Ngọc Anh (sinh năm 2005) từng trải nghiệm nhiều mô hình mua sắm từ flea market (chợ trời), pop-up market (không gian mua sắm ngắn hạn) đến art market (nơi quy tụ nhiều thương hiệu kết hợp với hoạt động nghệ thuật)...
Với cô, giá cả ở nơi này tương đối “mềm” hơn so với khi mua trực tiếp từ cửa hàng. Mỗi hình thức có đặc điểm khác nhau, chẳng hạn nguồn hàng, độ đa dạng của sản phẩm, mức giá và tệp khách.
Riêng cô thích đến các flea market vì giá ổn định, phù hợp túi tiền với học sinh, sinh viên.
“Từ phụ kiện, quần áo, ốp điện thoại đến trang sức, nước hoa đều có đủ. Ngoài ra còn có chỗ xem bài tarot, ăn uống, khu trò chơi, xem ca nhạc… Nhiều hội chợ tập trung các local brand (thương hiệu nội địa) thì chi phí sẽ nhỉnh hơn một chút. Nhược điểm là một số gian có chung nguồn hàng nên mẫu khá giống nhau khiến khách khó chọn hơn”, cô chia sẻ.
Các hội chợ cuối tuần từng là điểm đến mua sắm, ăn chơi, giải trí được nhiều người trẻ ở TP.HCM quan tâm. Tuy nhiên, hiện tại, những nơi này không còn quá thu hút, đông đúc như trước vì xuất hiện các hình thức, hoạt động giải trí mới, đa dạng, nhiều lựa chọn hơn cho giới trẻ.
Hiện tại, vài hội chợ còn duy trì hoạt động phải tìm cách đổi mới để giữ chân khách hàng. Ngoài mua sắm, một số nơi còn xây dựng các khu sống ảo, mở thêm gian hàng trò chơi, tổ chức livestream, chương trình âm nhạc.
Bên cạnh đó, các pop-up market mới nổi, quy tụ nhiều gian hàng của nhà sáng tạo nghệ thuật và local brand nổi tiếng cũng đang dần thay thế hội chợ truyền thống nhờ mặt hàng thời thượng, nhiều hoạt động đặc sắc hơn.
Nhiều hội chợ cuối tuần đang tìm cách giữ chân khách hàng trẻ thông qua các hoạt động tăng tính trải nghiệm. |
Giảm sức hút
Từng khá yêu thích các hội chợ, Tuyết My (sinh năm 1998, quận 5) không còn thường xuyên lui tới những điểm mua sắm này. Lý do lớn nhất được My đưa ra là không có khu vực thử đồ, khó tìm được kích cỡ.
“Nhiều lần tôi cũng ướm thử, lúc mua về mới biết không vừa với mình, đa số là bị chật. Hoặc khi nhìn ở ngoài khá ưng mắt nhưng mặc vào thì thấy không hợp dáng”, My bày tỏ.
Ngoài ra, mẫu mã cũng là một trong những yếu tố khiến cô không còn mặn mà với các shop thời trang trong hội chợ. Theo cô quan sát, các gian hàng ít khi cập nhật xu hướng mới, thậm chí khá lỗi thời, sản phẩm gần như tương đồng nhau.
“Vài mẫu tôi giặt được 2-3 lần là bong tróc, tụt chỉ, co rút không mặc được nữa. Bên cạnh đó, quá trình đổi trả cũng khá rườm rà”, My nói.
Không chỉ giới trẻ, các hội chợ ở quận 1, quận 3 cũng được nhiều du khách nước ngoài biết đến qua một số kênh review, diễn đàn du lịch.
Sau khi đi dạo xung quanh trung tâm thành phố, Bill và Emily (đến từ Anh) ghé vào một hội chợ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1) để tham quan.
Đi một vòng các gian hàng, Emily chọn được chiếc áo croptop trắng với giá 200.000 đồng. Cả hai quyết định không mua gì thêm và ngồi nghỉ chân ở khu vực ẩm thực.
