Dù rửa tay giúp ngăn chặn mắc Covid-19, nó vẫn gây ra nhiều tác hại cho da. Ảnh: Banner Health. |
Một nghiên cứu mới đây được thực hiện tại Na Uy cho thấy việc rửa tay và vệ sinh thường xuyên đã khiến tình trạng da tay của 4/10 nhân viên y tế trở nên nghiêm trọng hơn.
Theo đó, khi virus corona tấn công Na Uy, việc kiểm soát lây nhiễm được quan tâm hàng đầu, nhất là đối với các nhân viên tại văn phòng bác sĩ và bệnh viện. Họ không chỉ rửa tay và sát trùng liên tục, mà còn phải đeo găng tay cũng như khẩu trang trong phần lớn thời gian làm việc.
Kết quả là vài người trong số họ đã gặp phải những triệu chứng như da tay đỏ, nứt; khô, bong tróc; mụn trứng cá và chàm trên mặt.
"Chúng tôi nhận thấy mối liên hệ giữa việc tăng cường sử dụng các biện pháp vệ sinh tay và triệu chứng bệnh chàm trên tay. Việc sử dụng nhiều khẩu trang hoặc thiết bị bảo vệ đường hô hấp cũng làm tăng nguy cơ mắc các triệu chứng về da trên mặt", bà Kaja Irgens-Hansen - phó giáo sư tại Đại học Bergen, bác sĩ cao cấp tại khoa Y học Nghề nghiệp, Bệnh viện Đại học Haukeland - nói.
Bà Kaja Irgens-Hansen cho biết ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, nhân viên y tế cũng bị rối loạn da nhiều hơn những người khác. Một trong những lý do chính là họ tiếp xúc với độ ẩm cao, khiến thời gian tay ướt trở nên nhiều hơn, từ đó dễ bị mắc bệnh chàm.
Rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang cũng gây ra các vấn đề về da
Theo khảo sát của bà Irgens-Hansen, trong đại dịch Covid-19, số người rửa tay đã tăng hơn 20 lần/ngày, khử trùng tay hơn 50 lần/ngày và sử dụng kem dưỡng ẩm đã tăng gấp đôi so với trước.
Tất cả việc rửa và làm sạch tay đã khiến 42% số người tham gia khảo sát mắc các triệu chứng bệnh về da trên bàn tay, cổ tay và cẳng tay. Trong đó, những người trẻ tuổi nhất đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Kết quả này được bà cùng các đồng nghiệp thu thập từ 602 nhân viên tại bệnh viện và trung tâm y tế ở khu vực Bergen (Na Uy).
Bên cạnh đó, trong số những người đã mắc bệnh ngoài da trước đại dịch, gần 3/4 cũng ghi nhận các triệu chứng của họ trở nên tồi tệ hơn khi phải đeo khẩu trang.
Những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là người bị nổi mụn, người có vết thương hở và bệnh chàm. Hơn 1/3 số người được hỏi còn cho biết các vấn đề về da xuất hiện nhiều trên khuôn mặt của họ.
Đeo khẩu trang thường xuyên cũng ảnh hưởng đến tình trạng da của nhiều người. Ảnh: Sharp HealthCare. |
Không phải chỉ nhân viên y tế mới bị ảnh hưởng
Phó giáo sư Kaja Irgens-Hansen cho rằng những tình trạng da này ảnh hưởng đến hầu hết mọi người chứ không chỉ riêng nhân viên y tế. Bất kể ngành nghề nào cũng đều quan tâm hơn đến việc vệ sinh tay trong đại dịch Covid-19.
"Nghiên cứu cho thấy những người dọn dẹp và nhân viên trong nhà trẻ của bệnh viện cũng có các triệu chứng bệnh chàm trên tay. Giống như nhân viên y tế, đây là những nhóm nghề nghiệp tiếp xúc nhiều với độ ẩm. Do đó, điểm chung là có sự gia tăng các triệu chứng của tình trạng da tay trong dân số thời kỳ đại dịch", bà Irgens-Hansen nói.
Ông Karl-Christian Nordby - Giám đốc ban Môi trường Lao động tại Viện Sức khỏe Nghề nghiệp Quốc gia Na Uy, cho rằng "ai cũng biết việc sử dụng xà phòng và nước sẽ gây ra một số vấn đề về da".
"Chúng ta càng giữ cho làn da sạch sẽ, chúng ta càng dễ bị chàm và khô da. Khi rửa sạch da bằng xà phòng và nước, bạn sẽ nhận được một loại chất tẩy nhờn. Nó làm cho quá trình thẩm thấu biến mất và nhiều chất sẽ dễ xâm nhập vào mô dưới da hơn", ông Nordby lý giải.
Bên cạnh đó, theo ông Nordby, thợ làm tóc và người dọn dẹp cũng là những đối tượng có nhiều công việc liên quan đến sự ẩm ướt, dễ gặp các vấn đề về da.
"Ngày nay, rất nhiều việc nhà được làm bằng cây lau nhà khô. Nó được xử lý tĩnh điện để hút bụi. Tuy nhiên, trong thời kỳ đại dịch, đã có rất nhiều hoạt động 'giặt giũ lây nhiễm'. Vì vậy để khử trùng và loại bỏ vi khuẩn, xà phòng với nước là hai yếu tố rất cần thiết", ông Nordby chia sẻ.
Bạn có thể nghe thấy mọi người dùng lẫn lộn hai từ nước ép và sinh tố, nhưng chúng không phải là một. Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu đến độc giả cuốn sách Smoothie: Giải pháp từ thiên nhiên giúp giảm cân, thải độc, phòng bệnh, sống lâu.
Ở cuốn sách này, tác giả Farnoosh Brock sẽ chỉ ra sự khác biệt cơ bản giữa nước ép và sinh tố. Đồng thời, bạn đọc cũng được cung cấp thêm nhiều kiến thức thú vị về hai loại thức uống quen thuộc này.