Trúc Nhi và Diệu Nhi - cặp song dính liền bụng chậu hiếm gặp tại Việt Nam được mổ tách - đã xuất viện hôm qua (7/10). Sau gần 3 tháng lên kế hoạch và 13 giờ phẫu thuật, TS.BS Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và GS Trần Đông A, cố vấn chuyên môn ca mổ tách, lần đầu chia sẻ những dự định sau cuộc đại phẫu đạt kỷ lục Việt Nam.
Lời hứa trước ca đại phẫu
GS.TS.BS Trần Đông A, chuyên gia cao cấp, cố vấn chuyên môn của Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết Trúc Nhi - Diệu Nhi và Nguyễn Việt - Nguyễn Đức đều chịu chung sự bất công của số phận khi sinh ra với 2 hình hài dính chặt nhau vùng bụng chậu.
GS.TS.BS Trần Đông A chia sẻ: "Trong điều kiện y tế hiện đại cùng thời điểm thích hợp, không có lý do gì song Nhi không thể được cứu". Ảnh: Chí Hùng. |
Năm 1988, GS Đông A là trưởng ê-kíp mổ cùng 70 y bác sĩ đã tách rời thành công cặp song sinh Việt - Đức. Thời điểm đó, ca mổ này đi vào lịch sử y học Việt Nam. Truyền thông thế giới cũng liên tục đăng tải thông tin khen ngợi kỳ tích.
32 năm sau, lịch sự tiếp tục ghi dấu ấn khi 93 y bác sĩ mổ tách song Nhi. Giáo sư này đánh giá đây là một trong những ca mổ hiếm và rất phức tạp tương tự Việt - Đức.
“Trong thời điểm lịch sử khó khăn, chúng ta đưa ra quyết định nhân văn là tách Việt - Đức. Nhờ vậy, hai cuộc đời thoát khỏi cảnh dính liền. Trong điều kiện y tế hiện đại cùng thời điểm thích hợp, không có lý do gì song Nhi không thể được cứu. Sức mạnh hệ thống của chúng ta một lần nữa được xác nhận và thế giới cũng công nhận”, GS Đông A chia sẻ.
Vị giáo sư cho biết thời điểm trước khi đi đến quyết định mổ, TS.BS Trương Quang Định mời ông cùng các bác sĩ đến gặp song Nhi để thăm khám, chẩn đoán hình ảnh.
“Trong giây phút cùng cha mẹ các bé ký giấy cam kết mổ, chúng tôi đã hứa nhất định cố gắng hết sức. Hiện tại, không những hai cuộc đời được cứu mà các cháu còn hồi phục tốt. Đó thực sự là điều hạnh phúc”, GS Đông A kể lại.
Trong cuộc gặp với ê-kíp mổ cũng là những học trò, đàn em của mình, ông nhiều lần nhắc nhở nhiệm vụ cao nhất của các y bác sĩ là giúp các bé về với gia đình, xã hội như đứa trẻ bình thường.
“Nguyễn Đức trong ca mổ 32 năm trước giờ đây cũng đã lấy vợ, sinh con. Nếu được chăm sóc tốt, có thể song Nhi sẽ sống một cuộc đời dài, dù phía trước còn nhiều gian nan”, ông cho biết.
Biểu cảm đáng yêu của Diệu Nhi trong ngày xuất viện. Ảnh: Chí Hùng. |
Những thành công bước đầu
“Hơn 90 ngày qua, tôi biết mọi người lo lắng, nóng ruột muốn biết tình hình của Trúc Nhi, Diệu Nhi. Tuy nhiên, chúng tôi - những người trực tiếp cầm dao mổ tách và chăm sóc 2 bé - còn lo lắng hơn rất nhiều. Bởi hôm nay, việc các con bước ra khỏi bệnh viện chưa phải là kết quả cuối cùng của ca mổ này”, TS.BS Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, nhận định.
Ông cho biết thời gian qua, nhiều người đặt vấn đề rằng ca mổ tách song Nhi liệu đã thành công hay chưa. Bác sĩ này giải thích ca mổ hiện tại vẫn chỉ là thành công bước đầu. “Xuất viện chưa phải là hết vì phía trước chúng ta còn nhiều việc phải làm. Song song đó, nhiều biến cố có thể xảy ra mà chúng ta chưa lường trước”.
TS Định cho biết về hô hấp, bé Diệu Nhi có tình trạng lõm ngực, hẹp khí quản. Không may mắn, bé còn xuất hiện tình trạng giãn não thất và di chứng vùng thùy trái. Do đó, chúng ta luôn thấy bé Diệu Nhi lúc nào cũng vui tươi và hay tự cười. Để giải quyết vấn đề này, các bác sĩ quyết định theo dõi các bé đến năm 2 tuổi, sau đó chụp MRI để đánh giá và lên hướng điều trị.
TS.BS Trương Quang Định - chỉ huy trưởng của ca mổ tách song Nhi. Ảnh: Chí Hùng. |
Diệu Nhi được nhận hậu môn duy nhất của cả 2. Trong vòng một tháng tới, bé sẽ được đóng hậu môn tạm. Trúc Nhi hoàn toàn không có hậu môn thật. Các bác sĩ cân nhắc khả năng tái tạo hậu môn cho bé. Việc này chỉ diễn ra thuận lợi nếu bé có vết tích của hậu môn. Dù vậy, sau mổ, bé Trúc Nhi cai máy thở lâu hơn nhưng phục hồi rất nhanh, thần kinh được đánh giá bình thường.
GS Trần Đông A đánh giá đây là ca thứ 2 của Việt Nam được mổ theo đúng chuẩn quốc tế về song sinh dính nhau. Tiêu chuẩn quốc tế về tách dính song sinh bao gồm có kết quả chẩn đoán trước sinh; cha mẹ được tư vấn và quyết định giữ thai nhi; 2 bệnh viện sản - nhi phối hợp giữ thai và chăm sóc sơ sinh; lựa chọn phương pháp mổ lấy thai an toàn. Đặc biệt, tiêu chuẩn cuối cùng là ca mổ được thực hiện với phương tiện y khoa hiện đại nhất vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, TS Định vẫn trăn trở: "Y khoa luôn có những xác suất và chưa biết điều gì sẽ xảy ra. Dù vậy, chúng tôi hạnh phúc vì hiện tại, các cháu được trở về ngôi nhà yêu thương".