Top Star News đưa tin ngày 23/9 việc nhóm nhạc mới của PNation có thành viên 12 tuổi là Tanaka Koki gây tranh cãi. Công chúng cho rằng Koki quá nhỏ tuổi. Chưa kể độ tuổi của Koki cũng chênh lệch so với các thành viên trong nhóm.
Khán giả đặt câu hỏi với một thành viên quá nhỏ tuổi, nhóm nhạc của PNation liệu có hát các ca khúc về tình yêu hay theo đuổi hình tượng trưởng thành, sexy?
Điều công chúng lo lắng nhất là áp lực của ngành công nghiệp giải trí có thể tác động và ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe tinh thần cũng như thể chất của Koki.
Thương mại hóa trẻ em?
Theo The Korea Times, Kpop đang phát triển nhanh chóng và cứ vài tháng lại có những nhóm mới được thành lập. Ở đó, các thần tượng bắt đầu đào tạo từ khi còn là học sinh trung học, thậm chí tiểu học. Đây là điều bình thường với Kpop. Tuy nhiên, việc ra mắt khi còn quá nhỏ lại là điều đáng lo ngại.
Trước đó, công ty Retune Music ra mắt một số nhóm nhạc gồm các thành viên từ 7 đến 13 tuổi. Các nhóm trực thuộc công ty này có tên gọi tương đối giống nhau như Re:Kids Angel, Re:Kids Bloom, Re:Kids Treasure, Re:Kids Glory, Re:Kids Hero và Re: Kids Crystal.
Koki ra mắt ở tuổi 12. Ảnh: PNation. |
Trong đó, Re:Kids Glory ra mắt vào ngày 30/7 với bài hát Don't Forget. Nhóm gồm 5 thành viên: Noah, Taehyeong, Jiwoo, Yeonje và Jinwoo. Theo thông tin do công ty đăng tải, thành viên Kwak Jinwoo mới 7 tuổi.
Dưới MV của nhóm, hầu hết bình luận của khán giả xoay quanh việc thành viên trong nhóm quá nhỏ tuổi. Họ cho rằng việc trẻ em phải làm việc quá sớm để kiếm tiền cho người giám hộ là điều đáng trách.
“Các em hát hay so với lứa tuổi và không nghi ngờ gì nữa, các bé rất tài năng. Nhưng không phải họ còn quá trẻ để ra mắt sao?”, "Họ sẽ phải trải qua tất cả khó khăn để trở thành một thần tượng Kpop và đánh đổi bằng tuổi thơ", "Họ thật đáng yêu nhưng ngành công nghiệp Kpop này rất khó khăn. Hãy để họ được sống như những đứa trẻ", The Korea Times trích dẫn bình luận của khán giả.
Năm 2020, các nhóm thần tượng nhí (độ tuổi 9-14) như Little Cheer Girl hay Vitamin cũng gây tranh luận. Họ mặc trang phục và trang điểm cầu kỳ, thực hiện các bài nhảy tuy ít mạnh mẽ hơn nhưng vẫn được trau chuốt. Chủ đề các bài hát của nhóm chủ yếu xoay quanh nỗi niềm thời thơ ấu và sự căng thẳng do học hành.
“Khoảng 300-500 trẻ em ở Hàn Quốc đã đăng ký tham gia buổi thử giọng để trở thành thành viên mới của Little Cheer Girl", Kim Tai Bum, giám đốc điều hành của Rainbow Company nói với The Korea Times. Kim khẳng định mục đích thành lập nhóm là giúp những người trẻ tuổi vượt qua thử thách và đạt được ước mơ.
The Korea Times chỉ ra việc trở thành thần tượng Kpop đòi hỏi trách nhiệm lớn lao và đây đang là một trong những công việc được săn đón trên toàn cầu. Đồng nghĩa, công chúng càng đặt ra tiêu chuẩn cao hơn cho các thần tượng khi giờ đây họ trở thành bộ mặt của Kpop trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh vấn đề áp lực trước kỳ vọng của công chúng, The Korea Times còn đặt ra câu chuyện khác trong việc khai thác thần tượng nhỏ tuổi, đó chính là nạn quấy rối tình dục, ấu dâm vốn đã gây xôn xao nhiều năm ở giới giải trí. Theo The Korea Times, việc thực tập sinh nhỏ tuổi bị ông chủ ép buộc, lợi dụng để thực hiện các hành viên quấy rối tình dục không còn xa lạ ở giới giải trí Hàn Quốc.
Nhóm nhạc Little Cheer Girl trang điểm đậm. Ảnh: Rainbow Company. |
Trước vấn đề trên, ông Kim trả lời The Korea Times: "So với các quốc gia khác, Hàn Quốc có xu hướng ít chú ý các vấn đề liên quan đến thương mại hóa trẻ em. Một số lợi dụng điều này để hợp lý hóa hành vi tình dục không đúng đắn của họ đối với trẻ nhỏ".
Yêu cầu chế độ giáo dục phù hợp
The Korea Times chỉ ra nhu cầu tư vấn tâm lý và giáo dục của các ngôi sao trẻ cũng là điểm nóng. Công ty Rainbow tổ chức buổi tư vấn thường xuyên cho các thành viên và phụ huynh của họ để duy trì sự cân bằng giữa trường học, gia đình và cuộc sống thần tượng.
Các buổi tư vấn tập trung vào sức khỏe tinh thần, con đường sự nghiệp tương lai cùng các vấn đề khác. Giám đốc điều hành của Rainbow cũng tuyên bố công ty chỉ yêu cầu thần tượng nhí tham gia lớp học vũ đạo và thanh nhạc hai lần một tuần.
Họ đảm bảo lên lịch biểu diễn cho các nhóm nhạc chủ yếu vào cuối tuần để không làm gián đoạn cuộc sống, thời gian học văn hóa. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa làm giảm bớt lo lắng của công chúng.
Kwon Mi Yeon, một chuyên viên làm việc tại công ty tiếp thị, cho biết: "Các thần tượng nhí đang phải đào tạo và biểu diễn vào thời điểm quan trọng để phát triển các kỹ năng xã hội, bản sắc cá nhân. Họ phải chịu đựng lịch trình tương đối dày đặc và những bình luận độc hại trên mạng. Họ sẽ dễ bị căng thẳng khi còn trẻ như vậy".
Em út trong nhóm Vitamin hiện 11 tuổi. |
Kwak Keum Joo, giáo sư tâm lý học tại Đại học Quốc gia Seoul đồng tình. Ông chỉ ra ngay cả những thần tượng Kpop lớn tuổi cũng thường bị căng thẳng về tâm lý. Họ thiếu thời gian và cơ hội nhận được sự giáo dục để trưởng thành vì phải tập luyện, biểu diễn khi quá nhỏ.
Tuy nhiên, nhu cầu về thần tượng nhí được dự đoán tăng lên vì số lượng người mong muốn trở thành ngôi sao từ khi còn nhỏ ngày càng tăng, đặc biệt sau khi Kpop nổi tiếng trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, nếu bắt đầu sự nghiệp quá sớm, trẻ em có thể dễ bị lợi dụng bởi người lớn. Những người này thường ưu tiên lợi nhuận hơn phúc lợi của trẻ em. Vì vậy, chuyên gia khuyên bạn trẻ không nên gác lại việc học để bước chân vào ngành giải trí quá sớm.
Kyujin là một trong 4 thành viên đã được tiết lộ của nhóm nữ mới đến từ JYP Entertainment. Cô hiện 15 tuổi. |