Trò chuyện với con: Trước hết, phụ huynh nên ngồi xuống, bình tĩnh nói chuyện tử tế với con về tình huống “sexting” - gửi, nhận hoặc chuyển tiếp những tin nhắn có nội dung gợi tình qua thiết bị điện tử - thay vì phạt hay la mắng. Nhờ đó, họ nắm được thực tế câu chuyện, hiểu lý do con gửi hình ảnh, nội dung không phù hợp và con tò mò điều gì khi “sexting”. Người lớn có thể bắt đầu bằng câu: “Cuộc trò chuyện này có thể khiến mẹ con mình không thoải mái nhưng mẹ cần phải nói. Con có thể nói với mẹ lý do và con mong chờ nhận được gì khi làm vậy không?”. |
Tránh làm con xấu hổ: Dù nghĩ gì, phụ huynh cũng cần cẩn thận, không khiến con cảm thấy xấu hổ. Việc đưa ra chỉ trích, đánh giá nặng nề có thể ảnh hưởng xấu đến lòng tự trọng của trẻ vị thành niên. Vì thế, cha mẹ nên nói về tác hại của “sexting” mà không đưa ra đánh giá cá nhân. |
Hiểu rõ tác động tâm lý: Nếu ảnh riêng tư của con lan truyền trên mạng, phụ huynh cần hiểu con sẽ cảm thấy nhục nhã, xấu hổ. Việc này ảnh hưởng lòng tự trọng và sức khỏe tâm thần trẻ. Vì thế, dù thất vọng thế nào trước hành vi của con, cha mẹ cũng cần tạm gác lại những chỉ trích, thấu hiểu tâm lý và an ủi, động viên con. |
Thảo luận về hậu quả pháp lý: Việc chia sẻ ảnh khỏa thân của trẻ dưới 18 tuổi với mục đích tình dục đều phạm pháp. Kể cả khi trẻ tự gửi ảnh khiêu dâm của mình cho người khác, hay lưu ảnh khỏa thân của trẻ vị thành niên khác trên điện thoại của mình, đều bị coi là hành vi khiêu dâm trẻ em. Vì vậy, cha mẹ cần trò chuyện để con hiểu “sexting” là vấn đề nghiêm trọng, có thể trở thành tội phạm. |
Giải thích hậu quả lâu dài: Trẻ vị thành niên thường chưa thể lường trước hậu quả lâu dài của hành vi “sexting”. Cha mẹ cần giải thích để con hiểu sự tò mò nhất thời đó có thể gây hậu quả đến tương lai con ra sao, những tin nhắn riêng tư có thể bị phát tán rộng rãi, thậm chí liên quan pháp luật, ảnh hưởng cơ hội vào đại học, việc làm sau này. |
Hành động - xóa toàn bộ tin nhắn khiêu dâm: Dù con là người gửi hay nhận tin nhắn, hình ảnh khiêu dâm, phụ huynh nên yêu cầu con xóa toàn bộ tin nhắn đó. |
Không xem nội dung không phù hợp: Nhận thấy con “sexting”, phụ huynh không nên xem các nội dung con gửi hay nhận, tránh khiến con xấu hổ thêm. Đặc biệt, một số cha mẹ gửi lại hình ảnh khỏa thân mà con nhận được cho chính phụ huynh của người gửi để cảnh báo. Hành động này bị coi là khiêu dâm trẻ em. |
Thông tin cho con: Trong quá trình xử lý, cha mẹ cần thông tin với con, kể cả việc họ báo hành vi “sexting” của con với giáo viên hay phụ huynh khác. Quan trọng, người lớn nên cho trẻ quyền được biết và lên tiếng. |
Hợp tác với phụ huynh khác: Hành vi “sexting” của con, nếu liên quan trẻ vị thành niên khác, cha mẹ nên nói chuyện với phụ huynh của họ để tìm cách xử lý. Bên cạnh đó, người lớn cũng cần giải thích tại sao cần làm thế. Ngoài ra, việc cha mẹ những người liên quan cùng đứng ra sẽ tạo cho trẻ cảm giác công bằng. |
Xem xét việc báo lên trường: Phụ huynh cần cân nhắc cẩn thận có nên báo lại sự việc với nhà trường không. Nếu hình khỏa thân được chụp, gửi khi trẻ đang ở trường, họ nên báo giáo viên. Tuy nhiên, trường vào cuộc có thể kéo theo nhiều việc rắc rối như phải báo cáo lên lực lượng chức năng, dẫn đến phức tạp. Do đó, cha mẹ nên tính toán để hành động phù hợp. |
Xử lý hậu quả - trò chuyện về tình dục lành mạnh: Phụ huynh không nên chỉ nói về những hậu quả mà còn cần quan tâm đến những tò mò của con về tình dục. Bắt gặp con “sexting” cũng là cơ hội để họ nói với trẻ vị thành niên về tình dục, những tình huống con cần biết nói “không”. |
Hẹn chuyên gia trị liệu: Nếu lo lắng về cách con thể hiện bản năng giới tính hay “sexting” ảnh hưởng xấu tâm lý con, người lớn có thể trao đổi với chuyên gia trị liệu. Sự can thiệp hợp lý là cần thiết khi trẻ xuất hiện các triệu chứng trầm cảm, lo âu thái quá. |
Đưa ra giới hạn: Nếu lo lắng về cách hành xử của con trên mạng, qua điện thoại, cha mẹ nên đặt ra các giới hạn về mạng xã hội, nhắn tin. Phụ huynh có thể hạn chế thời gian, thậm chí cấm con dùng điện thoại, đặc biệt vào buổi tối, hoặc đặt máy tính ở nơi các thành viên trong gia đình dễ giám sát. |