Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phụ huynh có nên nói chuyện với con về 'sexting'?

"Sexting" ngày càng phổ biến trong giới trẻ. Thay vì sốc, dọa nạt con, phụ huynh nên chủ động nói chuyện, hiểu con nghĩ gì và giúp con hiểu tác hại của "sexting".

Theo Forbes, từ năm 2009, hành vi “sexting” - gửi, nhận hoặc chuyển tiếp những tin nhắn có nội dung gợi tình qua thiết bị điện tử - ngày càng phổ biến trong trẻ vị thành niên.

Các chuyên gia cho rằng thay vì sốc khi bắt gặp con “sexting”, phụ huynh nên chủ động nói chuyện với con về hành vi này sớm.

noi chuyen voi con ve 'sexting' anh 1

Với trẻ vị thành niên, "sexting" có thể vì vui hoặc nhằm tạo mối liên kết với người xung quanh. Ảnh minh họa: iStock.

Trò chuyện với con về “sexting” từ sớm

Nhà tâm lý học Sheri Madigan, tác giả bài nghiên cứu về hành vi tình dục qua thiết bị kỹ thuật số trên JAMA Pediatrics, cho rằng khi nói chuyện với trẻ về “sexting”, cha mẹ nên bắt đầu đơn giản và trong mối tương quan với những quy tắc rõ ràng khác.

“Cha mẹ cần nói để con hiểu giống như việc không lên xe người lạ, tin nhắn, email không nên chứa hình ảnh ai đó đang khỏa thân”, bà Madigan nói.

Trong khi đó, TS Megan Moreno, bác sĩ nhi khoa tại ĐH Wisconsin (Mỹ), cho rằng trước khi nói chuyện với trẻ vị thành niên về “sexting”, người lớn nên nhớ lại những hành vi sai lầm, gây hại mình từng mắc phải thuở niên thiếu.

Sau đó, khi nói chuyện với con, họ cần “cố gắng nhìn nhận mọi thứ qua lăng kính: Đây là hành vi nhiều người mắc phải và hoàn toàn có thể thảo luận về nó nhưng nó nguy hại với con. Nếu thấy mình gặp phải chuyện như vậy, con có thể nói với cha mẹ”.

Khi trẻ trưởng thành hơn, TS Moreno đề nghị phụ huynh nói chuyện trực tiếp hơn. Trong cuộc trò chuyện, cha mẹ nên để con nói xem con biết những gì, nghĩ như thế nào, cách con nhìn nhận, cảm giác của con về “sexting”.

Đây là một phần trong cuộc thảo luận giữa hai thế hệ về giữ an toàn trong đời thực cũng như trên mạng xã hội, về hành vi xã hội, tình bạn, tình yêu, cách con người đối xử với nhau cũng như họ mong muốn được người khác đối xử với mình ra sao.

“Nhiều phụ huynh khăng khăng giữ quan điểm 'sexting' là điều gì đó khủng khiếp. Họ muốn truyền lối suy nghĩ này sang con, bảo với chúng hành vi 'sexting' có thể hủy hoại cuộc đời chúng, khiến mất cơ hội vào đại học hay có công việc tử tế”, TS Elizabeth K. Englander, giáo sư ngành tâm lý tại ĐH bang Bridgewater, nói về sai lầm của cha mẹ.

Bà khuyên phụ huynh nên đặt ra các giả thiết, để con tự suy nghĩ về tác hại, cùng các ứng phó trước “sexting” thay vì khẳng định “sexting” hủy hoại con hoàn toàn.

Các câu hỏi họ nên đưa ra là “nếu bị ép phải gửi ảnh khiêu dâm mà không muốn, con nên làm gì”, “nếu gặp trường hợp như vậy, con sẽ tìm ai để được giúp đỡ?”...

noi chuyen voi con ve 'sexting' anh 2

Việc cha mẹ chỉ thao thao thuyết giảng về tác hại của "sexting" thường không hiệu quả. Ảnh minh họa: 123RF.

