Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ca sĩ ‘Buồn của anh’ bị chê nhạc dở và hát ngọng, sao vẫn gây bão?

Với tiết tấu chậm rãi, ca từ buồn, những sáng tác của Đạt G được cho là mang hơi hướm Bolero. Nhạc của Đạt G có thể không được đánh giá cao nhưng vẫn hợp thị hiếu nhiều người.

MV Buồn của anh Ca khúc Buồn của anh do K-ICM x Đạt G x Masew trình bày.

Đạt G, trên thị trường âm nhạc, vẫn là cái tên đầy mới mẻ, có phần giống Underground khi chỉ được một bộ phận biết đến. Nhưng những sáng tác của anh lại đang "làm mưa làm gió" Vpop.

Trên trang nghe nhạc trực tuyến Zing MP3,  Đạt G là nghệ sĩ đầu tiên trong năm 2018 có 2 ca khúc đứng nhất BXH #zingchart tính theo tuần trong cùng một năm.

Buồn của anh là bản hit đứng nhất BXH tuần đầu tiên của năm 2018. Buồn của anh cũng là ca khúc Underground đầu tiên trong lịch sử nhạc Việt chạm mốc 300 triệu lượt nghe trên Zing MP3, hiện con số đã là 342 triệu.

Sau Buồn của anh, Đạt G lại tiếp tục có Buồn không em. Ca khúc đã vượt Duyên mình lỡ để đứng ở vị trí số 1 BXH #zingchart. Sau khoảng một tháng phát hành, Buồn không em đạt gần 40 triệu lượt nghe. Đạt G trở thành một trong những cái tên được chú ý nhất trên Zing MP3 hiện nay.

a anh 1
Đạt G, tác giả của nhiều ca khúc như Buồn không em, Buồn của anh.

Nhạc Bolero kiểu mới?

Đạt G không định nghĩa được chính xác thể loại âm nhạc mà mình theo đuổi, anh gọi các sáng tác của mình là "nhạc đời". Nhưng Đạt G đồng ý với nhận định của Zing.vn rằng nhạc của anh có ảnh hưởng và hơi hướm của Bolero.

Buồn của anh Buồn không em đều là ca khúc có tiết tấu chậm rãi - một trong những đặc trưng của nhạc Bolero vốn rất quen thuộc tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các ca khúc do Đạt G sáng tác đều có ca từ buồn, đây cũng là điểm tương đồng với nhạc xưa.

Đạt G đã chọn một con đường cũ trong âm nhạc, nói như một số nhạc sĩ đó là "nếp truyền thống của nhạc Việt" với mô-típ nhạc chậm và buồn. Nhạc buồn luôn có một lượng người hâm mộ đông đảo, vượt thời gian.

Đó là lý do Bolero sau nhiều năm vẫn được yêu thích, thậm chí từng bùng nổ trở lại trong khoảng 3 năm từ 2015 đến 2017.

a anh 2
Đạt G không phải dân học nhạc nên cách sáng tác và giọng hát đều bản năng và tự nhiên.

Thế nên, việc nhạc của Đạt G có lượt nghe "khủng" không gây nhiều bất ngờ. Điều bất ngờ là tại sao một người trẻ như Đạt lại chọn một lối đi cũ, thậm chí là rất cũ thay vì cập nhật những xu hướng âm nhạc hiện đại và thời thượng.

Đạt G cho biết anh yêu thích nhạc xưa, dù không hẳn mến mộ một nhạc sĩ hay ca khúc nào cụ thể nhưng nghe rất nhiều. Theo Đạt G, anh xuất thân từ gia đình lao động, có cha là người thích nghe Bolero nên sớm bị ảnh hưởng bởi thể loại nhạc này.

"Tôi thích nhạc xưa, cả ca từ lẫn giai điệu, đó là những sáng tác chẳng theo khuôn khổ nào cả nhưng chạm đến trái tim người nghe. Tôi nghĩ bây giờ ít nhạc sĩ làm được điều đó. Thế nên ngay từ khi bắt đầu sáng tác, tôi đã muốn viết những ca khúc gần gũi, không cần cao siêu, không cần ở trên trời", Đạt G bày tỏ.

Tại sao bị nhiều người chê?

Đạt G là người có tài, điều ấy không thể phủ nhận. Không học hành bài bản về âm nhạc, nhưng Đạt G là người trẻ có thể tự sáng tác, tự thể hiện, và cũng là người có thể rap được.

Công bằng mà nói, các sáng tác của Đạt G có ca từ không tệ, không phản cảm, thậm chí còn luôn luôn có câu chuyện, dù quả thực câu chuyện thường rất buồn. 

a anh 3
Tác giả 9X bị nhiều người chê bai cả về giọng hát lẫn âm nhạc.

Đạt G có "nét nhạc" rất riêng, kết hợp với một giọng hát cũng rất đặc trưng. Điều đó khiến âm nhạc của Đạt G khi cất lên, đó là của anh, khó có thể trộn lẫn.

Nhưng với nhiều người, việc một người trẻ như Đạt G lại đi theo lối cũ, với cách sáng tác quá cũ cùng những câu chuyện buồn đau bị cho là không văn minh.

Nhận định "không văn minh" còn xuất phát từ việc âm nhạc của Đạt G không có nhiều mới mẻ, sáng tạo - điều nhiều khán giả chờ đợi ở những singer/songwriter 9X.

