Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cách phòng ngừa cảm cúm khi trời lạnh

Tập luyện đều đặn, chế độ ăn lành mạnh, ngủ đủ giấc và kiểm soát căng thẳng là cách giúp bạn tăng cường miễn dịch, ngăn ngừa các bệnh hô hấp dễ xảy ra khi thời tiết lạnh.

Vào mùa đông, chúng ta dường như khó có thể tránh khỏi những cơn ho và hắt hơi khi nhiệt độ xuống thấp. Điều này là do hệ miễn dịch suy yếu trong những tháng lạnh, khiến bạn dễ mắc các bệnh nhiễm trùng về đường hô hấp như cúm, cảm lạnh hơn. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe trong thời tiết lạnh giá, bạn cần tăng cường khả năng miễn dịch và cải thiện chức năng cốt lõi trong cơ thể.

Duy trì thói quen tập thể dục đều đặn

Theo Reader's Digest, thói quen tập thể dục có xu hướng giảm trong mùa đông. Mọi người thường trì hoãn tập thể dục trong điều kiện có tuyết hoặc nhiệt độ quá thấp. Thay vào đó, mọi người dành nhiều thời gian hơn ở trong nhà. Trong khi đó, một trong những điều quan trọng để tăng cường miễn dịch cho cơ thể là tập thể dục thường xuyên, bất kể thời tiết như thế nào.

Thường xuyên vận động là điều cần thiết để có miễn dịch khỏe mạnh, bởi hệ thống bạch huyết được kích thích dựa vào chuyển động cơ thể. Nó cho phép cơ thể điều chỉnh huyết áp và làm giảm căng thẳng. Điều này giúp hệ tuần hoàn dễ dàng phản ứng nhanh chóng và thiết lập cơ chế bảo vệ khi có virus truyền nhiễm hay độc tố xâm nhập vào cơ thể.

Cơ bắp thường xuyên được rèn luyện tạo ra các chất hóa học hoạt động trên tuyến ức, nơi tạo ra tế bào miễn dịch, giúp nó hoạt động hiệu quả khi cơ thể già đi.

Phong ngua benh ho hap vao ngay lanh anh 1

Chế độ ăn uống đủ chất có thể cải thiện hệ miễn dịch, tăng cường sức khỏe tổng thể. Ảnh: Rd.

Cải thiện chế độ ăn hàng ngày

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe tổng thể. Tiêu thụ bữa ăn đầy đủ chất từ ​​thực vật có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch. Vào những ngày lạnh, bạn nên cân nhắc bổ sung các loại thực phẩm dưới đây để đảm bảo đủ chất cho cơ thể:

- Chất béo lành mạnh: Axit béo omega-3 trong các loại cá như cá hồi, cá thu và cá trích hoặc nguồn thực vật như hạt chia, hạt lanh, quả óc chó và đậu nành có thể giúp hệ thống miễn dịch luôn ở trạng thái tốt nhất.

- Chất chống oxy hóa: Các chất chống oxy hóa trong trái cây, rau, hạt, quả hạch và đậu có thể giúp bảo vệ cơ thể chống lại gốc tự do (được tạo ra bởi tác nhân môi trường như ô nhiễm) gây viêm trong cơ thể. Các loại thực phẩm nhiều màu sắc như quả mọng, cam, bắp cải đỏ và củ cải đường cũng giàu chất chống oxy hóa.

- Probiotics: Các vi khuẩn đường ruột khác nhau có thể đóng vai trò trong hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể phân biệt giữa tế bào bình thường và những kẻ xâm lược. Để giúp vi khuẩn tốt sinh sôi, bạn nên hấp thụ nhiều men vi sinh, được tìm thấy trong thực phẩm lên men như sữa chua, dưa cải bắp và kim chi.

Đảm bảo cơ thể nhận đủ vitamin D

Theo CNN, vitamin D không chỉ quan trọng để phát triển và duy trì xương và răng chắc khỏe. Nếu cơ thể thiếu chất này, bạn cũng dễ bị nhiễm trùng hơn. Tuy nhiên, vào mùa đông, khi có ít ánh nắng mặt trời, thật khó để có đủ lượng vitamin D được khuyến nghị (400-800 IU/ngày, tương đương 10-20 microgram).

Đặc biệt, thời điểm này, mọi người cũng "lười" ra ngoài đường do nhiệt độ thấp. Vì vậy, sử dụng thực phẩm bổ sung có thể là cách hiệu quả cho nhiều người. Tuy nhiên, trước khi bổ sung bất kỳ loại nào, bạn nên hỏi ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng để có thể sử dụng hợp lý.

Cải thiện chất lượng giấc ngủ

Giấc ngủ sâu, chất lượng là chìa khóa để cơ thể chống lại nhiễm trùng. Trong quá trình ngủ, cơ thể tiết ra hormone melatonin, kích thích sản sinh tế bào miễn dịch mới. Đối với người lớn, thời gian ngủ tối ưu là 7-9 giờ. Ngoài việc tập trung đủ thời lượng ngủ, có một số cách để đảm bảo giấc ngủ của bạn có chất lượng tốt:

- Đặt thời gian biểu: Đi ngủ và thức dậy vào cùng một giờ mỗi ngày.

- Tối ưu hóa môi trường ngủ: Giữ phòng ngủ tối (có thể sử dụng rèm cản sáng hoặc mặt nạ che mắt), nơi ngủ có nhiệt độ mát mẻ và yên tĩnh.

- Tắt thiết bị điện tử như điện thoại, TV, máy tính ít nhất 30 phút trước khi đi ngủ và không sử dụng cho đến khi bạn thức dậy vào buổi sáng hôm sau.

Phong ngua benh ho hap vao ngay lanh anh 2

Giấc ngủ sâu, chất lượng giúp cơ thể cải thiện hệ thống miễn dịch hiệu quả. Ảnh: Dailyburn.

Kiểm soát căng thẳng

Tâm lý căng thẳng và cô đơn có thể ảnh hưởng khả năng miễn dịch, đặc biệt ở những người lớn tuổi hoặc đang mắc bệnh. Nếu muốn cơ thể có khả năng chống lại nhiễm trùng hiệu quả, tốt nhất bạn nên học cách đối phó với những tác nhân gây căng thẳng. Dưới đây là một số mẹo giúp bạn ngăn ngừa căng thẳng:

- Tăng cường kết nối: Dành thời gian cho bạn bè, người thân, đặc biệt là những người khiến bạn cười hoặc luôn khuyến khích bạn thay đổi lối sống lành mạnh.

- Học cách thư giãn: Tập thiền hoặc thử hít thở sâu khi bạn bắt đầu cảm thấy lo lắng.

- Di chuyển nhiều hơn: Đi bộ nhanh, đạp xe hoặc tham gia một lớp tập thể dục để tăng cường hormone hạnh phúc endorphin.

Nguyên tắc tập thể dục ngoài trời vào ngày lạnh

Mặc quần áo nhiều lớp, bảo vệ tay chân và bổ sung nhiều nước có thể giúp bạn giữ ấm và an toàn khi tập thể dục ngoài trời trong thời tiết lạnh giá.

Phương Mai

Bạn có thể quan tâm