Ngày nay, các kỳ nghỉ không chỉ là thời gian để thư giãn mà còn trở thành cơ hội để cư xử tồi tệ.
Lấy trường hợp của nhóm khách gần đây bị bắt vì quấy rối một đàn cá heo ở vùng biển ngoài khơi Big Island của Hawaii (Mỹ), đe dọa những sinh vật này khi chúng cố gắng bơi đi.
Một nữ du khách khác đã tự quay phim mình chạm vào con hải cẩu thầy tu đang có nguy cơ tuyệt chủng tại đây. Sau đó, cô bị phạt 500 USD vì sự thiếu hiểu biết.
Không chỉ nơi được mệnh danh là "viên ngọc của Thái Bình Dương", nhiều điểm đến cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi hành vi xấu xí của khách du lịch, theo New York Post.
Hàng loạt hành vi thiếu ý thức
Đầu tháng 4/2023, Martia Daniell (đến từ Australia) đã bị trục xuất vì không đội mũ bảo hiểm khi chạy xe máy trên tuyến đường đông đúc tại thiên đường Bali (Indonesia).
Đoạn băng ghi lại cảnh cô tranh cãi dữ dội với cảnh sát và gào hết: “Không phải lỗi của tôi!” được lan truyền mạnh mẽ trên mạng.
Nhiều người Nga chọn "hòn đảo của các vị thần" để tránh chiến sự bị bắt quả tang quan hệ tình dục trên những bãi biển hoang sơ và chụp ảnh khỏa thân ở nơi công cộng.
Điều này khiến cư dân địa phương khá bất mãn, cộng với việc những người này tranh giành chỗ làm với họ mà không hề có thị thực lao động hợp pháp.
Tháng 12/2022, Quốc hội Indonesia đã thông qua luật hình sự mới có quy định cấm quan hệ tình dục ngoài hôn nhân với mức phạt tù tối đa một năm. Luật này được áp dụng cho cả công dân Indonesia và người nước ngoài, Reuters đưa tin.
Tháng 4/2023, Yuri Chilikin, du khách người Nga, đã bị đuổi khỏi Bali sau khi bức ảnh bán khỏa thân của anh được chụp trên đỉnh một hòn đảo linh thiêng trở nên phổ biến.
Hàng loạt vi phạm của khách du lịch được ghi nhận khắp nơi trên thế giới. Ảnh: CNN. |
Những hành động thô lỗ, thiếu chừng mực không chỉ giới hạn ở các hòn đảo mà còn xuất hiện tại nhiều quốc gia khác.
Ở Italy, hai người Mỹ đã bị phạt vì lái xe tay ga điện trong tình trạng say xỉn xuống bậc thang Tây Ban Nha (Spanish Steps) của Rome, gây thiệt hại gần 30.000 USD cho công trình 300 năm tuổi.
Thị trưởng Venice Luigi Brugnaro vừa tuyên bố sẽ cấp “giấy chứng nhận ngu ngốc” cho thanh niên đã nhảy từ một tòa nhà cao tầng xuống con kênh của thành phố.
Tháng 5/2022, một hành khách của hãng hàng không United Airlines đã bị bắt vì mở cửa thoát hiểm và đi bộ trên cánh máy bay đang di chuyển sau khi nó đáp xuống sân bay quốc tế O'Hare (Chicago, Mỹ).
Cuối tháng 8 năm ngoái, trên chuyến bay chuẩn bị cất cánh đến Cabo San Lucas (Mexico), phi công hãng Southwest Airlines dọa quay đầu máy bay và gọi an ninh can thiệp nếu hành khách không ngừng phát tán ảnh khoả thân thông qua tính năng AirDrop.
Vụ việc được một người khác ghi lại và đăng tải lên mạng, thu hút hơn 2 triệu lượt xem.
Thiếu kiểm soát
Câu hỏi được đặt ra là: tại sao một số du khách lại “quên” mang theo những phép lịch sự thông thường trong các chuyến đi?
Tiến sĩ Michael Brein, nhà tâm lý xã hội học, chuyên nghiên cứu về du lịch và giao tiếp liên văn hóa, cho biết điều đó phụ thuộc vào cách con người điều khiển tâm trí.
