Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao trẻ không nên đi ngủ quá muộn?

Việc thức quá khuya có thể khiến trẻ bị thiếu ngủ, không thể hoạt động bình thường, mệt mỏi, cáu kỉnh và thiếu tập trung.

Ngủ muộn có thể tác động xấu đến sức khỏe của trẻ. Ảnh: Healthline.

Các bậc phụ huynh đều biết rằng trẻ nhỏ phải ngủ đủ giấc mỗi đêm. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu các thói quen bận rộn của gia đình đẩy lùi giờ đi ngủ của con bạn? Điều này về lâu dài có ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ không?

Đi ngủ muộn có hại cho trẻ không?

Theo tạp chí Parents, tiến sĩ Judith Owens, Giám đốc Phòng khám Rối loạn Giấc ngủ Nhi khoa tại Bệnh viện Nhi đồng Hasbro, ở Providence (Mỹ), cho biết có lẽ không có gì có hại về bản chất khi để trẻ thức khuya, miễn là chúng đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi đêm và ngủ đủ giấc về tổng thể.

"Thời lượng và mức độ đều đặn của chu kỳ đánh thức giấc ngủ là những yếu tố quan trọng nhất giúp trẻ có một giấc ngủ ngon và chất lượng", chuyên gia này cho hay.

Khi trẻ bắt đầu dậy sớm để đi nhà trẻ, đi học hoặc các hoạt động khác, việc đi ngủ muộn có thể dẫn đến ngủ không đủ giấc. Trẻ em, giống người lớn, không thể hoạt động bình thường khi mệt mỏi; chúng trở nên cáu kỉnh và thiếu tập trung.

Thiếu ngủ có thể gây ra những hậu quả thực sự nghiêm trọng đối với tâm trạng và hiệu suất của trẻ. Nó cũng có thể tác động xấu tới cơ thể, gây căng thẳng làm cản trở sự phát triển thể chất.

Tiến sĩ Jodi Mindell, Trưởng khoa Nhi tại Trung tâm Rối loạn Giấc ngủ thuộc Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia (Mỹ), cho biết: "Tôi không thể kể hết có bao nhiêu gia đình có con nhỏ đi ngủ lúc 10:00 hoặc 11:00 đêm".

Ở nhiều gia đình, lịch trình gia đình bận rộn và việc các bậc cha mẹ đi làm muộn không muốn cho con đi ngủ sớm đang khiến ngày dài hơn. Ở những gia đình khác, cha mẹ quá mệt mỏi với công việc, gia đình, dẫn đến trễ nải việc quản lý con cái. Điều này vô tình khiến trẻ "được phép" ngủ không đúng giờ giấc. Kết quả là nhiều trẻ buồn ngủ vào buổi sáng hôm sau.

Trong nghiên cứu của Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Mỹ, 60% trẻ em dưới 18 tuổi phàn nàn về cảm giác mệt mỏi trong ngày và 15% cho biết ngủ gật ở trường. Trong khi đó, nghiên cứu của Đại học Brown trên 500 trẻ em từ mẫu giáo đến lớp 4 cho thấy hơn 1/3 trong số trẻ gặp các vấn đề liên quan đến giấc ngủ.

Vì sao một số trẻ thích thức khuya?

Nếu con bạn có vẻ đặc biệt thoải mái khi đi ngủ muộn, nguyên nhân có thể sâu xa hơn là thói quen của gia đình bạn. Tiến sĩ Mary Carskadon, Giám đốc Phòng thí nghiệm Nghiên cứu giấc ngủ và Thời gian sinh học tại Bệnh viện Bradley, ở Providence (Mỹ), đã nghiên cứu thói quen của những "cú đêm" ngủ muộn và những "chim sơn ca" dậy sớm ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

Theo tiến sĩ Carskadon, nghiên cứu cho thấy sở thích ngủ sớm hoặc ngủ muộn của từng cá nhân có thể một phần bắt nguồn từ gene, nhưng môi trường và tuổi tác cũng có ảnh hưởng.

Là cha mẹ, bạn nên theo dõi sở thích ngủ sớm hay muộn của trẻ. Thậm chí, ngay cả khi đồng hồ bên trong cơ thể của con bạn dường như hướng đến những giờ muộn hơn, hãy suy nghĩ cẩn thận trước khi bạn đáp ứng sở thích của trẻ.

