Cầu Nhật Tân sáng mùng 1 Tết
Cùng với các cây cầu Thăng Long, Long Biên, Chương Dương, Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Đông Trù, cầu Nhật Tân là một trong 7 cây cầu huyết mạch của Hà Nội. Đây là cây cầu thép dây văng lớn nhất Việt Nam, được coi như một biểu tượng của Hà Nội những năm gần đây. Cầu Nhật Tân có tổng chiều dài 9,17 km, trong đó phần cầu chính là 3,9 km (đoạn cầu vượt sông Hồng chiếm 1,5 km) và phần cầu dẫn dài 5,27 km. Cầu này nối huyện Đông Anh (bên kia sông) với quận Tây Hồ (bên này sông), có điểm đầu từ phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, điểm cuối là xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh. Vào buổi sáng sớm, đi qua cầu Nhật Tân, người đi đường được cảm nhận một vẻ đẹp thơ mộng, nhất là vào ngày Hà Nội có nhiều sương mù bao phủ. Sáng mùng 1 Tết, đường Võ Chí Công và cầu Nhật Tân vắng bóng người và xe qua lại, tạo nên một nét khác lạ.
Cầu Long Biên ngày đầu năm Kỷ Hợi
Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng, nối hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên của Hà Nội, do Pháp xây dựng. Cây cầu từng là nơi đi lại, giao thương giữa hai quận này. Sau khi có cầu Chương Dương, cầu Long Biên chỉ dành cho đường sắt, đường xe thô sơ và đường bộ. Sáng mùng 2 Tết, cây cầu này hiện lên như một bức tranh, rất ít người qua lại trong khoảng thời gian từ 5-8h.
Cầu Vĩnh Tuy ngày mùng 2 Tết
Khởi công năm 2005 và khánh thành vào năm 2009, cầu Vĩnh Tuy bắc qua sông Hồng được coi là công trình lớn nhất xây dựng hoàn toàn bằng nội lực của ngành xây dựng cầu Việt Nam khi ấy. Cầu là một trong những công trình hiện đại tạo dấu ấn cho phát triển giao thông đô thị Hà Nội. Cầu Vĩnh Tuy có chiều dài tuyến chính gồm cầu vượt sông và đường 2 đầu cầu khoảng 5,8 km. Trong đó, chiều dài cầu vượt sông Hồng lên tới 3,7 km, chiều dài cầu vượt QL5 khoảng 364 m, chiều rộng là 38 m.