PGS.TS.BS Thái Minh Sâm, Trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, cho biết vừa thực hiện thành công ghép thận đổi chéo. Đây là ca phẫu thuật đổi chéo nội tạng đầu tiên ở Việt Nam.
Trong quá trình điều trị chạy và chờ ghép thận cho bệnh nhân, các bác sĩ khoa Tiết niệu phát hiện hai cặp người nhận nội tạng ở Kiên Giang và Đắk Nông có kháng thể chống lại người cho nên nguy cơ thải ghép sau mổ rất cao.
Để giảm nguy cơ này, các chuyên gia y tế nhận thấy các cặp người bệnh có thể hoán đổi cho nhau. Theo bác sĩ Sâm, đây phương pháp được nhiều trung tâm ghép nội tạng trên thế giới lựa chọn. Năm 1991, các bác sĩ Hàn Quốc đã thực hiện ca ghép thận đổi chéo đầu tiên trên thế giới. Gần 10 năm sau, Mỹ mới thực hiện phương pháp này.
Ca ghép thận người cho và nhận đổi chéo cho nhau. Ảnh: Bác sĩ cung cấp. |
Hai bệnh nhân nhận thận là chị Huề (32 tuổi, ở Đắk Nông) và Ánh Hồng, (31 tuổi, ở Kiên Giang).
Chị Huề phát hiện bệnh khi đang mang thai con thứ 2 được 8 tháng. Để giữ lại tính mạng và điều trị bệnh, các bác sĩ sản khoa đã quyết định mổ lấy thai để đưa người mẹ đi điều trị thận.
Hai bệnh nhân được ghép thận vui mừng cảm ơn bác sĩ. Ảnh: Khánh Trung. |
Gần 3 năm chị xa chồng, con, người thân xuống thành phố thuê phòng trọ để chạy thận. Mới đây chị được mẹ ruột hiến cho một phần nội tạng. Tuy nhiên, hệ miễn dịch của chị lại chống lại người cho nên không thể thực hiện ca ghép.
Chị Ánh Hồng cũng mắc bệnh thận khi mới ngoài 20 tuổi. Bệnh nhân này được cha dượng hiến nội tạng. Để giúp người bệnh, các bác sĩ đã khuyên hai gia đình đổi chéo nội tạng cho nhau.
Cuối năm 2016, tình trạng của 2 cặp bệnh nhân đã được hội đồng khoa học của bệnh viện thông qua và thống nhất lấy thận của người cho ở Kiên Giang ghép cho người nhận ở Đắk Nông và ngược lại.
Ngày 11/1, các bác sĩ đã tiến hành đồng thời mổ lấy và ghép thận. Sau gần một tháng phẫu thuật, sức khỏe của các bệnh nhân ổn định, thận bài tiết tốt.