Nhìn bức ảnh “cả lớp nhận giấy khen, chỉ mình em lẻ loi”, tôi thoáng nghĩ, đó không còn là chuyện hiếm.
Đối với chị Minh Nguyệt, học tập không chỉ trong nhà trường mà còn bên ngoài cuộc sống. Ảnh: N.M. |
Phát giấy khen thành phong trào
Tôi không phủ nhận hoàn toàn tác dụng việc khen thưởng ở trường. Bởi, giấy khen là công cụ khích lệ, từ đó tạo động lực cho con tiến bộ.
Sẽ tuyệt hơn nếu thầy cô thấy được sự nỗ lực mọi mặt của đứa trẻ để khen, chứ không chỉ dừng ở điểm số. Thầy cô có thể khen con hay giúp đỡ bạn, chăm đọc sách… Tuy nhiên, chúng ta cần suy nghĩ thấu đáo vì muốn làm được như vậy không dễ, phụ thuộc trình độ nhận thức, sự tận tụy của giáo viên.
Nhìn vào thực tế, điều này khó thực hiện ở hệ thống giáo dục công lập nước ta vì giáo viên thông thường phải quản lý nhiều học sinh và công việc hành chính khác.
Vậy nhà trường nên trao giấy khen thế nào cho hợp lý? Với lứa tuổi nhỏ như cấp 1, giấy khen, bằng khen, khi in nhiều, sẽ thành lãng phí, nặng thành tích. Giấy khen có thể thay thế bằng các phần thưởng nhỏ mang tính giáo dục như sách truyện, đồ chơi.
Giấy khen có thể phân theo điểm mạnh của từng cá nhân. Có bạn đạt thành tích học tập nhưng có người thêm giải thưởng thể thao, âm nhạc hay đơn giản là thể hiện lòng tốt. Điều này có thể ghi nhận trong học bạ song song điểm số các con đạt được.
Với các cấp lớn hơn, nhà trường có thể duy trì hình thức giấy khen vì các con cần sự ghi nhận. Còn ở cấp bậc mầm non, tôi cho rằng không cần thiết trao giấy khen. Bản thân các con chưa biết chữ, mang giấy khen về cũng không làm gì cả, lại lãng phí, trở thành phong trào.
Điều này làm giấy khen mất giá trị. Thế hệ chúng tôi, mỗi lớp chỉ có 8-10 bạn đạt danh hiệu học sinh giỏi, đạt điểm 8 trong lớp không hề dễ. Ngày ấy, sự phân hóa về học lực của học sinh rõ rệt, không phải phần lớn đều giỏi và xuất sắc như bây giờ.
Chị Minh Nguyệt nhắn nhủ đừng để giấy khen gây áp lực lên con trẻ. Ảnh: N.Y. |
Trẻ em cần có tuổi thơ hạnh phúc
Tôi không coi trọng thành tích, giấy khen mà gây áp lực lên con. Tôi để con hiểu học tập ở trường là nhiệm vụ quan trọng nhưng thành tích tốt, dẫn đầu lớp không phải mục tiêu cuối cùng cần đạt được.
Tôi cũng chẳng quan tâm con đứng thứ mấy trong lớp, mà chỉ hỏi con đi học có vui không? Tôi quan tâm việc học của con theo cách khác, con tự giác học thế nào, giải quyết chuyện trên lớp ra sao.
Tôi không can thiệp, không nhắc việc con hoàn thành bài tập hàng ngày, bản thân con tự ý thức việc đó.
Đi họp phụ huynh, thấy con không nằm trong top đầu, tôi không lo lắng. Điều quan trọng con cần hiểu yếu điểm của chính mình là gì, cải thiện như thế nào?
Tôi không hướng con đến việc phải đứng trong top của lớp. Nếu con đạt được, đó là vinh dự nhưng không phải mục tiêu cuối cùng.
