Môi trường và thói quen lành mạnh là yếu tố rất quan trọng để giúp trẻ có giấc ngủ ngon. Ảnh: Irishmirror. |
Hiểu nhu cầu giấc ngủ của trẻ là bước đầu tiên để mang lại giấc ngủ ngon hơn cho con bạn. Thông qua sự kết hợp giữa vệ sinh giấc ngủ, các thói quen phù hợp với lứa tuổi và chú ý đến bất kỳ chứng rối loạn giấc ngủ nào, bạn có thể giúp con mình ngủ ngon giấc, góp phần phát triển khỏe mạnh.
Tại sao giấc ngủ quan trọng đối với trẻ?
Theo Sleep Foundation, giấc ngủ đóng vai trò cốt yếu trong sự phát triển trí não trẻ. Ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến hạnh phúc, giấc ngủ tác động sự tỉnh táo và chú ý, hiệu suất nhận thức, tâm trạng, khả năng phục hồi, tiếp thu từ vựng cũng như học tập và trí nhớ.
Ở trẻ mới biết đi, giấc ngủ ngắn dường như là cần thiết để củng cố trí nhớ, sự chú ý điều hành và phát triển kỹ năng vận động. Giấc ngủ cũng có tác dụng quan trọng đối với sự tăng trưởng, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh.
Điều gì xảy ra khi trẻ ngủ không đủ giấc?
Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ, trẻ thiếu ngủ có thể dao động giữa cáu kỉnh và hiếu động, với những tác động có thể tương tự chứng tăng động giảm chú ý. Buồn ngủ cũng có thể tác động khả năng chú ý của con bạn, ảnh hưởng đến kết quả học tập ở trường. Ngay cả việc hạn chế tối thiểu giấc ngủ cũng có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của con bạn.
Theo Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP), 1/4 trẻ em dưới 5 tuổi không ngủ đủ giấc. Điều này đáng lo ngại vì giấc ngủ kém trong thời thơ ấu có liên quan đến bệnh viêm mũi dị ứng. Cũng có bằng chứng mới cho thấy giấc ngủ kém trong thời thơ ấu có thể dẫn đến các rủi ro tim mạch trong tương lai dưới dạng béo phì, bệnh tiểu đường.
Ở thanh thiếu niên, ngủ không đủ giấc có thể ảnh hưởng lâu dài đến kết quả học tập và sức khỏe tâm thần. Hiệp hội Y khoa Mỹ, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ và Học viện Nhi khoa Mỹ coi chứng mất ngủ mạn tính ở thanh thiếu niên là vấn đề sức khỏe cộng đồng. Đó là yếu tố rủi ro dẫn đến lạm dụng chất gây nghiện và các vấn đề sức khỏe tâm thần, cũng như vấn đề tức thời hơn như tai nạn xe hơi và chấn thương thể thao.
Trẻ thiếu ngủ có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt, việc học tập tại trường. Ảnh: Raisingchildrennetwork. |
Mẹo giúp trẻ ngủ ngon
Những khuyến nghị sau đây sẽ giúp con bạn có được giấc ngủ ngon nhất có thể và giúp trẻ dễ đi vào giấc ngủ và duy trì giấc ngủ, bao gồm:
- Tắt máy tính, màn hình TV, trò chơi điện tử và các loại đèn sáng khác.
- Mặc đồ ngủ và đánh răng.
- Đọc một cuốn sách nhẹ nhàng, hát một bài hát ru hoặc tắm.
- Chọn một con thú nhồi bông hoặc chăn an toàn cho trẻ mới biết đi vào ban đêm.
Thời điểm tốt nhất để cho con bạn đi ngủ là khi trẻ buồn ngủ, không phải khi đã ngủ. Điều này giúp con học cách tự đi vào giấc ngủ. Nếu trẻ mẫu giáo thức dậy vào nửa đêm, hãy dỗ con ngủ lại nhanh chóng. Tốt nhất là không nên để trẻ sơ sinh ngủ chung giường với cha mẹ vì có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.
Ngoài ra, thói quen ban ngày cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ. Bạn có thể giúp trẻ ngủ ngon bằng cách tuân theo các quy tắc vệ sinh giấc ngủ cơ bản:
- Sắp xếp lịch trình cân bằng với thời gian nghỉ ngơi và vui chơi xen kẽ.
- Giữ giờ đi ngủ đều đặn. Thời gian đi ngủ và thức dậy không được chênh lệch quá một giờ giữa ngày đi học và ngày nghỉ.
- Không để máy tính, điện thoại, TV trong phòng ngủ. Trẻ nhỏ rất dễ hình thành thói quen xấu “cần” TV, điện thoại để đi ngủ. Việc kiểm soát việc xem tivi của con cũng khó khăn hơn nhiều nếu đặt các thiết bị này trong phòng ngủ.
- Có chế độ ăn uống lành mạnh.
- Sử dụng rèm tối màu để cản ánh sáng hoặc đèn ngủ nếu trẻ sợ bóng tối.
- Giữ cho phòng ngủ yên tĩnh hoặc sử dụng máy tạo tiếng ồn trắng để che đi âm thanh bên ngoài.
- Tránh caffeine, các bữa ăn lớn và đồ ngọt trước khi đi ngủ, chọn một bữa ăn nhẹ trước khi đi ngủ lành mạnh nếu cần thiết.
Điều quan trọng là cho trẻ tập thể dục thường xuyên, nhưng không nên khiến con kiệt sức để ngủ ngon hơn vào ban đêm. Thông thường, điều này sẽ khiến trẻ quá mệt mỏi và thực sự khó ngủ hơn.
Đôi khi, thói quen đi ngủ nói dễ hơn làm. Đối với các gia đình có cha mẹ hoặc anh chị em ở chung phòng, hãy cố gắng thực hiện cùng trẻ mỗi ngày để con có thể tạo thói quen cho mình.
Làm thế nào để tránh cho con bạn không bị bỏng, điện giật? Biện pháp nào giúp bảo vệ đường ruột của trẻ? Hay trẻ nhỏ có bị đau nhức xương như người lớn hay không?... Đây là những băn khoăn phổ biến mà mọi cha mẹ đều quan tâm.
Cuốn sách Bác sĩ tốt nhất của nhà mình của tác giả Trần Quốc Khánh sẽ giải đáp những thắc mắc đó. Ngoài ra, cuốn sách tập hợp những lời khuyên, chia sẻ kinh nghiệm để phòng ngừa các bệnh thường gặp. Ở đó, nhiều kiến thức y học được bác sĩ Khánh lồng ghép những câu chuyện từ đời thực.