![]() |
Giá nguyên liệu tăng cao là một trong số nguyên nhân góp phần khiến nhiều quán ăn truyền thông ở Hàn Quốc đóng cửa. Ảnh minh họa: Let's Eat Dinner Together. |
Sau 17 năm phục vụ các món ăn dân dã cho người dân ở thành phố Anyang, bà Park ngậm ngùi đóng cửa nhà hàng của mình vào tháng 4. Bà cho biết nguyên nhân là chi phí nguyên liệu leo thang, trong khi bà đã có tuổi và không có ai kế nghiệp.
"Canh hầm và trứng cuộn của tôi luôn được yêu thích trong khu phố. Nhưng khi giá nguyên liệu tăng, tôi không thể cứ tăng giá mãi được. Hầu hết khách của tôi là người quen, tôi không nỡ làm vậy", bà chia sẻ.
Bà Park cũng thừa nhận công việc kinh doanh chưa bao giờ mang lại lợi nhuận lớn. Khi tuổi cao sức yếu, bà không thể gắng gượng. Dù bà từng nghĩ đến việc giao lại quán cho con gái, con bà lại không hề muốn tiếp nối nghề gia truyền.
Sự suy giảm của các quán ăn truyền thống Hàn Quốc, đặc biệt là các quán baekban hay "cơm nhà" (phục vụ cơm phần gia đình với nhiều món phụ), gia tăng đáng kể trong vài năm gần đây, theo Korea JoongAng Daily.
Ngành này đặc biệt chịu ảnh hưởng bởi giá thực phẩm tăng, do ẩm thực Hàn Quốc sử dụng nhiều nguyên liệu đa dạng, dễ bị biến động giá. Cộng thêm nền kinh tế trì trệ và thay đổi trong thói quen ăn uống - bao gồm sự phát triển của ứng dụng giao đồ ăn - khiến các món đơn giản, dễ mang đi ngày càng phổ biến hơn.
Các nhà hàng Hàn Quốc chiếm 41,8% tổng số quán ăn trên toàn quốc năm 2024, giảm từ 45,6% vào năm 2018, theo Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Nông thôn. Dữ liệu này dựa trên khảo sát 3.196 nhà hàng ở 17 tỉnh, thành từ tháng 8 đến tháng 11 năm ngoái.
Tổng số nhà hàng ở Hàn Quốc đạt đỉnh hơn 804.000 vào năm 2020, nhưng giảm còn 795.024 vào năm 2022, theo Cục Thống kê Hàn Quốc. Các nhà hàng Hàn Quốc đang sụt giảm nhanh hơn so với ngành ăn uống nói chung.
Sự suy giảm của các quán ăn Hàn Quốc còn phản ánh thay đổi về nhân khẩu và văn hóa. Tính đến tháng 5 năm nay, số chủ nhà hàng Hàn Quốc là 410.429 người - giảm 2.233 người so với cùng kỳ năm 2024, theo Cục Thuế Quốc gia.
Tuổi trung bình của chủ quán ăn Hàn Quốc năm 2024 là 56,2 tuổi, cao hơn mức trung bình ngành là 52,9 tuổi. Trong khi đó, chủ quán Trung Quốc là 53,9 tuổi, Nhật Bản và phương Tây chỉ khoảng 47-49 tuổi.
"Giới trẻ ngày nay ngại theo đuổi công việc làm chủ quán ăn truyền thống Hàn Quốc do làm việc vất vả và thời gian dài", một người trong ngành chia sẻ.
Giá nguyên liệu tăng ảnh hưởng đặc biệt đến các quán ăn Hàn Quốc do thực đơn phong phú. Theo Tập đoàn Thương mại Nông thủy sản Hàn Quốc, tính đến ngày 21/7, giá trung bình 20 kg gạo là 59.641 won (43 USD), tăng 13,4% so với năm ngoái. Bắp cải tăng 44,71% so với tháng trước. Lá mè tăng gần 11%, rau chân vịt tăng gấp đôi.
Khảo sát cho thấy nguyên liệu và nhân công chiếm đến 71,1% doanh thu ở các nhà hàng Hàn Quốc, cao hơn mức trung bình 69,8%. Trong tổng chi phí 1,56 triệu won/tháng (1.128 USD), có tới 845.200 won (611 USD), tức 54,2%, là tiền nguyên liệu.
Dù dịch vụ giao đồ ăn bùng nổ sau đại dịch, các món Hàn Quốc, đặc biệt là món hầm, món trộn, lại khó thích nghi. Chỉ 21,6% quán Hàn Quốc dùng ứng dụng giao đồ ăn, thấp hơn mức trung bình 25,6%.
Bà Choi Min-ji, Giám đốc chính sách dịch vụ ăn uống của Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc, cho rằng: "Việc mở thêm quán baekban không tự động giúp ẩm thực Hàn có sức cạnh tranh hơn. Chúng ta cần hỗ trợ các doanh nghiệp ẩm thực Hàn Quốc mở rộng ra quốc tế, đồng thời có chương trình hỗ trợ các hộ kinh doanh nhỏ duy trì hoạt động".
Theo tác giả James Suzman, Đông Á được coi là khu vực đang phải chịu hậu quả nặng nề từ thực trạng nhân viên làm việc quá sức. Những con số đáng báo động về "văn hóa 996" ở Trung Quốc, hiện tượng "karoshi" (làm việc đến chết) tại Nhật Bản... được đề cập trong cuốn sách Lịch sử việc làm khiến chúng ta phải giật mình.