Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

'Các ổ dịch nguy hiểm nhất ở Hải Dương đã được khóa chặt'

Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Như Dương, các ổ dịch nguy hiểm nhất cơ bản đã được khống chế, không còn khả năng lây lan ra cộng đồng.

Phó giáo sư, tiến sĩ, Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Hà Nội, người trực tiếp tham gia Đoàn công tác chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Hải Dương vừa có những chia sẻ liên quan ổ dịch mới bùng phát tại Việt Nam.

3 thay đổi trong chiến lược chống dịch

Ông đánh giá tình hình dịch Covid-19 hiện nay ra sao?

- Đến nay, đợt dịch này đã ghi nhận gần 400 ca mắc tại 12 tỉnh, thành phố, trong đó, số ca ghi nhận nhiều nhất tại tỉnh Hải Dương. Có thể nói ngay từ khi dịch bắt đầu xuất hiện, tất cả địa phương đã rất nỗ lực và trách nhiệm với tinh thần cao nhất.

Chúng ta đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị, các lực lượng chống dịch và huy động sức mạnh của toàn thể nhân dân tham gia chống dịch với những biện pháp quyết liệt, đúng đắn, mau lẹ.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế ngay lập tức huy động một lực lượng rất lớn các đoàn chuyên gia ở tất cả lĩnh vực chuyên môn, cung cấp trang thiết bị, sinh phẩm, hóa chất để hỗ trợ kịp thời cho các địa phương như Hải Dương, Điện Biên, Gia Lai với số lượng lên đến hàng nghìn người.

Với nỗ lực cao nhất, có thể nói cho đến hôm nay tình hình dịch bệnh trên cả nước đã được kiểm soát tốt. Các ổ dịch nguy hiểm nhất cơ bản đã được khống chế và "khóa chặt", không còn khả năng lây lan cho cộng đồng như ổ dịch tại sân bay Vân Đồn, Công ty POYUN, Chí Linh, Hải Dương.

Ngoài ra, các ổ dịch xâm nhập ở địa phương khác cũng đã được khoanh vùng xử lý triệt để ngay. Tuy nhiên, chống dịch chưa bao giờ là đơn giản, luôn có những tình huống mới nảy sinh phức tạp. Chính vì vậy, tất cả chúng ta đều nhận thức được rằng không được phép lơ là, chủ quan và phải cùng nhau chống dịch với những nỗ lực cao nhất.

o dich o Hai Duong anh 1

Phó giáo sư, tiến sĩ, Trần Như Dương đánh giá các ổ dịch nguy hiểm nhất đã được kiểm soát. Ảnh: Anh Văn, Kim Dung,Trung Sơn.

- Bộ Y tế vừa có chiến lược điều chỉnh trong chiến lược đối phó với dịch, cụ thể là gì thưa ông?

- Đợt dịch lần này chúng ta phải đối mặt với kẻ thù vô hình nguy hiểm hơn nhiều, đó là biến chủng virus tại Anh. Biến chủng này có đặc điểm là lây lan rất nhanh và mạnh.

Thực tế ở Việt Nam cũng thấy đúng là như vậy, bên cạnh đó số người mang virus không triệu chứng cũng rất cao, cho nên, để phát hiện được người nhiễm bệnh tại cộng đồng đòi hỏi phải truy vết, xét nghiệm thật nhanh trên diện rộng với số lượng lớn.

Thay đổi thứ nhất, để đáp ứng được yêu cầu xét nghiệm trong tình hình mới chúng ta phải có chiến lược gộp mẫu xét nghiệm mới. Trước đây, chủ yếu ta làm xét nghiệm mẫu đơn hoặc nhiều lắm là gộp mẫu 5 thì đến “chiến trường” ở Quảng Ninh và Hải Dương, Bộ Y tế đã cho phép làm gộp mẫu từ 10-12 mẫu trong một lần xét nghiệm để đáp ứng được yêu cầu mẫu rất lớn.

