Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cách xử trí tại nhà khi phát hiện mắc Covid-19

Bộ Y tế đã có hướng dẫn về việc quản lý tại nhà đối với các trường hợp F0.

Khi mắc Covid-19, người dân hoàn toàn có thể bảo vệ sức khoẻ khi điều trị tại nhà. Ảnh: Việt Linh.

Theo Bộ Y tế, đa số các trường hợp mắc Covid-19 trong thời gian gần đây có biểu hiện nhẹ và được theo dõi tại nhà. Người dân cũng có thể chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình ngay tại nhà với hướng dẫn của Bộ Y tế:

Phương pháp theo dõi

Đối với F0 điều trị tại nhà là trẻ dưới 5 tuổi

Theo Bộ Y tế, phụ huynh cần theo dõi sát sao các dấu hiệu của con gồm: Tinh thần, bú/ăn, đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày, đếm nhịp thở, mạch, đo nồng độ oxy trong máu SpO2 (nếu có máy đo), màu sắc da, niêm mạc, rối loạn tiêu hóa.

dieu tri covid-19 tai nha anh 1

Cha mẹ cần theo dõi sát các dấu hiệu ở trẻ mắc Covid-19. Ảnh minh họa: Thụy Trang.

Ngoài ra, khi phát hiện bất cứ dấu hiệu nào dưới đây, người chăm sóc phải thông báo ngay cho cơ sở quản lý người mắc Covid-19 tại nhà (trạm y tế xã, phường; trạm y tế lưu động, trung tâm vận chuyển cấp cứu...) để được khám, xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời, thậm chí đưa trẻ mắc Covid-19 đến các cơ sở y tế gần nhất:

  • Tinh thần: Trẻ quấy khóc, không chịu chơi, không hóng chuyện; li bì hoặc co giật.
  • Sốt cao liên tục trên 39 độ C và khó hạ thân nhiệt bằng các phương pháp như dùng thuốc hạ sốt,chườm/lau người bằng nước ấm; sốt không cải thiện sau 48 giờ.
  • Trẻ thở nhanh hơn so với tuổi: Trẻ dưới 2 tháng tuổi thở ≥ 60 lần/phút; trẻ từ 2 tháng đến dưới 12 tháng thở ≥ 50 lần/phút; trẻ từ 12 tháng đến dưới 5 tuổi thở ≥ 40 lần/phút.
  • Trẻ thở bất thường: Khó thở, thở phập phồng cánh mũi, co kéo hõm ức, cơ liên sườn. SpO2 dưới 96% (nếu có máy đo SpO2).
  • Tím tái.
  • Mất nước: Môi se, mắt trũng, khát nước, tiểu ít.
  • Nôn mọi thứ.
  • Trẻ không bú hoặc không ăn, uống được.
  • Trẻ mắc thêm các bệnh khác như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng...
  • Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của trẻ gia đình nhận thấy cần khám, chữa bệnh.

Đối với F0 điều trị tại nhà là trẻ từ 5 đến 16 tuổi

Tương tự trẻ dưới 5 tuổi, tuy nhiên, gia đình có trẻ từ 5 đến 16 tuổi mắc Covid-19 cần theo dõi thêm một số dấu hiệu là: Ho, đau ngực, đau bụng, tiêu chảy (phân lỏng/đi ngoài), mất khứu giác, thính giác.

Các dấu hiệu cần đưa trẻ tới cơ sở y tế hoặc thông báo cho đơn vị quản lý ca mắc Covid-19 là:

  • Thở nhanh: Nhịp thở của trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ≥ 30 lần/phút, trẻ từ 12 tuổi ≥ 20 lần/phút.
  • Thở bất thường: Co kéo hõm ức, liên sườn. SpO2 < 96% (nếu có máy đo SpO2).
  • Cảm giác khó thở.
  • Ho thành cơn không dứt.
  • Đau tức ngực.
  • Không ăn/uống được.
  • Nôn mọi thứ.
  • Tiêu chảy.
  • Trẻ mệt, không chịu chơi.
  • Sốt cao không giảm hay sốt không cải thiện sau 48 giờ.
  • Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của trẻ gia đình thấy cần khám, chữa bệnh.

Đối với F0 điều trị tại nhà là người trên 16 tuổi

Bản thân bệnh nhân và gia đình cần theo dõi các yếu tố của bệnh nhân gồm:

Chỉ số: Nhịp thở, mạch, nhiệt độ, SpO2 và huyết áp (nếu có thể).

Các triệu chứng: Mệt mỏi, ho, ho ra đờm, ớn lạnh/gai rét, viêm kết mạc (mắt đỏ), mất vị giác hoặc khứu giác, tiêu chảy (phân lỏng/đi ngoài), ho ra máu, thở dốc hoặc khó thở, đau tức ngực kéo dài, lơ mơ, không tỉnh táo, các triệu chứng khác như đau họng, nhức đầu, chóng mặt, chán ăn, buồn nôn và nôn, đau nhức cơ.

