Ở thủ đô của Ấn Độ, một người mẹ đau buồn ngồi biểu tình trên một con đường đông đúc bất chấp cơn mưa rào nặng hạt.
Bà cố gắng lặp đi lặp lại câu nói này cho bất kỳ ai lắng nghe: Đứa con duy nhất của bà, một cô bé mới 9 tuổi, đã qua đời khi tới nhà hỏa táng của hàng xóm để lấy nước từ thùng lạnh, theo New York Times.
Vội vàng thiêu xác nạn nhân
Khi hay tin con gái bị điện giật, người mẹ vội vã chạy đến nhà hỏa táng, song lại tìm thấy những dấu hiệu bị xâm hại tình dục trên cơ thể của con.
Bất chấp sự phản đối của bà, những người đàn ông tại địa điểm này nhanh chóng hỏa táng thi thể nạn nhân, ngay cả khi bố cô bé chưa kịp đến.
Vụ việc đã làm dấy lên một làn sóng biểu tình mới về nạn quấy rối, bạo lực tình dục tràn lan ở New Delhi, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em gái thuộc tầng lớp Dalit thấp kém trong xã hội Ấn Độ.
Bố mẹ của nạn nhân 9 tuổi cho biết con gái họ bị 4 người đàn ông hãm hiếp và giết chết, bao gồm cả linh mục ở nhà hỏa táng.
Họ cáo buộc cảnh sát Delhi đã không ngăn những kẻ này tiêu hủy bằng chứng, cũng như giam giữ, ép buộc hai vợ chồng chỉ được nộp đơn khiếu nại y hệt lời khai của linh mục, rằng đứa trẻ bị giật điện sau khi giẫm phải dây điện.
“Nếu con gái tôi thật sự chết vì điện giật, vì sao linh mục vội vàng hỏa táng con bé mà không lập hồ sơ gì?”, người mẹ chia sẻ với New York Times.
Lực lượng an ninh canh gác nhà hỏa táng - hiện trường vụ việc. |
Các nhà lãnh đạo phe đối lập đã đặt câu hỏi về việc xử lý vụ việc của cảnh sát New Delhi. Các nhóm đối lập, tổ chức hoạt động vì tầng lớp Dalit, cũng như các nhà hoạt động vì trẻ em và quyền bình đẳng giới đã tổ chức các cuộc biểu tình và lễ thắp nến tưởng nhớ gần Tòa nhà Quốc hội Ấn Độ.
Họ yêu cầu “công lý cho con gái quốc dân” - một khẩu hiệu quen thuộc liên tục được vang lên sau mỗi vụ tấn công tình dục tàn bạo xảy ra ở đất nước này.
Ngày 5/8, hàng chục người thuộc lực lượng an ninh được phái canh gác nhà hỏa táng. Mọi cánh cửa đóng chặt. Cả máy làm lạnh nước và lò thiêu nơi xảy ra sự việc đều được phong tỏa bởi băng dính của cảnh sát.
Gia đình của nạn nhân đã dựng một căn lều biểu tình trên con đường chính ở thị xã quân sự Delhi Cantonment (bang Delhi), cách hiện trường vụ án chỉ vài trăm mét.
Khuôn mẫu ở xã hội Ấn Độ
Chưa đầy một tháng trước, nạn nhân cùng gia đình chuyển tới căn hộ một phòng trong một con hẻm gần đường lớn. Cô bé nhanh chóng kết bạn với những đứa trẻ xung quanh và ghé chơi các gia đình hàng xóm ở tầng dưới.
“Con bé rất ngoan và có ý thức. Hơn nữa, nó là một đứa trẻ mạnh mẽ”, Suman, người hàng xóm tầng dưới, cho biết.
Các căn hộ tại đây không có nguồn nước sạch. Cư dân thường tới máy bơm gần đền thờ trên trục đường chính để lấy nước. Riêng cô bé 9 tuổi đi xa hơn một chút, băng qua đường để tới nhà hỏa táng - nơi có một máy làm lạnh nước.