5 lưu ý khi nói về “sexting”

TS Charlene Underhill Miller, bác sĩ trị liệu bằng liệu pháp tâm lý tại California, Mỹ, thừa nhận trò chuyện với con về “sexting” là thử thách khó khăn với người làm cha mẹ.

Họ phải làm sao để đảm bảo không khí cởi mở, cho phép con nói lên suy nghĩ của mình, đồng thời giúp con nhận ra mối nguy hiểm từ hành vi gửi tin nhắn chứa nội dung, hình ảnh khiêu dâm.

Bà đưa ra 5 gợi ý về cách phụ huynh có thể áp dụng để con hiểu về “sexting”.

Trước hết, cha mẹ nên gợi mở để con nói lên suy nghĩ của mình. Hai bên trao đổi nhẹ nhàng, tạo sự đồng cảm, thấu hiểu sẽ hiệu quả hơn việc cha mẹ thuyết giảng, cảnh báo.

“Những câu nói như ‘chuyện gì sẽ xảy ra nếu ai đó nhìn thấy những tin nhắn như vậy từ con?’ hay “mẹ cá con sẽ cảm thấy xấu hổ nếu có người chuyển hình ảnh hết sức riêng tư của con cho người khác’ giúp trẻ bắt đầu suy nghĩ về tác hại của sexting”, bà Miller cho biết.

Bà cũng khuyên người lớn tạo cảm giác cởi mở khi trò chuyện. Họ có thể lấy ví dụ về những hình ảnh, video riêng tư bị phát tán trên mạng. Bên cạnh đó, cha mẹ nên đề cập việc bảo vệ bản thân trong các mối quan hệ.

Không chỉ trò chuyện, người lớn cần quan tâm, nắm thông tin về con. “Sexting” thường đi kèm với nạn bắt nạt trên mạng. Trẻ vị thành niên gửi ảnh, tin nhắn khiêu dâm thường cảm thấy bị chế giễu, ép buộc hay gạ gẫm.

Vì thế, người lớn cần quan tâm sát sao, tận dụng các buổi họp phụ huynh hay gặp mặt giáo viên để nắm bắt thông tin, trò chuyện với phụ huynh khác về cách hướng dẫn con hành xử trên mạng.

TS Charlene Underhill Miller đề nghị các bậc cha mẹ giúp con thiết lập ranh giới lành mạnh. Trò chuyện về “sexting” hết sức cần thiết khi con bước vào tuổi dậy thì. Trẻ vị thành niên cần hiểu việc tham gia “sexting” không hề tốt.

“Có thể, con chỉ gửi hình ảnh, video, tin nhắn cho một người. Nhưng một khi chúng được truyền sang người khác, thậm chí đăng công khai trên mạng, mọi chuyện vượt khỏi tầm kiểm soát. Hàng loạt người có thể nhìn thấy, con không thể xóa chúng khỏi Internet”, TS Miller gợi ý điều phụ huynh nên cảnh báo con.

Một điều khác, bà cho rằng việc chia nhỏ nội dung ra thành nhiều cuộc trò chuyện sẽ giúp trẻ tiếp thu tốt hơn. Phụ huynh không nên nói chuyện hàng giờ, thuyết giáo con về “sexting” hay giữ an toàn trên mạng.

'61% nữ sinh bị gây áp lực phải gửi ảnh khỏa thân'

Theo TS Trần Thành Nam, trong số 572 học sinh, sinh viên tham gia khảo sát, 61% bạn nữ cho biết họ bị gây áp lực phải gửi ảnh khỏa thân. Tình trạng "sexting" có xu hướng gia tăng.

'Teen ơi, làm bạn nhé' - 5 nguyên tắc để nói chuyện với con

Theo TS Vũ Thu Hương, cha mẹ và con cái không thể nói chuyện với nhau chủ yếu do chưa ai chịu mở lòng ra để thực sự giao tiếp bằng trái tim.

Bách Linh

Bạn có thể quan tâm