Loại nấm trắng, đẹp nhưng dẫn đến ngộ độc cho người ăn. Ảnh: BioLib. |
Theo thông tin từ TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cơ sở y tế này đang điều trị cho 2 bệnh nhân là H.C.L. (37 tuổi) và H.T.B. (40 tuổi) có chẩn đoán ngộ độc nấm độc, nhập viện hôm 20/2.
Theo thông tin từ người nhà, sáng 17/2, các anh em họ trong cùng gia đình thường trú tại xã Mai Hịch, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, vào rừng kiểm tra đàn bò. Thấy nấm đẹp, nhóm này đã hái về nấu canh cho cả gia đình gồm 8 người cùng ăn vào 11h trưa 18/2.
Sau bữa ăn khoảng 12 tiếng, 6 người xuất hiện dấu hiệu nôn, đau bụng, chóng mặt, tiêu chảy nhiều lần, liên tục.
Gia đình đưa các nạn nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện huyện Mai Châu, Hòa Bình, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Bệnh nhân ngộ độc được điều trị tại Trung tâm Chống độc. Ảnh: BVCC. |
Theo BS Nguyên, 2 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng, tiêu chảy vẫn rất nhiều, mất nước nặng, nhiễm toan chuyển hóa, viêm gan nặng.
Riêng bệnh nhân H.C.L. còn bị sốc giảm thể tích nặng, có các dấu hiệu nhiễm toan, tổn thương gan, suy thận nặng hơn. Trường hợp này thậm chí có thêm tổn thương nhiều ở ruột, tụy, tim, rối loạn đông máu nặng, suy gan, suy thận, suy tim cấp.
Tại Trung tâm Chống độc, 2 bệnh nhân được điều trị tích cực. Bệnh nhân H.T.B. may mắn đã tỉnh táo, tiếp xúc được, tình trạng bắt đầu có xu hướng cải thiện. Tuy nhiên, bệnh nhân H.C.L. vẫn diễn biến nặng, suy đa tạng và tử vong sáng sớm 22/2.
BS Nguyên cho hay căn cứ vào các đặc điểm ngộ độc, đây là điển hình của ngộ độc nấm chứa độc tố amatoxin.
"Ở Việt Nam, chúng ta có thể gặp các loài như nấm độc tán trắng (Amanita verna), nấm độc trắng hình nón (Amanita virosa). Loài nấm độc này có hình thức rất lành tính, trắng đẹp, dễ nhầm với nấm không độc, nhưng lại là các loài nấm độc nhất thế giới", vị chuyên gia cho hay.
Độc tố chính của các loài nấm này là amatoxin - chất cực độc, ảnh hưởng trực tiếp tới vật liệu di truyền của tế bào, ngăn cản tổng hợp protein cấu trúc, khiến một số cơ quan nội tạng bị tổn thương, giảm và ngừng hoạt động.
Theo BS Nguyên, các biểu hiện của ngộ độc nấm chứa độc tố amatoxin xuất hiện khá muộn, sau khi ăn từ 6 đến 40 giờ (thường là 12-18 giờ).
Trường hợp bệnh nhân H.C.L. khả năng ngộ độc liều lớn dẫn tới tổn thương và suy đa tạng ồ ạt nhanh chóng, không chỉ gan, thận mà cả dạ dày ruột, tụy, tim.
"Một vấn đề nguy hiểm nữa là do biểu hiện ngộ độc luôn xuất hiện rất muộn (quá 6 giờ sau khi ăn), nấm độc đã qua dạ dày xuống sâu tận ruột non và độc tố được hấp thu. Khi đó, dù bệnh nhân có nôn, bác sĩ rửa dạ dày cũng không có tác dụng", vị chuyên gia chia sẻ.
BS Nguyên cho biết thời điểm mùa xuân (thời gian nấm phát triển nhiều), nhiều trường hợp ngộ độc nấm xảy ra. Cấp cứu và điều trị ngộ độc nấm tốn kém nhưng tỷ lệ tỷ vong rất cao (trên 50%).
Ngay cả các chuyên gia cũng khó phân biệt nấm lành hay nấm độc nếu chỉ dựa vào hình dạng, màu sắc. Do đó, ông khuyến cáo người dân tuyệt đối không nên hái nấm dại để ăn.
"Để an toàn, người dân chỉ nên ăn những loại nấm được nuôi trồng. Chúng ta hoàn toàn không nên và không thể dựa vào hình thái, màu sắc cây nấm để phân biệt nấm lành hay độc. Các loại nấm độc sau khi đun nấu, độc tố vẫn bền vững, không bị phá hủy", BS Nguyên nhấn mạnh.
Ông cũng lưu ý người từng ăn nấm mọc hoang không bị ngộ độc không đồng nghĩa sẽ không sao nếu ăn tiếp. Ngoài ra, trường hợp không may ăn phải nấm nghi độc cần đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.