Tuy nhiên, sau lần lấy nước vào tối 1/8, cô bé chẳng bao giờ được về nhà nữa.
Lò đốt xác của nạn nhân được cảnh sát niêm phong. |
“Hai bàn tay của nó bầm tím, một bên bong tróc da. Môi thâm màu xanh đen. Tôi mở miệng con bé ra một chút, thấy răng của nó chuyển sang màu đen và xanh. Đôi mắt nó nhắm nghiền, mái tóc xõa tung, quần áo ướt sũng. Khi ấy, con gái tôi đang nằm trên cáng bên trong lò hỏa táng”, người mẹ kể lại khi thấy xác con ở hiện trường.
Bất chấp lời phản đối từ phía người nhà nạn nhân, linh mục và 3 gã đàn ông vội vã thực hiện nghi thức lễ tang và thiêu xác cô bé.
Khi bố của nạn nhân tới nơi cùng với một đám đông, những kẻ thủ ác vẫn không dừng việc hỏa táng ép buộc. Một số người trong đám đông vây bắt vị linh mục, đánh đập và cáo buộc ông ta tội hiếp dâm, theo lời kể của các nhân chứng và gia đình nạn nhân.
Sau đó, bố mẹ của nạn nhân bị đưa đến đồn cảnh sát và bị giam giữ tới tối hôm sau. Người mẹ cho biết hai vợ chồng bà bị nhốt trong các phòng tách biệt và bị đe dọa bởi một người chuyên cấp tin mật cho cảnh sát.
Theo lời của người này, tốt nhất hai vợ chồng nên chấp nhận lời khai rằng đứa trẻ chết vì điện giật và không đề cập đến việc hiếp dâm.
Tuy nhiên, Ingit Pratap Singh, phó ủy viên cảnh sát quận Southwest Delhi, bác bỏ cáo buộc cảnh sát trơ mắt nhìn ở nhà hỏa táng hoặc thành viên gia đình bị ngược đãi tại đồn. Ngoài ra, ông cho biết hai vợ chồng không hề đề cập đến hành vi hiếp dâm ở bản khiếu nại đầu tiên.
Các nhà hoạt động nhân quyền tại Ấn Độ nói rằng chính quyền địa phương thường cố gắng che giấu những vụ việc tương tự.
Sampat Pal, người sáng lập phong trào phụ nữ Gulabi Gang, biểu tình ở Delhi hôm 5/8. |
Năm 2020, tại bang Uttar Pradesh, cảnh sát đã trì hoãn vụ cưỡng hiếp tập thể một cô gái 19 tuổi thuộc tầng lớp Delit, bất chấp có bằng chứng là video ghi lại lời kể của nạn nhân trong bệnh viện. Không lâu sau đó, cô gái qua đời vì những vết thương.
Không lâu sau, gia đình lên tiếng tố cáo cảnh sát vội vàng đưa thi thể con gái họ đi hỏa táng ngay trong đêm tối. Điều này khiến làm tăng thêm số câu hỏi được đặt ra cho cơ quan thực thi pháp luật ở Ấn Độ. Hiện gia đình này vẫn đang chờ xét xử.
“Bạn có thể thấy một kiểu mẫu giống nhau. Cảnh sát không có nổi một cuộc điều tra phù hợp, dẫn đến việc nhiều kẻ hiếp dâm được thả tự do. Tỷ lệ kết án cho những tội ác chống lại phụ nữ ở quốc gia này vẫn ảm đạm ở mức 24%”, Ranjana Kumari, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Xã hội, người từng lãnh đạo trung tâm can thiệp khủng hoảng hiếp dâm ở Delhi, nói với New York Times.
“Thật không may khi cảnh sát chỉ đứng cùng phe với tầng lớp thống trị hoặc ưu tú trong xã hội. Đó là khuôn mẫu chung trong chính sách ở Ấn Độ”, cô nói thêm.