Bệnh có tỷ lệ tử vong 80-90% và để lại di chứng rất nặng nề nếu không được xử trí nhanh và đúng cách. Ảnh: Shutterstock. |
Ngưng tim, ngưng thở (hay còn gọi ngừng tuần hoàn) là tình trạng gián đoạn đột ngột hoạt động bơm máu của tim, làm ngừng trệ dòng máu tới các cơ quan. Tỷ lệ tử vong trong tình huống này là 80-90% và để lại di chứng rất nặng nề nếu không được xử trí nhanh, đúng cách.
PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết ngừng tuần hoàn đột ngột có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, ngay cả ở những người chưa bao giờ phát hiện ra bệnh tim mạch trước đây mà không có bất kỳ triệu chứng nào báo trước.
Các tai nạn như ngộ độc, điện giật, đuối nước hoặc chấn thương cột sống, ngực; đa chấn thương... cũng có thể ngừng tuần hoàn tại hiện trường, trên đường chuyển viện hoặc trong bệnh viện.
Biểu hiện của ngừng tuần hoàn
Theo PGS Hải, bạn có 10 giây để phát hiện một trường hợp ngừng tuần hoàn với 3 dấu hiệu sau đây:
- Đột ngột mất ý thức
- Ngừng thở hoặc thở ngáp
- Không có dấu hiệu mạch lớn đập (mạch cảnh ở cổ và mạch bẹn).
Một số dấu hiệu báo trước khi ngừng tuần hoàn đột ngột, đây chính là các triệu chứng của bệnh lý, nguyên nhân bao gồm: đau tức ngực, khó thở, hồi hộp, đánh trống ngực, da xanh… Tuy nhiên, ngưng tuần hoàn đột ngột có thể xảy ra mà không có bất kỳ dấu hiệu báo trước nào.
TS.BS Đỗ Ngọc Sơn, khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, thông tin tình huống nạn nhân bị ngưng tim, ngưng thở trong điều kiện nhanh nhất có thể cần cung cấp được máu cùng với oxy đến cho tế bào não, đặc biệt là trong vòng 5 phút đầu kể từ khi ngừng tim.
Vì vậy, việc cấp cứu ngừng tim, ngừng thở cần tiến hành tại chỗ, khẩn trương, kiên trì và đúng kỹ thuật.
Việc quan trọng cần làm
Theo TS.BS Đỗ Ngọc Sơn, khi gặp nạn nhân bị tai nạn, người tiếp xúc cần nhận diện bệnh nhân có ngừng tuần hoàn hay không.
Nếu phát hiện thấy người bệnh bất tỉnh, không thở, bạn cần gọi cấp cứu 115 hỗ trợ. Tuy nhiên, trong lúc chờ nhân viên y tế, người tiếp cận nạn nhân cần tiến hành ép tim theo đúng kỹ thuật để giúp nạn nhân hồi phục nhanh hơn, tránh nguy cơ tử vong.
Hô hấp nhân tạo và ấn lồng ngực cần được thực hiện đúng cách. Ảnh: Shutterstock. |
Các bước tiến hành ép tim ngoài lồng ngực được tiến hành như sau:
- Đặt người bệnh nằm ngửa trên một mặt phẳng cứng. Nếu đang nằm sấp, bạn cẩn thận lật nạn nhân lại. Nếu nghi ngờ nạn nhân có chấn thương cột sống cổ, cố gắng lật cả người: đầu, cổ, thân, chân cùng lúc.
- Một bàn tay đặt lên chính giữa 1/2 dưới của xương ức bệnh nhân, bàn tay kia đặt lên trên bàn tay trước, các ngón tay xen kẽ và cùng chiều nhau. Dùng lực của hai tay, vai và thân mình ép vuông góc xuống lồng ngực của nạn nhân sao cho xương ức lún xuống 4-5 cm.
