Trong cửa hàng nhỏ ở Georgetown, một nhân viên đang pha chế cà phê sữa đá. Cà phê được pha bằng phin trộn với sữa đặc có đường trong bình lắc cocktail màu bạc.
Quán cà phê này có tên là Voi Cà Phê, chỉ bán mang đi.
Cách đó vài km ở khu người Việt gần Chinatown - Khu vực Quốc tế (Chinatown International District), máy pha cà phê espresso tại Hello Em đang chuẩn bị phần base chứa caffein cho cà phê trứng.
Những bản nhạc pop chậm rãi của Việt Nam vang lên trong không gian thoáng đãng. Quán được trang trí với một cây cà phê và bao tải đựng hạt cà phê rang Việt Nam, một chiếc xe đạp cùng những chiếc giỏ bắt cá treo trên trần nhà cao.
Ở phía tây bắc cách đó hai dãy nhà là quán cà phê Phin nhỏ nhắn, đầy phong cách. Được đặt theo tên của phin lọc cà phê, quán cà phê yên tĩnh, hấp dẫn này có một khu ban công giả trong góc, tái hiện kiến trúc ở Việt Nam.
Món đặc sắc của quán là cà phê sữa chua, có kết cấu mềm mịn, được pha từ cà phê đậm đà kết hợp với sữa chua cùng một chút sữa đặc ngọt.
Ngay tại quê hương của Starbucks, 3 địa điểm này là một phần trong làn sóng mới của các quán cà phê nhằm tôn vinh và mở rộng nền văn hóa cà phê lâu đời, thịnh vượng của Việt Nam, theo Seattle Times.
Vợ chồng Khôi Phùng và Hiền Đặng sở hữu Voi Cà Phê ở Georgetown, là một phần quan trọng trong làn sóng quán cà phê Việt Nam mới ở Seattle. Ảnh: Kevin Clark/Seattle Times. |
Làn sóng cà phê Việt Nam
Coffeeholic House được cho là một trong những nơi đầu tiên thuộc làn sóng cà phê Việt Nam xuất hiện tại thành phố Seattle. Quán mới khai trương cách đây 4 năm và hiện có 3 chi nhánh ở Thành phố Columbia, Greenwood và Bellevue.
Sau Coffeeholic House, tổng cộng có hơn chục quán cà phê Việt Nam lần lượt ra mắt trong vài năm qua trên khắp khu vực.
Chủ sở hữu của Hello Em - Yến Vy Phạm - nhớ lại những quán cà phê “kiểu Việt Nam cổ điển” được tìm thấy ở khu người Việt thời trẻ.
Nhiều người đã sử dụng cà phê Café Du Monde - loại cà phê gần giống nhất với những gì họ tìm thấy ở Việt Nam. Không gian các quán mờ ảo trong khói thuốc lá và “chỉ có người Việt Nam mới đi”, “chủ yếu là đàn ông", cô chia sẻ. Qua nhiều năm, những nơi này lần lượt đóng cửa.
Theo Khôi Phùng, đồng sở hữu Voi Cà Phê, những quán cà phê đầu tiên ấy, “từ năm 1990 và 2000”, “đã giúp tạo nền móng cho sự yêu thích đối với cà phê Việt Nam mà chúng tôi có thể xây dựng được ngày hôm nay”.
Cà phê nhỏ giọt qua phin trên lớp sữa đặc tại Voi Cà Phê ở Georgetown. Ảnh: Kevin Clark/Seattle Times. |
Các quán cà phê Việt Nam mới trong thành phố Seattle đang mời gọi mọi người đến thưởng thức. Mỗi quán có cách tiếp cận khác nhau nhưng trong đó đều chứa đựng sự ân cần dành cho cà phê nguyên bản.
Đối với những người không quen, đây không chỉ là nơi để thử nghiệm hương vị mới mẻ mà còn để học hỏi, như hiểu thêm về lịch sử cà phê Việt Nam.
Người Pháp đã mang cà phê và cách trồng cà phê đến Việt Nam vào thế kỷ XIX, đồng thời đưa vào sử dụng sữa đặc có đường. Chiếc cốc với đáy có chi chít lỗ, còn gọi là phin, có chức năng một phần như giấy lọc, một phần như máy ép, cũng được cho là theo chân người Pháp đến Việt Nam.
Từ đó, văn hóa cà phê ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Trên toàn thế giới, Việt Nam chỉ đứng sau Brazil về sản xuất cà phê. 95% hạt cà phê được trồng ở Việt Nam là loại cà phê Robusta.