Gio cho tre di ngu anh 1

Nhiều trẻ có thói quen ngủ muộn gây mệt mỏi vào sáng hôm sau. Ảnh: Harvardhealth.

Dấu hiệu trẻ thiếu ngủ

Các chuyên gia cho biết không phải lúc nào cũng dễ dàng để biết liệu con bạn có ngủ đủ giấc hay không. Theo tiến sĩ Mindell, trẻ thiếu ngủ không nhất thiết có triệu chứng mệt mỏi. Ngược lại, khi đấu tranh chống lại cơn thèm ngủ, trẻ có thể hoạt động quá mức.

Tiến sĩ Mindell cho biết một dấu hiệu cho thấy trẻ ngủ không đủ giấc là trẻ thường xuyên tè dầm trong ôtô ngay cả trong những chuyến đi ngắn. Dụi mắt, cáu kỉnh và hành vi hung hăng là những dấu hiệu khác. Một đứa trẻ cần nhiều sự thúc giục để bắt đầu thức dậy, di chuyển vào buổi sáng có thể đã đi ngủ quá muộn. Nhưng việc trẻ tự dậy được không nhất thiết là dấu hiệu cho thấy trẻ đã được nghỉ ngơi đầy đủ.

"Một số trẻ sẽ thức dậy vào một giờ nhất định bất kể chúng đi ngủ lúc mấy giờ", tiến sĩ Mindell chỉ ra. Ngược lại, thiếu ngủ có thể dẫn đến giấc ngủ không yên và khiến trẻ dậy quá sớm.

Cách giúp trẻ đi ngủ sớm hơn

Tiến sĩ Robert Doekel, chuyên gia về giấc ngủ ở Birmingham, Alabama, cảnh báo trẻ càng thức khuya trong thời gian dài, chúng càng khó thay đổi nó. Nếu con bạn đã quen với việc đi ngủ lúc 22h, đừng đợi đến đêm trước ngày đầu tiên đến trường mới bắt buộc tắt đèn lúc 20h. Một khi trẻ bắt đầu ngủ sớm, đừng để thói quen gia đình khiến chúng thức khuya. "Nếu trẻ em không ngủ đủ giấc, nó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của cả gia đình", tiến sĩ Carskadon nói.

Theo Học viện Nhi khoa Mỹ, trẻ em 2-3 tuổi nên ngủ 9-13 giờ mỗi đêm, trẻ 3-5 tuổi nên ngủ 10-12 giờ, trẻ 5-12 tuổi nên ngủ ít nhất 8 giờ. Dưới đây là mẹo giúp trẻ đi ngủ sớm hơn:

  • Đẩy lùi giờ đi ngủ của trẻ không quá 15 phút mỗi ngày - hoặc tốt hơn là 15 phút cứ sau 2-3 ngày.
  • Tránh cho trẻ tiếp xúc ánh sáng bằng cách giảm độ sáng của đèn khi gần đến giờ đi ngủ vì có thể ảnh hưởng các hormone kiểm soát đồng hồ sinh học của cơ thể.
  • Tránh các hoạt động kích thích trước khi đi ngủ, bao gồm chơi trò chơi ồn ào, xem tivi và chơi trò chơi điện tử.
  • Thư giãn cơ thể: Uống một ly sữa ấm, tắm, nghe chuyện trước khi đi ngủ.

Làm thế nào để tránh cho con bạn không bị bỏng, điện giật? Biện pháp nào giúp bảo vệ đường ruột của trẻ? Hay trẻ nhỏ có bị đau nhức xương như người lớn hay không?... Đây là những băn khoăn phổ biến mà mọi cha mẹ đều quan tâm.

Cuốn sách Bác sĩ tốt nhất của nhà mình của tác giả Trần Quốc Khánh sẽ giải đáp những thắc mắc đó. Ngoài ra, cuốn sách tập hợp những lời khuyên, chia sẻ kinh nghiệm để phòng ngừa các bệnh thường gặp. Ở đó, nhiều kiến thức y học được bác sĩ Khánh lồng ghép những câu chuyện từ đời thực.

Tình trạng rối loạn nhịp thở khi ngủ ở trẻ

Nếu con bạn ngáy, vẫn thức dậy vào nửa đêm hoặc cáu kỉnh vào ban ngày, chúng có thể bị rối loạn nhịp thở khi ngủ, vấn đề về hô hấp tiềm ẩn.

Phương Mai

Bạn có thể quan tâm