“Lúc bước vào, tôi cũng khá bất ngờ vì chỗ này có khá nhiều người nước ngoài, thậm chí có quầy bán của khách Tây. Tôi rất thích đến các hội chợ ở Anh vào cuối tuần. Đây là lần đầu tiên tôi mua sắm ở Việt Nam, mọi thứ khá rẻ, mẫu mã đa dạng. Nhưng vì không có phòng thử đồ. Do không chắc mặc có vừa không, tôi chỉ lựa một vài món”, Emily chia sẻ.
Giá cả ổn định là một trong những yếu tố giúp các hội chợ duy trì hoạt động buôn bán. |
Cái khó của người bán
Bùi Thị Như Quỳnh (sinh năm 1985) đã có 7 năm kinh doanh quần áo tại các hội chợ ở TP.HCM. Chị Quỳnh chia sẻ hội chợ hiện tại đã khác hoàn toàn so với lúc mới khai trương, cả về tệp khách hàng, quy mô, cơ sở vật chất cho đến hoạt động kinh doanh của các gian hàng.
“Trước đây, khách hàng chủ yếu là đi ngang qua và vào mua vì tò mò, hiếu kỳ. Còn bây giờ lượng khách không đông đúc như trước nhưng có chọn lọc hơn. Như ở shop của tôi, giờ chủ yếu là khách quen thôi”, chị nói.
Về lượng khách nước ngoài, chị Quỳnh cũng nhận thấy sự gia tăng của nhóm này. Tuy nhiên, số lượng nhiều hay ít chủ yếu phụ thuộc vào vị trí của hội chợ.
“Các hội chợ ở khu quận 1 giờ chủ yếu là khách nước ngoài, còn hội chợ ở các quận khác thì nhóm khách sẽ đa dạng hơn”.
Nhiều người nước ngoài tò mò với các hội chợ ở TP.HCM. |
Trước đây, chị Quỳnh cũng có cửa hàng quần áo ở TP.HCM. Nhưng vài năm trước, chị quyết định đóng shop và chuyển hẳn sang kinh doanh ở hội chợ, kết hợp bán hàng online.
“Ưu điểm của bán cửa hàng là ngày nào khách cũng ghé mua được, hội chợ thì chỉ có cuối tuần thôi. Nhược điểm thứ hai của hội chợ là không có phòng thử đồ. Những shop bán đồ kiểu, đồ nữ sẽ gặp bất lợi hơn. Còn tôi chủ yếu bán áo thun freesize nên không thấy khó khăn nhiều”, tiểu thương này nói thêm.
Tuy nhiên, theo chị Quỳnh, bán hội chợ sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí hơn như tiền mặt bằng, vận hành, nhân viên…, từ đó giá thành sản phẩm cũng mềm hơn bán ở cửa hàng.
“Bán ở shop giá phải cao hơn 30-40% so với hội chợ thì mới đủ chi phí vận hành”, chị tiết lộ.
Sau nhiều năm khai trương và đặc biệt là những khó khăn của giai đoạn dịch, chị Quỳnh nhận thấy các hội chợ ở TP.HCM thời gian gần đây phải đầu tư và tìm cách thay đổi để thu hút thêm gian hàng và giữ chân khách hàng.
“Nếu trước đây, hội chợ chỉ bắt 1-2 bóng đèn cho sáng, thì giờ phải có dàn đèn, khung gỗ, bạt che đàng hoàng. Các hoạt động không còn tự phát, mà được tổ chức quy củ hơn với nhiều trò chơi, chương trình ca nhạc”.
Một số hội chợ đầu tư thuê người livestream hỗ trợ các chủ shop bán hàng. |
Tiểu thương này cho hay trước Tết Nguyên đán 2023 khoảng 2 tháng, ban tổ chức hội chợ The Box Market, nơi chị đang đặt gian hàng, bắt đầu thuê KOC về livestream hỗ trợ các chủ shop bán hàng.
