Bài thi môn Ngữ văn cần huy động lực lượng giáo viên chấm thi đông hơn các môn khác. Ảnh: Duy Hiệu. |
Tại Hà Nội, địa phương có số lượng bài thi lớn nhất toàn quốc với gần 109.000 thí sinh dự thi. Công tác chấm thi chính thức được tiến hành để kịp công bố kết quả thi cùng các địa phương khác trên toàn quốc là 8h sáng 17/7.
Các địa phương bắt đầu chấm thi
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết địa phương huy động gần 600 cán bộ, giáo viên các trường THPT tham gia chấm thi. Khu vực chấm thi an toàn và biệt lập, có đủ phương tiện phòng cháy, chữa cháy và có công an bảo vệ liên tục 24/24h.
Cán bộ chấm thi trước đó đã được tập huấn quy chế, quy định và là những người vững chuyên môn, có kinh nghiệm chấm thi và tuyệt đối không được mang các phương tiện thu phát thông tin, sao chép tài liệu, giấy tờ riêng, bút xóa, bút chì và các loại bút không nằm trong quy định của ban chấm thi khi vào và ra khỏi khu vực chấm thi.
Tương tự, tại Đà Nẵng, ông Mai Tấn Linh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng, cho biết ngay sau khi kết thúc kỳ thi, địa phương bắt tay vào công tác chấm thi.
Những môn trắc nghiệm chấm bằng máy cần rất ít nhân lực, riêng môn Ngữ văn, chấm tự luận, địa phương điều động khoảng 120 cán bộ chấm thi đảm bảo đúng quy chế, đúng tiến độ.
Kỳ thi tổ chức tại các địa phương nên các tỉnh, thành phố tự chấm bài thi của học sinh trên địa bàn.
Do từng địa phương chấm bài thi của học sinh nên vấn đề chấm chặt, chấm lỏng hay đề thi mở nhưng đáp án đóng luôn được thí sinh, phụ huynh quan tâm.
Về vấn đề này, tại họp báo sau khi kết thúc kỳ thi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho rằng môn Ngữ văn có hướng dẫn chấm và một trong những yêu cầu quan trọng đối với môn học này đó là phát huy năng lực sáng tạo của thí sinh.
Đây cũng là vấn đề khó đối với cán bộ chấm, tuy nhiên từ trước đến nay những bài thi đạt điểm 9-10 phải đạt được yếu tố sáng tạo và điều đó phải được ít nhất 2 cán bộ chấm công nhận.
Các bài thi Văn chênh điểm sẽ được xử lý phù hợp. Ảnh minh họa: Khương Nguyễn. |
Xử lý các tình huống vênh điểm
Quy chế chấm thi quy định cán bộ chấm thi phải chấm theo hướng dẫn, đáp án, thang điểm của Bộ GD&ĐT.
Bài thi được chấm theo thang điểm 10; điểm lẻ của tổng điểm toàn bài được làm tròn đến 2 chữ số thập phân. Mỗi bài thi được chấm hai vòng độc lập bởi hai cán bộ chấm thi của hai tổ chấm thi khác nhau.
Ban Thư ký Hội đồng thi giao túi bài thi đã làm phách và phiếu chấm cho trưởng môn chấm thi.
Trưởng môn chấm thi tập trung toàn bộ các tổ trưởng tổ chấm thi, cán bộ chấm để quán triệt quy chế thi, thảo luận hướng dẫn chấm, chấm chung ít nhất 10 bài thi tự luận để rút kinh nghiệm, thống nhất cách áp dụng.
Việc giao túi bài thi cho cán bộ chấm cũng được thực hiện theo hình thức bốc thăm bằng phiếu.
Cán bộ chấm thi lần thứ nhất, không chấm trực tiếp điểm vào bài thi mà chấm điểm thành phần, điểm toàn bài và các nhận xét (nếu có) được ghi vào phiếu chấm của từng bài.
Cán bộ chấm lần thứ hai sẽ chấm trực tiếp vào bài làm của thí sinh và ghi vào phiếu chấm. Điểm chấm từng ý nhỏ phải ghi tại lề bài thi ngay cạnh ý được chấm và ghi điểm thành phần, điểm toàn bài vào ô quy định.
Khi đó, điểm các giám khảo có thể sẽ chênh lệch nhau và việc xử lý cũng được quy định rõ. Thành viên Ban Thư ký Hội đồng thi, trưởng môn chấm thi, tổ trưởng tổ Chấm thi và cán bộ chấm thi so sánh kết quả chấm thi và xử lý cụ thể.
Kết quả hai lần chấm nếu điểm toàn bài hoặc điểm thành phần lệch nhau dưới 1,0 điểm thi, hai cán bộ chấm thảo luận thống nhất điểm rồi ghi điểm, ký và ghi rõ họ tên vào tất cả các tờ giấy làm bài của thí sinh.
Điểm toàn bài hoặc điểm thành phần lệch nhau 1-1,5 điểm, hai cán bộ chấm thảo luận và ghi lại bằng biên bản, báo cáo trưởng môn chấm thi để thống nhất điểm.
Nếu đối thoại không thống nhất được điểm, trưởng môn chấm thi quyết định điểm, ghi điểm và ký vào bài thi.
Điểm toàn bài hoặc điểm thành phần lệch nhau trên 1,5 điểm thì trưởng môn chấm thi tổ chức chấm lần thứ 3 trực tiếp vào bài thi của thí sinh bằng mực màu khác.
Nếu kết quả 2 trong 3 lần giống nhau, trưởng môn chấm thi lấy điểm giống nhau làm điểm chính thức.
Trường hợp kết quả 3 lần chấm lệch nhau lớn nhất đến 2,5 điểm, trưởng môn chấm thi lấy điểm trung bình cộng của 3 lần chấm làm điểm chính thức cho thí sinh.
Nếu kết quả 3 lần chấm lệch nhau lớn nhất trên 2,5 điểm, trưởng môn chấm thi tổ chức chấm tập thể đối với bài thi đó.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.