Zhang Yingying, nữ thạc sĩ Trung Quốc 26 tuổi, học tập tại Đại học Illinois at Urbana-Champaign, mất tích vào ngày 9/6, khoảng hai tháng sau khi đến Mỹ. Brendt Christensen - cựu nghiên cứu sinh ngành Vật lý và là trợ lý tại trường -bị buộc tội bắt cóc Zhang và hiện bị tạm giam chờ xét xử. Cảnh sát vẫn chưa tìm thấy cô gái và mọi người chỉ biết hy vọng cô ấy còn sống.
Theo Global Times, vụ việc này thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận ở Mỹ và cả Trung Quốc.
Zhang đã trễ một cuộc hẹn vào ngày cô mất tích. Cô cố chờ xe buýt nhưng không được. Sau đó, Christensen tiếp cận cô trong chiếc Saturn màu đen. Cô lên xe và mất tích kể từ đó.
Christensen được cho là người bình thường với lý lịch trong sạch. Tuy nhiên, cảnh sát phát hiện điện thoại của nghi phạm đã được sử dụng để truy cập một diễn đàn trực tuyến là “Bắt cóc 101”.
Sinh viên quốc tế ở Mỹ có thể gặp rủi ro trong tình trạng các vụ phạm tội đang gia tăng tại nước này. Ảnh minh họa: Global Times. |
Quả thực, mối quan tâm của người dân Trung Quốc, đặc biệt là những cha mẹ lo cho sự an toàn của con cái họ ở Mỹ, không phải không có cơ sở. Theo một báo cáo vào tháng 4 của Trung tâm Tư pháp Brennan tại Đại học New York, tỷ lệ giết người ở Mỹ đã giảm 50% từ 9,8 năm 1991 xuống còn 5,3 năm 2016 (trên 100.000 người). Nhưng sau đó, tỷ lệ này lại tăng 10,8% trong khoảng 2014-2015, kế đó là 14% vào năm 2016.
Mặc dù báo cáo này cho thấy số lượng địa điểm nguy hiểm giảm xuống, chúng vẫn là những con số đáng lo ngại với phụ huynh Trung Quốc.
Trong khi đó, thời điểm này, lượng du học sinh Trung Quốc đến Mỹ tăng nhanh. Năm 2000, khoảng 60.000 sinh viên Trung Quốc học ở đây, chiếm 10% số sinh viên quốc tế theo học tại quốc gia này. Đến năm 2016, con số này đã tăng lên 333.000, chiếm 32% tổng số sinh viên quốc tế.
Sinh viên Trung Quốc cũng thường xuyên xuất hiện trong thống kê các vụ phạm tội ở Mỹ. Đằng sau những con số là nước mắt, sự tức giận, những trái tim tan vỡ và trong nhiều trường hợp, nó là sự kết thúc cuộc sống của những người trẻ đầy tham vọng.
Những người này bao gồm Yap Yu, sinh viên Trung Quốc 23 tuổi bị hãm hiếp và giết hại tại New York, Mỹ vào năm 2010. Wu Ying và Qu Ming, sinh viên Đại học Nam Californa, bị giết trong một vụ cướp ở gần trường năm 2012. Lu Lingzi, sinh viên Đại học Boston, chết trong vụ đánh bom tại cuộc đua Marathon năm 2013 và Ji Xinran, sinh viên của Đại học Nam California, bị giết trong vụ cướp năm 2014.
Hầu hết trường đại học ở Mỹ đều có các quy định để đảm bảo an toàn cho sinh viên. Một số trường thắt chặt các biện pháp an ninh sau những bi kịch xảy ra. Đại học Nam California thậm chí còn xây một bức tường xung quanh khuôn viên và yêu cầu những ai vào trường sau 21h phải có thẻ ID.
Tuy nhiên, các biện pháp này dường như vẫn chưa đủ. Vì vậy, các đại học ở Mỹ cần có biện pháp tốt hơn để bảo vệ sinh viên, đặc biệt là sinh viên quốc tế.
Do sự khác biệt về văn hóa, các sinh viên quốc tế thường không có ý thức chung về an toàn và tự vệ như người dân địa phương.
Hơn nữa, du học sinh Trung Quốc đến Mỹ ngày càng trẻ hóa. Năm 2006, hơn 80% sinh viên Trung Quốc tại Mỹ học ở các trường đại học. Đến năm 2015, hơn một nửa là học sinh trung học. Sự thiếu thận trọng và thiếu kinh nghiệm của các thanh thiếu niên cũng khiến họ có nguy cơ bị kẻ ác tấn công.
Ở Mỹ hay bất kỳ nơi nào trên thế giới đều có tội ác. Đôi khi tai nạn là điều không thể tránh khỏi. Nhưng đối với các trường đại học Mỹ, việc tổ chức đào tạo các biện pháp an toàn cho sinh viên quốc tế là việc làm cấp thiết.