Tương tự, Hoàng Mai (sinh năm 1989) cũng bán hàng ở hội chợ khoảng 3-4 năm nay. Chị có shop kinh doanh ở thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) và hầu như cuối tuần nào cũng tham gia hai hội chợ lớn ở TP.HCM là Hello Weekend Market và The Box Market.
“Hội chợ bây giờ vắng hơn trước kia rất nhiều. Các sân mở ở khu vực trung tâm sống nhờ vào khách du lịch nước ngoài. Người mua chỉ lai rai thôi, nhưng ai đã thích đi hội chợ rồi thì sẽ ghé thường xuyên, nên việc buôn bán vì thế vẫn có thể duy trì được”, tiểu thương này nhận xét.
Theo chị Mai quá trình đăng ký mở gian hàng ở hội chợ khá đơn giản, chi phí ban đầu không quá cao. Nhưng khó khăn lớn nhất là phải có sản phẩm phù hợp với thị hiếu khách hàng và đưa ra được mức giá thấp nhất có thể.
“Kinh doanh trên mặt bằng riêng thường phải tính toán lâu dài, trong khi bán hàng hội chợ thì nhanh gọn lẹ, sau mỗi tuần là biết luôn chi phí, doanh thu, lời hay lỗ thế nào. Đó là lý do hiện tại dù khách không còn đông như trước, tôi vẫn chọn mở gian hàng ở các hội chợ”.
Ngoài đa dạng hàng hóa, những địa điểm này còn có gian hàng trò chơi, ăn uống, ca nhạc, xem bói. |
Trong khi đó, theo United Flea Markets, tại Mỹ, trải nghiệm mua sắm tại hội chợ gia tăng trong những năm gần đây khi các nhà bán lẻ bắt đầu chuyển từ kinh doanh truyền thống sang nhiều hình thức buôn bán mới mẻ hơn.
Thống kê của Hiệp hội Chợ trời Quốc gia Mỹ cho thấy xứ cờ hoa có khoảng 5.000 hội chợ trên toàn quốc với 2,25 triệu nhà cung cấp và chiếm hơn 30 tỷ USD doanh thu hàng năm.
“Trong khi các nhãn hàng ở trung tâm thương mại phải đối mặt với những trở ngại to lớn để tồn tại, ngành hội chợ vẫn vượt qua khó khăn và thành công thay đổi mô hình chi tiêu của người tiêu dùng vì Covid-19”, Rob Sieban, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của United Flea Markets, thông tin.
Hội chợ và thị trường bán lại đã chứng kiến sự hồi sinh trong vài năm gần đây khi tư duy của khách hàng thay đổi và sự gia nhập của các thế hệ người tiêu dùng mới. Theo Forbes, hoạt động bán lại đại diện cho ngành công nghiệp trị giá 24 tỷ USD và đe dọa cả doanh số bán lẻ truyền thống và bán hàng trực tuyến. Thị trường này được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển và đạt 51 tỷ USD vào năm 2023.
Còn ở Hàn Quốc, văn hóa đi hội chợ phát triển mạnh hơn một thập kỷ trước. Nhiều khu phố nổi tiếng của Seoul như Hongdae, Myeong-dong, Gangnam và Itaewon thường xuyên tổ chức các hội chợ độc đáo, bán tất cả mặt hàng từ đồ thủ công mỹ nghệ, thời trang đến nhạc cụ. Sự đa dạng của những địa điểm này hầu như không có giới hạn. Nhờ vậy, nó thu hút không ít tín đồ mua sắm và du khách mỗi cuối tuần.
Tại Nhật Bản, có hàng chục không gian mua sắm ngắn hạn thường xuyên được tổ chức trên khắp Tokyo. Nhiều khu chợ trong số này diễn ra trong khuôn viên của các đền chùa và được người nước ngoài gọi là “bán hàng trong đền thờ”. Các phiên chợ thông thường khác được mở ra trong công viên, khu vực công cộng và hội trường trên toàn thành phố.
Niềm vui và nỗi buồn của công việc
Tập truyện ngắn nổi tiếng của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cho người đọc một cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở kiểu cách, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con.;Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.