Các dấu hiệu cho thấy bệnh nhân cần nhập viện gồm:

  • Khó thở, thở hụt hơi.
  • Nhịp thở ≥ 20 lần/phút.
  • SpO2 ≤ 96%.
  • Mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc < 50 nhịp/phút.
  • Huyết áp thấp: Huyết áp tâm thu < 90 mmHg, huyết áp tâm trương < 60 mmHg (nếu có thể đo).
  • Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.
  • Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.
  • Thay đổi ý thức: Lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, co giật.
  • Không thể ăn uống do nôn nhiều.
  • Bất kỳ tình trạng bất ổn nào bệnh nhân và gia đình nhận thấy cần khám, chữa bệnh.

Lưu ý về điều trị

Hướng dẫn của Bộ Y tế mới đây cũng nêu rõ các F0 điều trị tại nhà có thể sử dụng một số loại thuốc sau:

  • Thuốc hạ sốt khi nhiệt độ ≥ 38,5 độ C hoặc đau đầu nhiều, cụ thể:

Người lớn: Paracetamol, mỗi lần một viên 500 mg hoặc 10-15 mg/kg trọng lượng cơ thể. Bệnh nhân có thể sử dụng lặp lại mỗi 4-6 giờ. Tuy nhiên, bệnh nhân cần lưu ý tổng liều thuốc không vượt quá 4 g (4.000 mg)/ngày.

dieu tri covid-19 tai nha anh 2

Paracetamol có thể sử dụng ở cả người lớn và trẻ nhỏ khi mắc Covid-19 nhưng cần lưu ý về liều dùng. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Trẻ em: Paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần (uống hoặc đặt hậu môn), cách tối thiểu 4-6 giờ nếu cần nhắc lại (hoặc sử dụng liều theo tuổi nếu không biết cân nặng của trẻ). Gia đình cũng cần lưu ý tổng liều thuốc không vượt quá 60 mg/kg/ngày.

  • Dung dịch cân bằng điện giải khi mất nước (do sốt cao, tiêu chảy, mệt mỏi): Khuyến khích người mắc Covid-19 uống nhiều nước, có thể sử dụng nước trái cây hoặc Oresol (pha và dùng theo đúng hướng dẫn). Trong trường hợp không muốn uống Oresol, các gia đình có thể thay thế bằng nước đun sôi để nguội, nước trái cây.

Bộ Y tế lưu ý bệnh nhân Covid-19 khi điều trị tại nhà không nên sử dụng các dung dịch nước ngọt công nghiệp (không sản xuất từ hoa quả) để bù nước.

  • Tăng cường dinh dưỡng: Ăn, uống đủ chất, tăng cường ăn trái cây tươi, rau xanh.
  • Dùng các thuốc điều trị triệu chứng khi cần thiết:

Ho nhiều: Có thể dùng các thuốc giảm ho từ thảo dược, thuốc giảm ho đơn thuần hoặc thuốc giảm ho kết hợp kháng histamin... Tuy nhiên, mọi người cần lưu ý chỉ định, chống chỉ định và các cảnh báo, thận trọng khi sử dụng thuốc.

Ngạt mũi, sổ mũi: Xịt rửa mũi, nhỏ mũi bằng dung dịch natriclorua 0,9%.

Tiêu chảy: Chế phẩm vi sinh có lợi cho đường ruột (probiotic), men tiêu hóa.

Ngoài ra, Bộ Y tế lưu ý với người đang được sử dụng các thuốc điều trị bệnh nền theo đơn ngoại trú cần tiếp tục sử dụng theo hướng dẫn.

Mặt khác, bệnh nhân tuyệt đối không tự ý dùng thuốc kháng virus, kháng sinh, kháng viêm… khi chưa có chỉ định, kê đơn. Đồng thời, các gia đình cũng không tự ý xông cho trẻ em.

Mục Sức khỏe giới thiệu cuốn Ăn gì không chết. Cuốn sách là một khảo cứu của bác sĩ Michael Greger sau khi ông xem xét tỉ mỉ 15 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chết trẻ ở Mỹ để giải thích tại sao can thiệp dinh dưỡng và lối sống có thể giúp ta khỏe mạnh hơn, ví dụ như mối liên hệ giữa thịt gà và ung thư tuyến tụy, hoặc bệnh tiểu đường và đậu.

Nhiều trẻ ở Hà Nội nhập viện vì bệnh truyền nhiễm

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Long, số trẻ đi khám vì bệnh truyền nhiễm như Covid-19, RSV, cúm A, tay chân miệng... tăng nhưng đa phần ở tình trạng nhẹ, 10-15% bệnh nhi phải nhập viện.

Giám đốc HCDC: 'Ca Covid-19 nhập viện chủ yếu thuộc nhóm nguy cơ cao'

Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, số ca mắc Covid-19 tại thành phố vẫn duy trì mức rất thấp, tình hình đang được kiểm soát ổn định.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm