Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Đậu mùa khỉ

Cách phòng bệnh đậu mùa khỉ ở trường học

Tháng 9 là thời điểm trẻ em bắt đầu bước vào năm học mới. Dù chưa xâm nhập vào Việt Nam, đây cũng là một mối nguy hiểm cần chủ động phòng tránh.

Mới đây, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (US CDC) đã thông tin trường học, nhà trẻ và các cơ sở phục vụ trẻ em không cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh bổ sung đối với dịch đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, cơ quan này vẫn khuyến cáo các đơn vị cần tuân thủ một số phương pháp nhằm hạn chế lây lan các bệnh truyền nhiễm khác.

Các phương pháp này bao gồm rửa tay thường xuyên, khử trùng bề mặt, đồ dùng công cộng, đồng thời yêu cầu trẻ em, giáo viên, nhân viên ở nhà khi mắc bệnh.

US CDC nhận định hiện nay, nguy cơ mắc đậu mùa khỉ với trẻ em và thanh thiếu niên khá thấp.

Từ ngày 24/8 đến nay, báo cáo gửi về US CDC cho thấy Mỹ đã ghi nhận hơn 16.000 ca mắc đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, chỉ một số ít trong nhóm này là trẻ em ở độ tuổi đi học.

Dù vậy, phụ huynh và nhà trường vẫn cần nắm chắc những triệu chứng liên quan và cách ứng phó khi phát hiện ca mắc.

Phát ban là triệu chứng phổ biến nhất

Theo US CDC, một trong những triệu chứng phổ biến và dễ nhận thấy nhất của đậu mùa khỉ là phát ban. Ngoài ra, bệnh nhân khi mắc đậu mùa khỉ cũng có thể xuất hiện triệu chứng như sốt, ớn lạnh, đau cơ, đau đầu…

phong benh dau mua khi anh 1

Trẻ em cũng có thể xuất hiện các triệu chứng đậu mùa khỉ tương tự người lớn. Ảnh minh họa: johnny_mcclung.

Các triệu chứng này ở trẻ em tương tự với người lớn. Tuy nhiên, một số tác nhân cũng có thể gây phát ban ở trẻ em dễ nhầm lẫn với đậu mùa khỉ như bệnh thủy đậu, bệnh sởi, dị ứng thời tiết hay dị ứng thuốc…

Do đó, TS Amanda D. Castel, giáo sư khoa Dịch tễ học, Đại học George Washington (Mỹ), cho rằng phụ huynh không nên quá lo lắng khi con phát ban. Nguyên nhân gây bệnh có thể đến từ những tác nhân khác nói trên.

Mặt khác, US CDC thông tin hầu hết trường hợp trẻ em hoặc thanh thiếu niên mắc đậu mùa khỉ sẽ tự khỏi và không cần điều trị. Tuy nhiên, một số trường hợp vẫn có nguy cơ diễn biến nặng khi mắc đậu mùa khỉ là trẻ dưới 8 tuổi, có bệnh lý liên quan suy giảm hệ miễn dịch hoặc mắc các bệnh về da như chàm, mụn nghiêm trọng, bỏng…

Về mặt lây nhiễm, dữ liệu của US CDC cho thấy trong đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ lần này tại Mỹ, phần lớn ca mắc có liên quan quan hệ tình dục hoặc tiếp xúc gần gũi. Dù vậy, trẻ em vẫn có thể lây nhiễm virus đậu mùa khỉ thông qua tiếp xúc da kề da hay thường xuyên tiếp xúc với người bệnh.

Theo TS Dean Blumberg, giáo sư khoa Bệnh Truyền nhiễm Trẻ em, Đại học UC Davis Health (Mỹ), tại trường học, trẻ em ít có cơ hội tiếp xúc dạng này.

Ông nói: “Dù chơi đùa cùng nhau, rất ít trường hợp trẻ tiếp xúc da kề da kéo dài với bạn bè hay nhân viên, giáo viên ở các hoạt động trong trường học”.

Không cần cách ly sau khi tiếp xúc với ca mắc đậu mùa khỉ

Theo US CDC, các học sinh tại trường học không cần cách ly sau khi được xác định tiếp xúc với ca mắc đậu mùa khỉ và không có triệu chứng. Theo hướng dẫn của cơ quan này, người tiếp xúc với ca mắc đậu mùa khỉ hoàn toàn có thể tiếp tục các hoạt động hàng ngày nếu không xuất hiện triệu chứng của bệnh.

Trên thực tế, các trường học cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong việc ứng phó với các trường hợp bị ốm ngoặc nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm trong thời gian qua.

phong benh dau mua khi anh 2

Không cần cách ly các học sinh đã tiếp xúc với bệnh nhân đậu mùa khỉ nếu không có triệu chứng. Ảnh minh họa: yosi_prihantoro.

Ngoài ra, phụ huynh cũng được khuyến cáo theo dõi các triệu chứng của con trước khi cho trẻ đến trường.

TS Castel khuyên: “Nếu con ốm, chúng ta có thể để bé ở nhà nghỉ ngơi. Trong trường hợp trẻ phát ban và chưa xác định mắc đậu mùa khỉ hay bệnh lý khác, phụ huynh nên cho con tới khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác”.

Nhìn chung, vị chuyên gia cho rằng nhiệm vụ với gia đình cũng như nhà trường trong thời gian tới là hướng dẫn trẻ cách phòng bệnh như rửa tay thường xuyên, giữ vệ sinh…

“Nguy cơ trẻ em mắc đậu mùa khỉ khá thấp. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần tránh chủ quan để trẻ được chuẩn bị tốt và khỏe mạnh khi bước vào năm học mới”, TS Castel kết luận.

Anh phát hiện biến chủng virus đậu mùa khỉ mới

Các quan chức y tế ở Anh thông báo họ đã tìm thấy một chủng virus gây đậu mùa khỉ mới trên bệnh nhân trở về từ Tây Phi và chưa rõ độc lực của nó như thế nào.

Dịch Đậu mùa khỉ

Ngày 23/7/2022, Tổng giám đốc WHO công bố đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ hiện nay đáp ứng các tiêu chí đánh giá tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế theo Điều lệ Y tế quốc tế do tốc độ lây lan nhanh, nguy cơ về sự lan rộng hơn nữa của dịch bệnh tới các quốc gia khác là rất rõ ràng. Nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ là ở mức trung bình trên toàn cầu, riêng khu vực châu Âu là ở mức nguy cơ cao. Nhiều thông tin về bệnh cần được nghiên cứu và tìm hiểu thêm, đặc biệt là về phương thức lây truyền của virus. Độc giả xem toàn cảnh các bài viết về dịch đậu mùa khỉ dưới đây:

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm