Tri thức - Znews về việc học trong một năm gap-year, Nguyên cho biết bản thân không được trang bị phương pháp học bài bản nên hầu như cậu học dựa trên trí tò mò và tự tìm tòi.
Ví dụ, với môn Sinh vật học, nam sinh chủ động tìm kiếm các tài liệu học tập và video giải thích bằng tiếng Anh, đồng thời mang theo sổ để ghi chép và phác họa những điều bản thân quan sát được ở môi trường xung quanh.
Một trong những bài học lớn nhất mà Phúc Nguyên nhận ra kể từ khi tự học chính là động lực học tập xuất phát từ trí tò mò, sự yêu thích và gắn kết với môn học… sẽ bền vững hơn và có thể thỏa mãn tâm trí người học.
“Mình luôn cho phép bản thân được sống và chìm đắm trong những môn học mà không phải đặt nặng chuyện điểm số hay tài năng học tập của bản thân”, Nguyên chia sẻ.
Phúc Nguyên là thực tập sinh Việt Nam đầu tiên tham gia chương trình của Viện Thí nghiệm, Trải nghiệm và Trao đổi Ngôn ngữ tại Nhật Bản. Ảnh: NVCC. |
Làm những điều không tưởng khi đến Nhật Bản
Sau một năm gap-year tự học tại nhà, Phúc Nguyên tiếp tục đến Nhật Bản và thực tập tại Viện Thí nghiệm, Trải nghiệm và Trao đổi Ngôn ngữ trong khoảng 9-10 tháng.
Trong 3 năm học THPT, Nguyên từng làm cộng tác viên tại Hội Hữu nghị Việt - Nhật (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Thời gian đó, Hội hữu nghị và viện có nhiều dự án trao đổi ngôn ngữ và văn hóa giữ gia đình người dân Huế và gia đình người Nhật.
Nhờ đóng góp cho các dự án đó và cũng tham gia trao đổi cùng bạn bè người Nhật, Phúc Nguyên may mắn nhận được lời mời tham gia trao đổi tại viện.
Do đó, sau khi hoàn thiện các hồ sơ cần thiết, nam sinh chính thức “chấm dứt” một năm tự học để đến Nhật Bản và trở thành thực tập sinh.
Một mình chân ướt chân ráo đến đất nước xa lạ, Phúc Nguyên đưa ra quyết định khá táo bạo là không dùng điện thoại di động và mạng xã hội. Bất chấp rào cản ngôn ngữ, nam sinh vẫn chọn cách không để bản thân phụ thuộc vào công nghệ. Nhờ đó, cậu lại càng có nhiều tương tác với con người và sự vật xung quanh.
“Thay vì dùng điện thoại để tra lộ trình tàu, mình sẽ tương tác với bảng thông tin, với nhân viên ga tàu hay với mọi âm thanh mình nghe được. Thay vì mải mê chụp ảnh phong cảnh, mình sẽ tập trung cảm nhận và chìm đắm bằng những giác quan của mình. Mỗi lần nhớ về những trải nghiệm năm đó, mình lại có cảm giác mình được sống lại khoảng thời gian ở Nhật”, Nguyên nói.
Trong suốt thời gian thực tập ở viện, Phúc Nguyên chủ yếu tập trung vào việc thiết kế và tổ chức các dự án thí nghiệm, trải nghiệm và trao đổi ngôn ngữ cùng thực tập sinh quốc tế tại nhiều tỉnh, thành ở Nhật Bản.
Điều đặc biệt hơn cả chính là Phúc Nguyên là thực tập sinh Việt Nam đầu tiên tham gia chương trình này của viện. Do đó, cậu được giao “sứ mệnh” đưa tiếng Việt và văn hóa Việt Nam đến gần hơn với người dân Nhật Bản.
Tháng 3/2018, tại trung tâm hội nghị Tokyo Big Sight, nam sinh thực hiện bài thuyết trình về ngôn ngữ học bằng 4 thứ tiếng (tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Pháp) trước khoảng 1.000 khán giả.
