Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cách ăn mì tôm không gây hại cho sức khỏe

Rất nhiều người có sở thích ăn mì tôm, có thể ăn mỗi ngày, trong đó có nhiều trẻ em. Theo các chuyên gia dinh dưỡng nên đa dạng thực phẩm, ăn gì nhiều quá cũng không tốt...

Chị Hoàng Hải Vân trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết con trai 14 tuổi của chị rất nghiện khoai tây chiên rồi các món ăn đóng gói sẵn như mì tôm. Sáng nào cháu cũng đánh lẻm hết cả gói mì. Nhìn con thích ăn mì, chồng chị Vân cho rằng ăn gì cũng được miễn là cháu thích.

Nhưng ở vị trí người mẹ, chị Vân lại lo lắng mì tôm hay các loại đồ ăn nhanh có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Chị Vân cấm con kiểu gì cũng không được một là cháu nhịn đói, hai là làm gói mì tôm, hoặc ăn sống cũng ngon lành.

Khi ăn mì tôm nên kết hợp rau xanh và thịt.

Khi ăn mì tôm nên kết hợp rau xanh và thịt.

Trường hợp của cháu Trần Văn Cảnh trú tại Cầu Giấy, Hà Nội cũng tương tự. Cháu rất béo mặc dù 15 tuổi nhưng nặng tới 103 kg. Cảnh đang được bác sĩ theo dõi đường huyết vì nguy cơ mắc tiểu đường cao. Theo người nhà của Cảnh, bố mẹ cháu ly hôn, cháu ở với bố. Bố bận không có nhiều thời gian chăm sóc nên cứ ở trường về là Cảnh lại lao vào phòng chơi game.

Để qua bữa, Cảnh làm bạn với mì tôm, bánh ngọt thậm chí cháu sinh ra nghiện các loại thực phẩm đó. Khi thấy con béo quá, lại hay mệt mỏi, gia đình đưa cháu đi kiểm tra sức khỏe. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán cháu bị chớm tiểu đường tuyp 2 phải theo dõi đường huyết.

Tuy nhiên, Cảnh vẫn không thể bỏ qua được thói quen ăn đồ đóng gói của mình. Cậu cho biết ăn các loại thức ăn khác, đặc biệt đồ luộc cậu thấy nhạt nhẽo.

PGS Nguyễn Thị Lâm – Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết quan niệm đồ ăn nhanh của người ta ăn nhiều gây ung thư, tiểu đường cũng không thể nói là không có căn cứ. Theo PGS Lâm các gia đình đặc biệt là trẻ nhỏ tốt nhất là hạn chế đồ ăn nhanh.

Những người thích ăn rau xanh hay khi bắt buộc phải sử dụng nên kết hợp ăn thêm rau xanh, ví dụ như mì nấu với rau xanh, giá đỗ, hành để giảm bớt các axit béo bão hòa, tranfat. Ngoài ra, có thể cho thêm thịt bò, trứng để mì tôm có đủ chất vì trong mì tôm chủ yếu là tinh bột, chất đạm rất ít. Còn thực phẩm chiên nên ăn ít và chọn loại không có mùi khét.

Theo PGS Lâm để ăn bữa ăn nhanh theo thói quen công việc của nhiều người tốt nhất các bạn có thể chọn bánh chưng, bánh giò, xôi thay cho các món rán, nướng ở nhiệt độ cao.

Chế độ ăn hợp lý bao gồm chất xơ, chất đạm và chất béo. Đối với những nhóm giàu chất béo chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo nên có 1/3 chất béo trong khẩu phần ăn có nguồn gốc từ thịt mỡ, thịt nạc, bơ, mỡ, còn lại 2/3 chất béo trong khẩu phần ăn nên có từ chất béo cá, dầu ăn, các hạt có nhiều chất béo (như vừng, lạc...) còn những chất béo bão hòa từ dầu chiên, mỡ chiên nên hạn chế.

http://infonet.vn/cach-an-mi-tom-khong-gay-hai-cho-suc-khoe-post182456.info

Theo Khánh Ngọc/Báo Infonet

Bạn có thể quan tâm