Nếu con không nhận được giấy khen, tôi tìm hiểu nguyên nhân, sau đó giải quyết tâm lý để con không bị tự ti, mặc cảm. Tôi muốn con hiểu mỗi người là một cá thể đặc biệt.
Nhiều cha mẹ hiện nay đặt quá nhiều kỳ vọng lên con cái, âu cũng là vì lo lắng cho tương lai của trẻ. Tôi cũng mong con cái sống hài hòa, vui vẻ, phát huy được thế mạnh, cân bằng với cuộc sống.
Tôi từng lo lắng, thử nghiệm nhiều nhưng sau đó lại nghĩ mình không thể kiểm soát được mọi thứ trong tương lai, vậy làm sao phải đảm bảo con nhất định thành đạt, thành công?
Trẻ em cần có một tuổi thơ hạnh phúc. Con được dạy, cảm nhận và quý trọng các giá trị như yêu thương gia đình, sống hài hòa với thiên nhiên. Con cần có cuộc sống cân bằng, khỏe mạnh về trí lực, lành mạnh về lối sống.
Ví dụ, bạn út nhà tôi tên Gấu, 8 tuổi, tập bóng bàn mệt, bảo “Con chán rồi”. Nhưng, cháu vẫn cố gắng vượt qua, tiếp tục tập luyện, như vậy là đáng khen. Hay khi chép chính tả thơ Xuân Quỳnh, Trần Đăng Khoa, bạn ấy mắc 8, hôm sau còn 1 lỗi. Như vậy, con đã đáng được ghi nhận và khen rồi.
Con gái 11 tuổi của tôi vừa kết thúc lớp 6. Cháu học yếu môn Toán trong học kỳ I nhưng có tiến bộ rõ rệt ở kỳ II. Song song việc học trên lớp, con theo chương trình online phổ thông của Mỹ vào buổi tối. Ngoài ra, cháu tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, học hỏi kỹ năng như thuyết trình, quay dựng phim, học làm slide…
Quan điểm giáo dục của tôi thiên về trải nghiệm. Kết thúc năm học, phần thưởng gia đình dành cho các con là chuyến trekking 10 km tại Rừng quốc gia Cát Bà. Các con mất 5 giờ để đi xuyên rừng nguyên sinh, leo 4 ngọn núi, trải nghiệm hành trình kéo dài 6 giờ. Đây là hành trình rất đáng động viên.
Con học tiếng Anh cũng vậy, tôi không ép vội phải thi chứng chỉ, bằng cấp quốc tế, mà giúp con biến tiếng Anh thành công cụ trong đời sống. Hai con hoàn toàn có thể đọc truyện, xem phim tiếng Anh và giao tiếp với người nước ngoài.
Tôi luôn quan tâm sự tiến bộ và nỗ lực của bản thân con trẻ, chứ không so sánh thành tích với các bạn xung quanh vì mỗi bạn có một năng lực khác nhau. Tôi không bắt con phải có năng khiếu như bạn. Tại sao con mình không phải là thiên tài mà bắt con phải làm được như vậy?
Vì vậy, tôi cho rằng giấy khen chỉ như công cụ để khích lệ học sinh, bên cạnh đó có rất nhiều công cụ khác.
Đề xuất xóa bỏ hình thức giấy khen cần tìm hiểu kỹ. Bởi, việc động viên học sinh vẫn rất cần thiết, ghi nhận nỗ lực của trẻ là vô cùng quan trọng. Điều chúng ta cần làm là tìm được công cụ nào không mang tính thành tích.
Bài viết của chị Minh Nguyệt (giảng viên ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội) thể hiện góc nhìn và quan điểm riêng của một phụ huynh sau những tranh luận trên mạng xã hội về bức ảnh trong lớp chỉ một học sinh không nhận giấy khen.
Bạn có ý kiến gì về chủ đề "ai cũng được giấy khen" mỗi khi kết thúc năm học? Hãy chia sẻ quan điểm của mình bằng cách gửi bài viết về địa chỉ toasoan@zing.vn hoặc để lại bình luận dưới bài viết.