Gộp theo hộ gia đình hoặc trong một nhóm cùng cơ quan, đơn vị có thể lên tới 16 mẫu. Nhóm mẫu nào xuất hiện dương tính thì lập tức cho cách ly ngay và tiến hành tách ra làm mẫu đơn để phát hiện chính xác được người nhiễm bệnh. Cách làm này vừa nhanh, tiết kiệm được rất nhiều sinh phẩm.

o dich o Hai Duong anh 2
Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 ở Hải Dương. Ảnh: Thạch Thảo.

Thay đổi thứ hai là trẻ dưới 5 tuổi sẽ được cách ly nghiêm ngặt tại nhà bởi vì trên thực tế nhiều trẻ em rất nhỏ ở các trường mẫu giáo đã trở thành F1 khi trong trường có ca mắc bệnh.

Việc cách ly trẻ nhỏ tại khu cách ly tập trung rất phức tạp đòi hỏi cha mẹ phải đi theo chăm sóc rồi chế độ ăn cũng không thể đáp ứng được. Chính vì vậy, Bộ Y tế đã cho phép nhóm trẻ dưới 5 tuổi được cách ly tại nhà chặt chẽ do chính quyền địa phương chịu trách nhiệm và có điều kiện đi kèm như chỉ được một người trông, người trông phải có sức khỏe tốt và không có các yếu tố nguy cơ bị bệnh tăng nặng đi kèm.

Trẻ từ 6 tuổi trở lên cũng được áp dụng mô hình phân kỳ cách ly tập trung một cách phù hợp dễ áp dụng hơn mà vẫn đảm bảo an toàn.

Thay đổi thứ ba là việc giải tỏa lưu thông hàng hóa từ khu vực có dịch bởi vì việc lưu thông hàng hóa trong vùng dịch là rất khó khăn, chính vì vậy phải thực hiện chỉ đạo của Chính phủ là không được ngăn sông cấm chợ.

Vì vậy, Bộ Y tế cũng đã hướng dẫn việc kiểm soát an toàn y tế cho hàng hóa, phương tiện và lái xe tham gia chở hàng. Lái xe được phép ra, vào, nhưng phải áp dụng các biện pháp chống dịch, phòng hộ cá nhân và xét nghiệm định kỳ khi tham gia vận chuyển hàng hóa qua vùng dịch. Điều này sẽ giúp cho hàng hóa được lưu thông dễ dàng hơn, tạo thuận lợi cho lưu thông thương mại gỡ khó cho nhân dân trong vùng dịch.

Nguy cơ phải đối mặt nếu cho F1 cách ly tại nhà

- Việc thay đổi chiến lược gộp mẫu có đảm bảo khả năng sàng lọc người nhiễm không. Cơ sở khoa học của việc này?

- Chiến lược gộp mẫu hoàn toàn có cơ sở khoa học vững chắc và rõ ràng. Rất nhiều nghiên cứu quốc tế cũng như nhiều nước đã áp dụng chiến lược này.

Tại Việt Nam, với sự thận trọng và khoa học, Bộ Y tế đã giao cho Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương triển khai nghiên cứu, phát triển quy trình chuẩn từ rất sớm của việc gộp mẫu.

Kết quả nghiên cứu của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã khẳng định việc gộp nhiều mẫu trong một lần xét nghiệm là hoàn toàn khả thi, chính xác, tin cậy với độ nhạy, đặc hiệu cao tương đương khi làm mẫu đơn. Chính nhờ có những căn cứ khoa học rõ ràng như vậy, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn thực hiện trong toàn quốc.

o dich o Hai Duong anh 3

Nhân viên y tế phân loại F1-F4 để đưa sang phòng tra mẫu. Ảnh: Kim Dung - Trung Sơn.

- Cách ly F1 tại các cơ sở cách ly tập trung rất là vất vả, tốn kém, vậy tại sao chúng ta không nghĩ đến việc cho cách ly F1 tại nhà?

- F1 là người đã tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh dương tính nên nguy cơ bị mắc bệnh là rất cao. Có thể nói, F1 chính là nguồn lây tiềm tàng nhất. Nếu để cách ly F1 tại nhà, có 2 nguy cơ lớn mà chúng ta phải đối mặt.

