Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ca sĩ thất nghiệp, nghèo túng vì dịch Covid-19

Covid-19 bùng phát khiến hàng loạt nhóm nhạc Hàn Quốc tan rã. Theo The Korea Times, Kpop đã chịu ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh.

BTS vừa thu về ít nhất 80 tỷ won nhờ fan meeting BTS 2021 Muster Sowoozoo diễn ra trong 2 ngày 13-14/6. ITZY - nhóm nhạc nữ của JYP - cũng thiết lập kỷ lục mới và đạt doanh thu lớn với 200.130 bản album bán ra trong tuần đầu tiên. Tuy nhiên, những nhóm thành công như BTS hay ITZY chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong thị trường âm nhạc Hàn Quốc.

Bất chấp thành công chung trên toàn cầu của Kpop, một số công ty giải trí và ca sĩ, nhóm nhạc thần tượng đã không thể tránh khỏi những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Thời gian qua, công chúng chứng kiến hàng loạt nhóm nhạc tuyên bố tan rã, công ty giải trí đóng cửa vì gặp khó khăn tài chính.

Công việc vốn bấp bênh càng thêm khó khăn vì dịch bệnh

Nền giải trí Hàn Quốc tiếp tục nở rộ trong vài năm trở lại đây. Một trong những người chơi lớn trong đó là Kpop. Nó đã trở thành ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD. Tuy nhiên, dịch Covid-19 khiến các chương trình âm nhạc không thể diễn ra đã đặt Kpop đứng trước những sóng gió. Và ca sĩ, nhóm nhạc đến từ công ty nhỏ, không có tiềm lực tài chính chính là những người đầu tiên phải hứng chịu sóng gió ấy.

Thực tế Kpop nhìn thì hào nhoáng nhưng không hề dễ tồn tại và càng khó để trở nên nổi tiếng, giàu có. Từ khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, rất nhiều ca sĩ, nhóm nhạc đã chia sẻ việc họ không có thu nhập từ việc đi hát.

Khi tham gia một chương trình năm 2019, Solbin (thành viên nhóm Laboum) chia sẻ ý nghĩ tìm việc làm thêm để có thu nhập trang trải cuộc sống. Trước đó, nhóm nhạc 2AM, IN2IT, Fiestar… hoạt động nhiều năm nhưng không được trả lương.

Kpop bi anh huong vi Covid-19 anh 1

Nhóm nhạc ANS tan rã.

Tuy nhiên, khi mọi hoạt động giới giải trí gần như đóng băng vì dịch Covid-19, công việc của họ càng khó khăn, khắc nghiệt hơn và vì thế thời gian chống trọi để tồn tại được với ngành nghề này cũng càng ngắn ngủi hơn so với trước đây.

Trước khi tuyên bố tan rã vào tháng 8/2020 vì vấn đề nội bộ và ảnh hưởng của dịch bệnh, Haena - thành viên nhóm nhạc tân binh ANS - cho biết công ty của cô là ANS Entertainment phải sa thải hầu hết nhân viên vào tháng 3 vì không đủ tiền chi trả. Các thành viên của ANS vì thế không có quản lý. Đến 14/6, công ty của ANS cũng phải rời khỏi trụ sở.

Haena kể cô và các thành viên phải chuyển ký túc xá từ Sinsa-dong (Seoul) đến Gimpo. Kể từ đó, ANS không có phòng tập, không có người quản lý, các thành viên tự cập nhập lịch trình, thậm chí tự phụ trách trang web dành cho người hâm mộ.

"Chúng tôi chỉ có một chiếc xe nên một số thành viên đã phải đi taxi. Đó là lý do rất nhiều vấn đề xảy ra trong buổi gặp mặt fan vào ngày 20/6/2020. Nếu không có sự giúp đỡ của các nhân viên cũ, sự kiện hoàn toàn sụp đổ”, Heana kể.

“Thật xấu hổ vì phải thừa nhận điều này, chúng tôi chưa được học về thanh nhạc và vũ đạo. Những gì chúng tôi từng nhận được là khoảng 10.000 won (8 USD) mỗi ngày cho mỗi thành viên. Vào cuối tuần, chúng tôi thậm chí không nhận được số tiền đó”, nữ ca sĩ cho biết.

Theo thần tượng, cô và các thành viên trong nhóm ANS đã yêu cầu được học thanh nhạc, vũ đạo nhưng công ty quản lý từ chối vì không có tiền.

“Chúng tôi cố gắng hiểu, vì mọi thứ đang khó khăn do đại dịch. Nhưng sự bỏ bê đã quá nghiêm trọng và chúng tôi không thể ngồi đợi lâu hơn nữa. Chúng tôi cũng không muốn lãng phí thời gian của mình”, Heana giải thích lý do ANS đột ngột tan rã chỉ sau 11 tháng ra mắt.

Kpop bi anh huong vi Covid-19 anh 2

Nổi tiếng thời gian qua nhưng Brave Girls chưa được trả lương.

Brave Girls là hiện tượng âm nhạc từ đầu năm tới nay. Họ phủ sóng phương tiện truyền thông và đứng đầu bảng xếp hạng âm nhạc Melon suốt thời gian dài. Tuy nhiên, thành công đến khá muộn lại đúng thời điểm dịch bệnh nên chưa thể giúp các thành viên có được thu nhập lớn mà đáng ra họ có được với sự nổi tiếng hiện tại.