Thực tế, Đạt G nhận thức được những hạn chế của mình. Tác giả trẻ thừa nhận âm nhạc của mình có thể không sang nhưng anh được là chính mình, được làm thứ mình thích, không phải thứ người khác thích.

"Tôi bắt đầu viết nhạc khi vẫn còn đang làm công việc lao động, chân tay. Tôi cũng không phải là người được học nhạc bài bản. Bây giờ, tôi mới đang học, và đang tự học rất nhiều để hoàn thiện mình", Đạt G nhấn mạnh.

Về giọng hát, Đạt G cũng thừa nhận bản thân không học thanh nhạc trường lớp. Giọng hát hoàn toàn là tự nhiên và bản năng. Khi bị nhiều người chê hát ngọng, anh cũng đã tìm hiểu.

Và sau đó, Đạt G nhận được câu trả lời từ chính người có chuyên môn, rằng đó là cách phát âm riêng, có yếu tố địa phương, cần cải thiện để tốt hơn, nhưng không nên thay đổi hoàn toàn.

Có phải âm nhạc "thời vụ"?

Khi được đề nghị bình luận về trường hợp Đạt G với ca khúc Buồn của anh Buồn không em, một nhạc sĩ có tiếng cho biết đó chỉ là âm nhạc thời vụ. "Thời vụ" ở đây được hiểu là chỉ được yêu thích nhất thời, khó có sức sống bền bỉ.

Đạt G có thể coi là một thành viên của cộng đồng Undergound/Indie, tự sáng tác, tự thể hiện, có thể tự làm nhạc. Nhưng khác với nhiều gương mặt Indie khác, âm nhạc của Đạt G lại không được giới chuyên môn đánh giá cao, thậm chí nhiều khán giả cũng nhận xét nhạc của Đạt G khá bình thường.

"Tôi bắt đầu viết nhạc khi vẫn còn đang làm công việc lao động, chân tay. Tôi cũng không phải là người được học nhạc bài bản. Bây giờ, tôi mới đang học, và đang tự học rất nhiều để hoàn thiện mình".

Đạt G.

Buồn của anh, Buồn không em hay một vài ca khúc khác do Đạt G sáng tác như Đừng quên tên anh, ca từ đều dễ hiểu, cấu trúc ca khúc đơn giản, dễ hát dễ thuộc gần như không có đòi hỏi gì đáng kể về kỹ thuật. Chất liệu sáng tác, đến cách hòa âm - phối khí cũng giản đơn, không cầu kỳ, kỹ lưỡng, thậm chí còn có ý kiến cho rằng "hơi chợ".

Khi giải mã Đạt G, có ý kiến cho rằng sở dĩ anh có thể gây chú ý trong năm 2018 xuất phát từ việc đầu năm đến nay thị trường âm nhạc khá ảm đạm, không có nhiều ca khúc mới, sản phẩm của một số ngôi sao cũng không "đình đám" được như kỳ vọng.

Trong bối cảnh gần như không có nhiều thứ để nghe, Đạt G bất ngờ được khán giả chọn lựa và yêu thích. Ý kiến này có vẻ chủ quan nhưng không phải là không có lý. Bởi lẽ, yếu tố "thiên thời - địa lợi" từ lâu vẫn luôn có những ảnh hưởng mang tính quyết định trên thị trường âm nhạc.

Có thể thấy, có nhiều yếu tố để Đạt G đạt được những thành tích mà chính anh cũng còn đang bất ngờ. Nhưng những sáng tác đó có phải "thời vụ" hay không thì rất cần những quan sát dài hơi và kỹ lưỡng hơn.

a anh 4
Đạt G cho biết anh không hướng nhạc mình thành "nhạc sang", thay vào đó, muốn viết nhạc gần gũi với số đông người nghe.

Nhạc Việt từng chứng kiến không ít trường hợp nổi lên như "hiện tượng" với những ca khúc có lượt nghe ngất ngưởng, MV có lượt xem "khủng" nhưng sớm bị lãng quên. Đó cũng là bi kịch của những "hiện tượng" không sự đầu tư, làm mới, trau dồi và nâng cao chất lượng của chính mình.

Đạt G có lẽ cũng sẽ không phải là một trường hợp ngoại lệ. Buồn không em, dù vẫn đứng đầu BXH #zingchart nhưng rõ ràng đã không thể "hot" như Buồn của anh trước đó.

Đạt G có lẽ biết điều ấy. Vì thế đó là lý do, như anh tâm sự, anh đang phải học và tự học, rất nhiều, để nâng cao và bồi đắp kiến thức, trước hết là về âm nhạc cho bản thân.

Ca sĩ ‘Buồn của anh’: Tôi không hát ngọng, đó là phát âm kiểu Sài Gòn

Sở hữu bản hit "Buồn của anh" nhưng Đạt G vẫn là tên tuổi mới trong thị trường âm nhạc Việt Nam. Bị chê hát ngọng nhưng anh khẳng định đó đơn thuần là kiểu phát âm Sài Gòn.

Nhạc trưởng Lê Phi Phi khóc khi nhắc đến nhạc sĩ Hoàng Vân vừa qua đời

Khi nhắc đến người cha vừa qua đời của mình là nhạc sĩ Hoàng Vân, nhạc trưởng Lê Phi Phi đã rơi nước mắt vì không giấu được sự xúc động.




Quang Đức

Bạn có thể quan tâm