Thứ nhất, việc cách ly tại nhà thường rất khó triệt để và khó kiểm soát, chỉ cần người F1 lơ là vi phạm quy định cách ly thì nguồn bệnh sẽ lây ra cộng đồng.

Nguy cơ thứ hai còn nguy hiểm hơn rất nhiều và thuộc phạm vi y đức. Đó là khi để F1 tại nhà cùng với các thành viên khác trong gia đình, nguy cơ F1 sẽ làm lây nhiễm cho các thành viên khác trong gia đình là rất lớn.

Các tổng kết của thế giới thấy, nếu để F1 trở thành F0 ở trong cùng một nhà thì có thể làm lây cho 80% đến 100% thành viên trong gia đình.

Các gia đình ở Việt Nam có nhiều thế hệ cùng sinh sống: người già, trẻ con, phụ nữ mang thai, người có bệnh lý nền… Nếu bị lây nhiễm, nó sẽ gây bệnh nặng và tử vong cho những người trong cùng gia đình. Nhiều nước áp dụng việc này và đã có những hậu quả lớn.

Đây cũng chính là vấn đề mà chúng ta cần quan tâm và tôn trọng vì phải nghĩ đến việc bảo vệ sức khỏe cho mọi người. Tuy nhiên, chúng ta cũng sẽ vừa làm vừa tổng kết kinh nghiệm để có những điều chỉnh phù hợp nhất mà vẫn đảm bảo được an toàn.

- Là người đang trực tiếp chỉ đạo truy vết tại Hải Dương, ông muốn nói gì với người dân để đảm bảo đón Tết an toàn?

- Tết đang đến rất gần, tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp nên mỗi người dân đón Tết vui tươi nhưng cần nhớ giữ an toàn cho mình và cho cộng đồng. Mọi người, mọi nhà cần thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế đó là đeo khẩu trang, khử khuẩn tay, không tụ tập, giữ khoảng cách và khai báo y tế; không nên đi đến những vùng đang có dịch.

Một số thói quen có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm cũng cần thay đổi như thay vì đi từng nhà gặp gỡ trực tiếp để chúc Tết thì hãy hãy chúc tết qua các ứng dụng Internet, nhắn tin, gọi điện. Thay vì mừng tuổi, lỳ xì bằng tiền mặt, người dân có thể gửi thiếp chúc mừng qua mạng. Tôi nghĩ trong lúc này mọi người đều thông cảm và hiểu rằng an toàn mới là quan trọng nhất.

Tính từ ngày 27/1 đến nay, nước ta ghi nhận thêm 398 ca Covid-19 trong cộng đồng tại 12 tỉnh, thành gồm: Hải Dương (290 bệnh nhân), Quảng Ninh (47), Hà Nội (23), Gia Lai (18), Bình Dương (6), Bắc Ninh (4), Điện Biên (3) Hòa Bình (2), Hải Phòng (1), TP.HCM (2), Bắc Giang (1), Hà Giang (1).

Chiều nay, 3 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện dã chiến số 2 (Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương) là BN1664, 1665 và 1690. Đây là những người đầu tiên khỏi Covid-19 trong đợt dịch mới bùng phát từ ngày 27/1. Họ đều có địa chỉ thường trú tại TP Chí Linh, Hải Dương.

Tìm người đến quán lẩu dê ở quận Tân Phú, TP.HCM

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, ngành y tế xác định 3 người thuộc diện F1 liên quan quán lẩu dê 404 (quận Tân Phú).

Lập bệnh viện dã chiến đầu tiên tại Điện Biên

Cơ sở y tế này có quy mô 200-250 giường bệnh, do các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành, có kinh nghiệm chống dịch của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) hỗ trợ trang thiết bị và xây dựng.

Dịch Covid-19

Ai khong nen an yen? hinh anh

Ai không nên ăn yến?

0

Yến sào hay tổ yến là loại thực phẩm hàm lượng dinh dưỡng cao, nhưng một số nhóm người cần lưu ý khi sử dụng để tránh rước hoạ vào thân.

Anh Văn - Kim Dung - Trung Sơn

Bạn có thể quan tâm