Vào tháng 4, hơn 1 tháng sau khi qua đời, thi thể của người mẹ thuộc độ tuổi 80 và con trai thuộc độ tuổi 50 mới được phát hiện tại nhà riêng ở khu Changsin-dong, quận Jongno, trung tâm Seoul. Cả hai đều gặp các rắc rối về tài chính.
Hai mẹ con không thường xuyên tương tác với hàng xóm. Một người ghi chỉ số nước tiêu thụ cho các gia đình nghi có chuyện không hay nên tới kiểm tra và phát hiện thi thể hai mẹ con, theo Korea JoongAng Daily.
Theo điều tra của cảnh sát, người mẹ gặp vấn đề về vận động và cậu con trai không thể làm việc do mắc bệnh mạn tính.
Godoksa - những "cái chết cô độc" trong tiếng Hàn - ngày càng phổ biến khi xã hội già hóa, nhiều người cao tuổi sống một mình và mạng lưới an sinh xã hội không đầy đủ.
Chiếc nồi cơm điện của một người đàn ông khoảng 70 tuổi ở Seoul. Thi thể ông được tìm thấy vào khoảng 2 tuần sau khi qua đời. Ảnh: Yonhap. |
Theo một báo cáo của Choi Soo-beom, nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Seoul, số trường hợp chính thức được phân loại là "cái chết cô độc" ở Seoul đã tăng từ 51 năm 2020 lên 76 trường hợp năm 2021.
Trong số 127 trường hợp tử vong trong 2 năm đó, 76,4% là nam giới sống một mình, chủ yếu ở độ tuổi 50, 60 - còn được gọi là các "ajeossi", nghĩa là "ông chú, nam giới trung tuổi" trong tiếng Hàn. Đây cũng là nhóm có nguy cơ "chết cô độc" cao nhất.
Song In-joo, nhà nghiên cứu cấp cao tại Tổ chức Phúc lợi Seoul, đã tổng hợp 978 trường hợp tử vong của những người thuộc nhóm nguy cơ cao chết cô độc ở Seoul. Trong số này, 65,8% (644 trường hợp) là nam giới, 34,2% (334 trường hợp) là nữ giới.
Theo độ tuổi, những người ở độ tuổi 60 chiếm 29,1% (265 trường hợp), tiếp theo là những người ở độ tuổi 50 với 19,3% và ở độ tuổi 70 là 19%. Khoảng 95,4%, tương đương 933 người, thất nghiệp.
Ngày càng nhiều người qua đời trong cô độc ở Hàn Quốc, đặc biệt là nam giới lớn tuổi. Ảnh: Korea Bizwire. |
"Những người đàn ông trung niên chết một mình thường là nhóm bị buộc phải ra khỏi nhà, chịu điều kiện làm việc tồi tệ, đột ngột nghỉ hưu dẫn đến thay đổi đột ngột trong cuộc sống hàng ngày của họ và trở thành nhóm nguy cơ cao chịu cảnh qua đời trong cô đơn", nhà nghiên cứu Song cho biết.
Choi cảnh báo: “Với các biện pháp hỗ trợ hiện tại, rất khó để ngăn chặn những cái chết cô độc và lựa chọn các nhóm rủi ro".
Chính quyền thủ đô Seoul cho biết sẽ mở rộng phân bổ các thiết bị cắm thông minh - một hệ thống gửi cảnh báo đến nhân viên phúc lợi địa phương được chỉ định nếu không phát hiện thấy việc sử dụng điện hoặc chiếu sáng - cho 4.709 hộ gia đình trong năm nay, tăng từ con số hiện tại là 2.709.
Các thiết bị kết nối mạng lưới Internet khác, chẳng hạn như loa thông minh, cũng sẽ được sử dụng để phát hiện những bất thường trong các hộ gia đình một người.