Chị T.P. (30 tuổi, sống ở Thanh Xuân, Hà Nội), có con trai 6 tuổi chuẩn bị vào lớp một, cho biết việc quản lý tài chính đóng vai trò quan trọng để trẻ nhận thức rõ giá trị của tiền bạc, đồng thời xây dựng nền tảng giúp trẻ chi tiêu hợp lý sau này.
Tiền mặt với các mệnh giá khác nhau. Ảnh: Thesaigontimes. |
Học chi tiêu từ việc làm đơn giản
Hàng tháng, chị P. dành tiền lẻ 2.000-5.000 đồng hoặc 10.000 đồng làm phần thưởng. Nếu bé học tốt, được cô giáo khen trên lớp, ngoan ngoãn khi ở nhà, chị thưởng con tiền.
Khi con nhận thưởng, chị dạy bé cách tiết kiệm chi tiêu bằng cách đơn giản - cho tiền lẻ vào chiếc ví nhỏ. Khi nào cần mua đồ dùng học tập hoặc đi siêu thị, bé cầm ví theo để thanh toán những món đồ mình cần.
“Tôi dạy con nếu trong ví không đủ tiền hoặc món đồ có giá quá cao, con phải dừng việc chi tiêu để tiết kiệm. Khi nào tích luỹ đủ số tiền cần thiết, bé sẽ mua món đồ đó”, chị P. nói.
Thường xuyên đọc thông tin trên mạng, chị H.M. (29 tuổi, sống ở Hoàng Mai, Hà Nội) nung nấu ý định dạy con về giá trị của tiền bạc từ sớm. Mới tròn 3 tuổi, con chị M. đã có thể phân biệt một số mệnh giá tiền bằng màu sắc.
Khi đưa con đi siêu thị, chị M. sẽ nhắc lại cho con những thông tin cần thiết về tờ tiền và hàng hóa cần mua. Mỗi lần như vậy, con sẽ học được cách chi tiêu từ những món đồ nhỏ.
Theo TS Vũ Thu Hương, cha mẹ nên dạy con quản lý tiền bạc sớm. Ảnh: NVCC. |
Dạy con quản lý tiền bạc sớm
Thực tế, chuyên gia cũng ủng hộ việc dạy con quản lý tiền bạc từ nhỏ. Trao đổi với Zing, TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết cha mẹ nên dạy con quản lý tiền bạc sớm.
Theo bà, khi con lên 5 tuổi, gia đình có thể cho bé làm quen với những đồng tiền lẻ 1.000-5.000 đồng, đồng thời, tạo điều kiện để trẻ tự mua những đồ vật nhỏ như gói tăm, túi muối… ở cửa hàng gần nhà.
Phụ huynh cần cho trẻ số tiền đúng giá để con giao dịch với người bán hàng ở cửa hàng tạp hóa hoặc siêu thị. Sau khi hướng dẫn một vài lần, gia đình nên để trẻ chủ động thực hiện hoạt động mua, bán.
Lấy ví dụ về việc trẻ quản lý, chi tiêu tiền bạc, TS Hương chia sẻ câu chuyện từ chính con gái mình. Bà đã dạy con cách quản lý tiền sớm, khi bé mới tròn 2 tuổi.
Khi bé vào lớp một, bà Hương giúp con làm quen với mệnh giá của các tờ tiền bằng cách xòe các đồng tiền để con nhận biết từ chục nghìn đến trăm nghìn đồng, phân biệt màu sắc, số, độ lớn. Bà còn đặc biệt làm tấm gỗ lớn, nhỏ để con đặt vào những tờ tiền. Cùng với đó, bà thường xuyên cho con đi siêu thị để thực hành mua đồ, tính tổng số tiền cần chi.
Con lên cấp hai, bà bắt đầu cho con cầm số tiền cụ thể, bằng bữa ăn của một tuần hoặc tháng. Khi trẻ nhận tiền, gia đình không lo bữa sáng, để con dùng tiền mua đồ ăn sáng hàng ngày. Ngoài số tiền con được cầm, cha mẹ không đưa thêm bất kỳ khoản tiền nào khác.
Bằng cách trên, trẻ biết cách chi tiêu hợp lý, chủ động tiết kiệm tiền dùng cho dịp sinh nhật của bạn bè hoặc mua đồ dùng học tập khi đi học ở trường, tránh bị thầy cô phạt.
Khi con vào lớp 8, người mẹ cho con một số tiền lớn (một đến 2 triệu đồng) để trẻ tự mua sắm đồng phục, sách vở, đồ dùng cần thiết. Lúc này, con bà đã vào tất cả cửa hàng bán đồ dùng cần thiết để khảo sát giá cả. Từ đó, con mua vở, bút, sách ở các cửa hàng khác nhau với giá hợp lý nhằm tiết kiệm, tiêu vừa đủ số tiền mẹ cho.
Bước vào cấp 3, con gái bà Hương đã biết cách tính tiền, tiết kiệm, có kinh nghiệm làm thêm thành công ở nhiều nơi (hướng dẫn viên du lịch, trợ giảng, gia sư, sale marketing…). Thấy trong gia đình có nhiều tờ rơi, sách cũ không dùng đến, nữ sinh thu thập lại để nộp cho nhà trường, bán được một số tiền nhỏ.
Với sự hướng dẫn của gia đình, sau tốt nghiệp THPT, con bà Hương đã tự chủ tài chính khi đi du học ở nước ngoài.
Trẻ làm việc nhà. Ảnh: ST. |
Không nên thưởng tiền khi trẻ làm việc nhà
TS Hương chia sẻ bà không thưởng tiền khi con hoàn thành việc nhà bởi đây là công việc của trẻ. Khi con và cha mẹ cùng sống trong gia đình, mọi công việc được chia đều. Bố mẹ không có trách nhiệm phải trả tiền cho con làm việc nhà.
Khi chưa đi du học, dù là phái yếu, con bà đã làm được nhiều việc nhà, trong đó có cả những việc dành cho nam giới (sửa ống nước, thay bóng đèn, chăm người ốm trong gia đình…) mà không hề ý kiến.
Theo chuyên gia này, tiền bạc và đạo đức là 2 lĩnh vực khác nhau. Nhiều phụ huynh lo lắng cho tiền, trẻ sẽ hư. Tuy nhiên, suy nghĩ này không chính xác, bởi khi trẻ có tiền, biểu hiện về đạo đức sẽ bộc lộ ra.
Điều quan trọng, cha mẹ cần thực hiện đó là cho con làm quen với tiền, để trẻ không rơi vào trạng thái khao khát, thèm muốn, làm mọi cách để có tiền. Mỗi gia đình cần hướng dẫn con quản lý tiền khoa học, từ mầm non đến cấp một (nhận biết, giữ gìn tiền), cấp hai (lập kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm), cấp ba (tự quản lý tiền).
Khi trẻ được dạy, hướng dẫn cách tiêu, tiết kiệm tiền khoa học, các bé sẽ nhận thức rõ về giá trị đồng tiền - phương tiện để giao thương, sinh hoạt trong cuộc sống, tránh kiếm tiền bằng cách vi phạm pháp luật, dễ bị lừa hoặc gặp chuyện không may.