Theo sách Phong tục thờ cúng của người Việt của tác giả Song Mai và Quỳnh Trang do Nhà xuất bản Văn hoá - Thông tin phát hành, sau khi cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp, các gia đình thả cá chép sống ra sông, hồ với niềm tin cá sẽ chở Táo quân về trời. Chính vì vậy, việc lựa chọn và thả cá sao cho đúng cách để ông Công ông Táo lên đường thuận lợi rất được xem trọng. Ảnh: Thế Bằng. |
Cá chép để dâng lên Táo quân phải khỏe mạnh, không bị trầy xước, mất vảy. Để thử độ khỏe mạnh của cá, có thể chạm nhẹ vào mặt nước chậu đựng cá, cá khỏe sẽ bơi nhanh, quẫy mạnh. Người mua cũng có thể lật nhẹ mang cá lên để kiểm tra. Nếu mang cá đỏ tươi chứng tỏ cá khỏe. Ngược lại, mang màu đỏ thẫm thì đó là cá yếu, nhanh chết. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Có hai quan niệm sai lầm về việc chọn cá, đó là chọn nhiều cá và cá quá to. Một số gia đình cho rằng thả càng nhiều cá càng tốt nhưng số lượng đúng phải là 3 con để chở 3 vị thần gồm thần đất, thần nhà và thần bếp. Ngoài ra, cá to chưa hẳn đã tốt. Nên chọn cá có kích thước vừa phải, quan trọng nhất là khỏe mạnh. Ảnh: Tuấn Anh. |
Sau khi mua về nhà, nên thả cá vào một chậu nước sạch, có thể thả thêm vài cọng rêu nhỏ vào nếu mua cá trước thời gian cúng lâu. Ngoài ra cần chú ý nhiệt độ của nước. Ảnh: Tuấn Anh. |
Nếu đã cúng cá chép giấy thì không cần phải thả cá chép sống và ngược lại. Cá chép sống dùng để cúng ông Công ông Táo thường là loại cá chép đỏ. Ảnh: Đức Anh. |
Khi phóng sinh cá, cần chọn những ao, hồ nước sạch, không gian rộng và không bị ô nhiễm. Cách đúng nhất để phóng sinh cá là chọn chỗ mép nước gần, nhẹ nhàng nghiêng bát hoặc túi để cá tự quẫy, bơi vào dòng nước. Ảnh: Đức Anh. |
Tuyệt đối không đứng trên cao đổ cá xuống hay vứt cả túi nylon đựng cá. Làm như vậy, cá có thể bị chết vì ngạt, sốc nhiệt, gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Đức Anh. |