Trong chương trình radio MBC FM4U lên sóng ngày 23/6, Min Young - thành viên nhóm Brave Girls - chia sẻ đến tháng 7 cô mới nhận được khoản lương đầu tiên sau nhiều năm hoạt động. Thời gian qua, các thành viên chỉ nhận được tiền chi tiêu hàng ngày từ công ty quản lý.

"Gần đây chúng tôi đã nhận được tiền chi tiêu từ chủ tịch của công ty. Ông ấy đưa tiền cho chúng tôi và nói hãy sử dụng nó cho bất cứ việc gì khi chuyển đến ký túc xá mới. Mẹ tôi đã khóc khi tôi đưa khoản tiền đó cho bà ấy", nữ ca sĩ chia sẻ.

Hàng loạt nhóm nhạc tan rã

Theo The Korea Times, hàng chục nhóm nhạc Hàn Quốc đã tan rã trong năm 2020 và 2021 vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Hầu hết trong số họ mới ra mắt vào năm 2018-2019 và có kế hoạch trở lại vào năm 2020 nhưng bị trì hoãn vì dịch bệnh.

Giữa tháng 5, Top Star News đưa tin nhóm nhạc Berry Good tan rã sau 6 năm hoạt động. Công ty quản lý JTG Entertainment thông báo một trong những lý do khiến nhóm dừng hoạt động là thị trường khó khăn vì đại dịch Covid-19.

Tháng 8/2020, nhóm nhạc NeonPunch tuyên bố đường ai nấy đi với lý do tương tự. Công ty của NeonPunch thông báo: “A100 và các thành viên của NeonPunch đã làm việc chăm chỉ với mục tiêu comeback vào tháng 5/2019. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế ngày càng tồi tệ của công ty, cũng như việc tạm dừng hoạt động của 2 thành viên nên kế hoạch đó tiếp tục bị trì hoãn.

Có nhiều yếu tố, bao gồm đại dịch Covid-19 khiến chúng tôi đi đến kết luận rất khó để duy trì nhóm nhạc nữ NeonPunch. Vì thế, chúng tôi quyết định để nhóm chính thức tan rã”.

Hinapia ra mắt vào cuối năm 2019 với album đầu tiên New Start. Nhóm khá nổi tiếng vì có các thành viên cũ của Pristin. Ca khúc chủ đề của nhóm là Drip thậm chí lọt vào một số bảng xếp hạng âm nhạc. Hinapia dự định phát hành album thứ 2 vào năm 2020.

Tuy nhiên, Hinapia cũng không tránh khỏi cái kết buồn sau chưa đầy một năm bên nhau vì những vướng mắc về tài chính của công ty quản lý OSR Entertainment.

Kpop bi anh huong vi Covid-19 anh 3

Hinapia hoạt động chưa đầy một năm.

Cũng trong tháng 8/2020, nhóm nhạc Moonlight Girls tuyên bố tan rã. Họ thậm chí phải từ bỏ giấc mơ ngay khi chưa ra mắt. Các cô gái cho biết họ đã tập luyện chăm chỉ và rất háo hức với màn ra mắt cùng cơ hội được đứng trên sân khấu. Tuy nhiên, họ phải từ bỏ điều đó vì nhiều lý do khác nhau, bao gồm dịch bệnh.

Các nhóm nhạc Kpop khác cũng đã tan rã trong bối cảnh khủng hoảng, chẳng hạn SPECTRUM, Yellow Bee, TREI, WhiteDay, KHAN, MASC.

Theo The Korea Times, thời gian qua, hầu hết sự kiện âm nhạc Hàn Quốc đều được tổ chức dưới dạng trực tuyến do đại dịch Covid-19 kéo dài. Tuy nhiên, chỉ số ít nhóm nhạc nổi tiếng như BTS, TWICE, NCT, BlackPink… thực hiện được những đêm nhạc như vậy. Bởi vậy, không chỉ nghệ sĩ mà cả nhân viên giải trí cũng rơi vào tình cảnh mất việc làm.

Tuy nhiên, theo thông tin đăng trên The Korea Times ngày 23/6, chính phủ Hàn Quốc cho phép tổ chức sự kiện thể thao và giải trí tối đa 4.000 người tham dự từ ngày 14/6. Bởi vậy, các công ty giải trí và đơn vị sản xuất đang chuẩn bị đưa những sự kiện biểu diễn trực tiếp trở lại.

Theo The Korea Times, việc chính phủ Hàn Quốc nới lỏng các quy định về giãn cách xã hội có thể xem như bước đột phá lớn đối với ngành công nghiệp Kpop vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu. Đây cũng là quyết định có thể cứu sống những ca sĩ, nhóm nhạc đến từ công ty vừa và nhỏ.

Nữ diễn viên tiêu tan 19 năm sự nghiệp vì cáo buộc bán dâm

Han Ye Seul đau đớn khi phải sống như kẻ tội phạm, chịu sự dị nghị đến suốt cuộc đời. Cô tuyên bố kiện Kim Yong Ho vì tung tin sai sự thật.

Minh Hạo

Bạn có thể quan tâm