“Chúng ta có tâm lý thử nghiệm nhiều hơn khi có ít ràng buộc hơn, dù là về mặt văn hóa, xã hội hay hành vi. Tôi gọi đó là hiện tượng ‘kỳ nghỉ xuân’. Khi ở nhà, bạn phải sống quy củ thì đi du lịch là lúc được tự do. Càng có nhiều tự do thì người khác càng ít kiểm soát bạn hơn”, ông Brein nói.
Tiến sĩ tâm lý nói thêm sự thiếu trách nhiệm đó sẽ phức tạp hơn bởi trên thực tế, du khách cảm thấy ít có khả năng bị bắt hoặc nhận dạng vì họ đang ở giữa những người xa lạ.
Thêm vào đó là cảm giác ẩn danh do việc đeo khẩu trang trong nhiều tháng khiến sự kết nối giữa con người với thế giới trở nên xa cách.
“Mọi người có thể làm bất cứ điều gì họ muốn trong thời kỳ Covid-19, bởi họ vẫn nghĩ rằng mình có thể làm được”, Eric Jones, người điều hành trang tin tức du lịch The Vacationer, nhận xét.
Peter Tarlow, một chuyên gia về khách sạn và là người đồng sáng lập dự án Safer Tourism, cũng đồng ý với quan điểm trên.
Không ít nơi treo bảng thông báo cấm du khách đến thăm để tránh ồn ào, phiền phức. Ảnh: The Guardian. |
Theo cách anh nhìn nhận, nó tương đương với việc trêu đùa ngoài đời thực từ một tài khoản Twitter ẩn danh.
“Bạn sẽ không bao giờ gặp lại những người lạ. Họ không biết tên bạn, vì vậy bạn có thể cư xử thô lỗ”, anh nói về suy nghĩ của một số khách du lịch.
Tarlow cho rằng sự ồn ào trong các khu nghỉ dưỡng cũng là một ví dụ khác về "đại dịch PTSD" - chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương.
Khi du lịch mở cửa trở lại sau thời gian bị Covid-19 kìm kẹp, nhiều người có xu hướng quên đi những điều tốt đẹp và phải đối mặt với những hành trình căng thẳng. Chẳng hạn, sự chậm trễ, hủy chuyến tại các hãng hàng không hoặc giá vé tốn kém hơn bao giờ hết.
Theo Chỉ số giá tiêu dùng, một chuyến bay vào tháng 1/2023 đắt hơn trung bình 25,6% so với cùng hành trình chỉ 12 tháng trước đó.
Đồng thời, với tình trạng thiếu nhân viên ở mức báo động, một số nhà điều hành đang cắt giảm các đặc quyền cho hành khách như bữa tối và đồ uống.
Hành động thô lỗ của những người Anh say xỉn ở Amsterdam (Hà Lan) đã trở nên tồi tệ đến mức chính quyền địa phương đã phát động một chiến dịch tiếp thị nhằm ngăn chặn nhóm thanh niên phiền phức.
Bali không chỉ bắt đầu trục xuất những ai phạm tội mà còn đang tìm cách thắt chặt các yêu cầu về thị thực đối với du khách Nga.
Năm 2024, giới chức Italy sẽ áp dụng thuế dành cho du khách ở Venice, nhằm chống lại tình trạng du lịch quá mức.
Trong khi đó, ở Hawaii, các nhà chức trách đang cân nhắc tính phí một số địa điểm để bảo tồn cảnh quan và hệ sinh thái tự nhiên.
Gen Z quan tâm đến thế giới nội tâm nhiều hơn trước
Nguyễn Đoàn Minh Thư, tác giả của cuốn sách Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều là một người trẻ, một Gen Z sinh năm 2000. Cô tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Tâm lý tại Đại học East Anglia và hiện làm thực tập sinh tư vấn tâm lý cho Bộ Y tế Anh (National Health Service). Nói với Zing, Minh Thư cho biết câu chuyện được viết từ chính trải nghiệm của cô và nhấn mạnh mỗi người chỉ có thể cảm thấy hạnh phúc và bình yên khi hiểu chính mình.