“Là người Việt đầu tiên làm việc ở Viện Thí nghiệm, Trải nghiệm và Trao đổi Ngôn ngữ, mình có cơ hội thể hiện bản thân nhiều hơn, đồng thời được tiếp xúc với nhiều người ở những nền văn hóa khác nhau. Điều này cho phép mình nhìn nhận và thấu hiểu con người thông qua góc nhìn đa văn hóa, đa ngôn ngữ”, nam sinh cho biết.
Phúc Nguyên hiện là sinh viên đại diện của ngành Tâm lý học. Ảnh: NVCC. |
Trở thành sinh viên đại diện của ngành Tâm lý học
Sau khi trở về Việt Nam, Phúc Nguyên tiếp tục theo đuổi việc học của bản thân bằng cách đăng ký vào ngành Tâm lý học của Đại học Fulbright Việt Nam.
Nói về lý do chọn ngành Tâm lý học, nam sinh cho biết cậu quyết định theo đuổi tâm lý học để được nhìn nhận những khía cạnh tâm lý sâu sắc hơn trong giáo dục. Cũng thông qua ngành học, cậu được mở mang những góc nhìn mới về con người, cảm xúc và cả những yếu tố mang tính xã hội, văn hóa, nhân văn…
Trong thời gian học ở Đại học Fulbright Việt Nam, Phúc Nguyên làm trợ giảng cho môn Tâm lý học nhập môn và môn Phương pháp nghiên cứu và thống kê, đồng thời trở thành sinh viên đại diện cho ngành Tâm lý học.
Về công việc trợ giảng, đây là một lợi thế của nam sinh vì cậu được tiếp cận môn học từ một vị trí rất khác, từ đó có thêm những góc nhìn mới mẻ và sâu sắc hơn với môn học và thậm chí là với ngành học.
“Làm trợ giảng cũng giúp mình củng cố kiến thức, đồng thời thấu hiểu sinh viên và có những đóng góp mang tính xây dựng cho cả giáo sư lẫn sinh viên”, nam sinh nói với Tri thức - Znews.
Còn với vai trò là đại diện ngành, Phúc Nguyên có nhiệm vụ lắng nghe và thu thập đóng góp của sinh viên liên quan ngành học, sau đó làm việc cùng hội đồng sinh viên và ban ngành liên quan để đề xuất, triển khai phương án xử lý.
Đối với nam sinh, quyền lợi lớn nhất là cậu có cơ hội mang tiếng nói của sinh viên (bao gồm tiếng nói của bản thân) đến gần hơn với nhà trường.
Điều này cũng giúp góp phần vào việc tạo ra sự thay đổi tích cực trong ngành học, đồng thời giúp cá nhân Phúc Nguyên phát triển kỹ năng giao tiếp và đàm phán.
Nhìn lại bản thân sau nhiều năm “biến động”, Phúc Nguyên nhận thấy yếu tố ảnh hưởng đến con đường sự nghiệp học tập của bản thân chính là sự bao dung và thấu hiểu, cụ thể là hiểu bản thân mình và những điều đang xảy ra, đồng thời bao dung với bản thân và những điều xảy đến với mình.
Từng gap-year, từng ra nước ngoài sống một mình, rồi lại về nước học đại học, nam sinh hiểu rằng hành trình của mỗi người khác nhau và ai cũng muốn tìm được đáp án cho câu hỏi mình là ai, mình muốn gì.
“Sự biến thiên liên tục của cuộc sống khiến chúng ta rất khó để tìm câu trả lời duy nhất và đúng nhất cho những câu hỏi trên. Vì thế, với những bạn đang cảm thấy mất định hướng, bản thân mình hy vọng các bạn học được cách đón nhận sự thay đổi đó, từ đó biết được ‘mình là ai’ trong những thời điểm khác nhau của cuộc sống”, Nguyên đưa ra lời khuyên.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.