Đúng như tên gọi của nó, loại cây này cứng cáp hơn và phát triển tốt hơn trong điều kiện khí hậu của đất nước.
Kết nối
Các quán cà phê Việt Nam mới ở Seattle có xu hướng sử dụng cả Robusta và Arabica, tùy thuộc vào loại đồ uống. Ở Hello Em, có chương trình nhập khẩu và rang cà phê, sử dụng độc quyền hạt cà phê nguyên chất.
Voi Cà Phê cũng trưng bày và bán cà phê được lựa chọn từ nhiều nhà rang cà phê ở Việt Nam khác nhau, kèm theo hướng dẫn mua hàng trực tuyến mới lạ.
"Chúng tôi muốn cho thế giới thấy cà phê Việt Nam có thể tuyệt vời như thế nào", bằng cách “làm nổi bật văn hóa cà phê Việt Nam trong phong cách đồ uống chúng tôi phục vụ, đồng thời giới thiệu nguồn gốc hạt cà phê, những người nông dân và người rang xay ở Việt Nam đã làm việc cùng nhau để tạo ra loại đồ uống này", đồng sở hữu Voi Cà Phê - Hiền Đặng - chia sẻ.
Quán cà phê có tên Phin cũng nhập khẩu tất cả hạt cà phê Việt Nam. Chủ sở hữu Bảo Nguyễn đang làm việc cùng bên điều hành mô hình quản lý chất lượng đầu cuối ở Đà Nẵng để đảm bảo nguyên liệu tươi ngon "từ nông trại đến ly cà phê" và sẽ sớm mang nó vào quán.
Phoenix Đặng, đầu bếp tại Voi Cà Phê. Ảnh: Kevin Clark/Seattle Times. |
Bảo Nguyễn gọi đó là "một phần tiếp nối câu chuyện của người nhập cư”.
Những doanh nghiệp mới này tạo ra việc làm khi họ mở rộng và tuyển dụng, sau đó sự phát triển tiếp tục diễn ra "trên và dưới chuỗi cung ứng... những người nông dân, nhà rang cà phê đều hưởng lợi từ điều này".
"Điều này lan tỏa và quay trở lại Việt Nam", Bảo Nguyễn nói. "Đó thực sự là điều thú vị".
Không chỉ đơn thuần là quán cà phê thông thường, những nơi này còn tôn vinh nét đẹp văn hóa, giúp kết nối nhiều người với mảnh đất quê hương.
Đối với Khôi Phùng của Voi Cà Phê, điều này bao gồm trang trại cà phê của ông nội anh ở Việt Nam, cùng kỷ niệm về quán cà phê trước đây của gia đình bên ngoài ngôi nhà.
Đối với Hiền Đặng, đó là ký ức về việc uống cà phê trên đùi bà ngoại và quán cà phê mà bố mẹ cô mở vào đầu những năm 2000 ở Seattle, có tên Quán Bên Lề.
Voi Cà Phê hôm nay tiếp tục di sản đó theo nhiều cách khác nhau - mẹ cô, Phoenix Đặng, là đầu bếp và là người tạo ra món bánh mì nem nướng Hà Nội tuyệt vời của cửa hàng.
“Đối với tôi, cà phê là sự kết nối của tôi với con người, mảnh đất và gia đình. Mục tiêu của tôi là tìm ra sự kết nối đó trong mọi việc chúng tôi làm tại Voi Cà Phê”, Khôi Phùng viết trên trang web.
Kết nối cũng là mục tiêu của Hello Em. Ở Việt Nam, “văn hóa cà phê rất mạnh mẽ, bạn có tìm thấy khoảng 20 quán cà phê trong một khu nhà”, cô cho biết. “Và cà phê Việt Nam rất đặc biệt… mang thức uống đó đến Seattle thực sự quan trọng và cũng thực sự thú vị”.
Vị trí của cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới
Theo sách Bản đồ thế giới cà phê của James Hoffmann, sản lượng cà phê lớn ở Việt Nam từ thập niên 1990 đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành công nghiệp cà phê toàn cầu. Sản lượng cà phê Việt Nam tăng gấp đôi trong giai đoạn 1996-2000, tác động lớn đến giá cà phê thế giới. Đến nay, Việt Nam vẫn là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới. Dù vậy, tác giả James Hoffmann cho rằng chất không đi với lượng ở thị trường tiềm năng này.