- Sau đó, bạn nhấc tay lên mà tiếp tục nhịp ép thứ hai, tốc độ ép tối ưu là 100-120 lần/phút. Với mỗi nhịp ép tim đúng kỹ thuật, bạn sẽ phải bắt được động mạch bẹn hoặc động mạch cảnh.
Ép tim như vậy có thể giúp làm tống máu lên vòng tuần hoàn, nhờ có lực ép trực tiếp lên tim kết hợp với làm thay đổi áp lực trong lồng ngực.
Động tác này sẽ đưa máu từ thất phải lên trao đổi khí ở phổi. Máu từ thất trái sẽ lên tuần hoàn vành và tuần hoàn não. Máu sẽ thụ động trở về nhĩ khi ngừng ép, khiến tim giãn ra và áp lực trong lồng ngực giảm xuống.
Cùng với việc ép tim ngoài lồng ngực, người cấp cứu cho nạn nhân cũng cần khai thông đường thở và thổi ngạt.
Cụ thể:
- Kỹ thuật ấn trán - nâng cằm: Dùng lòng bàn tay đặt lên trán và ấn ra sau làm ngửa đầu người bệnh, dùng tay còn lại nhấc hàm dưới lên đưa cằm ra trước.
- Kỹ thuật đẩy hàm dưới được sử dụng khi nghi ngờ có chấn thương cột sống cổ.
- Thổi ngạt trực tiếp kiểu miệng - miệng, mặt nạ thổi ngạt: Khi thổi ngạt, người cấp cứu dùng miệng thổi khí vào phổi người bệnh qua màng lọc, mặt nạ hoặc trực tiếp, thổi chậm trong vòng 1 giây, đủ để thấy lồng ngực nhô lên.
- Đầu tiên, bạn cần thổi 2 nhịp liên tiếp để đánh giá xem đường thở của người bệnh có thông suốt không. Nếu không thấy lồng ngực nâng lên nhẹ nhàng, bạn cần mở miệng để phát hiện có dị vật hay không.
Hai động tác ép tim và thổi ngạt phải được thực hiện xen kẽ nhau một cách nhịp nhàng theo các chu kỳ hồi sinh tim phổi.
Phòng tránh ngừng tuần hoàn đột ngột
PGS.TS Hoàng Bùi Hải cho hay ngừng tuần hoàn đột ngột thường liên quan bệnh lý tim mạch, phổi, thần kinh, tai nạn, ngộ độc… Vì vậy, người dân phải kiểm soát các yếu tố nguy cơ, khống chế tốt các bệnh nền, khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện bất thường tiềm tàng.
Để kiểm soát nguy cơ của bệnh mạch vành, đột quỵ, người bệnh cần: Bỏ hút thuốc lá; điều trị tăng huyết áp, rối loạn lipid máu; kiểm soát cân nặng; kiểm soát tốt đường huyết và HbA1c ở người đái tháo đường; tăng cường vận động.
Bên cạnh đó, các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ ngừng tuần hoàn đột ngột bao gồm: Sử dụng ma túy hoặc chất gây nghiện như cocaine hoặc amphetamine; bệnh thận mạn tính; hội chứng ngừng thở khi ngủ ở người ngủ ngáy, béo phì.
PGS Hải khuyến cáo khi có các dấu hiệu bất thường (đau ngực, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh hoặc không đều, khò khè không giải thích được, khó thở, có cơn ngất hoặc thỉu, chóng mặt), người dân cần đến bệnh viện để khám cấp cứu ngay, tránh nguy cơ bị ngừng tuần hoàn.
Ngoài ra, người khoẻ mạnh nên đi khám định kỳ mỗi 6 tháng đến 1 năm. Người có các bệnh lý nền nên khám theo hẹn của các bác sĩ.
Học kỹ năng sống từ những cuốn cẩm nang sinh tồn
Sách “Cẩm nang sinh tồn”, “100 kỹ năng sinh tồn”, “Sống sót” là câu chuyện của những phượt thủ, nhà thám hiểm về cách thoát hiểm và sinh tồn.